Tiêu điểm
Hồi ức về Thủ tướng Phan Văn Khải những ngày làm Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005
Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm đều có sự đóng góp quan trọng của công cuộc cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt về thể chế cho phát triển khu vực tư nhân mà Thủ tướng dốc lòng xây dựng.

Là người được đào tạo bài bản về quản lý kinh tế tại trường đại học Plekhanov ở Liên Xô cũ, đã có trải nghiệm thực tế trong những năm công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi luôn có kinh tế tư nhân phát triển nhất trên đất nước ta, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất sớm có cách nhìn về kinh tế tư nhân khác so với những nhà lãnh đạo cao cấp cùng thời.
Ông không giáo điều, không định kiến “bóc lột”, không e ngại, mà hiểu rõ vai trò của kinh tế tư nhân và thực lòng mong muốn phát triển khu vực này.
Vì vậy, ngay khi ra trung ương làm việc đầu thập niên 1990, ông đã hết sức cố gắng đưa những quan điểm mới vào các nghị quyết của Đảng và chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta.
Trên cương vị Phó trưởng Tiểu ban xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 1991 - 2000, trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ biên tập văn kiện này, ông đã cùng các thành viên Tổ biên tập ghi vào dự thảo chiến lược: “Trong công cuộc chấn hưng kinh tế đất nước, nhân vật trung tâm là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ, từ người chủ kinh tế gia đình gắn với thị trường đến người sở hữu và quản lý các doanh nghiệp lớn”.
Tiếc rằng nội dung này không được Bộ Chính trị thời đó chấp nhận.

Khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, được giao chủ trì xây dựng văn kiện trình Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 12/1997), ông lại cố gắng đưa ra một số quan điểm và chủ trương tiếp tục đổi mới kinh tế, đặc biệt là về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII lần đầu tiên khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân bao gồm nhiều loại hình kinh doanh, khẳng định cần tạo môi trường và điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh, đồng thời tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Sau Hội nghị Trung ương 4, ông tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên với các nhà kinh doanh, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân qua ba cuộc họp được tổ chức ở ba nơi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tại đó ông khẳng định việc xác lập quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp trên nền tảng mới: “Quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước”.
Từ những điều trực tiếp lắng nghe doanh nghiệp, ông tập trung chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (ban hành từ 1990-1991) vừa để thể chế hóa quan điểm mới của Hội nghị Trung ương 4, vừa nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Tổ soạn thảo được thành lập gồm những người có tư duy đổi mới mạnh mẽ, đứng đầu là ông Trần Xuân Giá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cùng một số cán bộ chủ chốt của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng (PMRC) và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đây là lần đầu tiên đại diện cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ mời tham gia soạn thảo luật.
Qua nghiên cứu thực tế trong nước và kinh nghiệm của nước ngoài, tổ soạn thảo đề nghị hợp nhất hai luật thành Luật Doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các loại hình công ty và doanh nghiệp tư nhân.
Việc tiến tới một Luật Doanh nghiệp chung cho mọi thành phần kinh tế trên đất nước ta cũng được tính đến, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải và các chuyên gia đều hiểu rằng cần có thêm thời gian mới làm được.
Với niềm tin vào giới kinh doanh, ngay từ đầu Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo việc xây dựng Luật doanh nghiệp phải đảm bảo hai nội dung quan trọng nhất: nguyên tắc mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật; và Nhà nước phải chuyển cách quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999 đã diễn ra rất sôi động. Tổ soạn thảo đã nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, đã tham vấn các chuyên gia nước ngoài và đặc biệt đã đưa dự thảo ra hỏi ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên mà quá trình làm luật được “đưa ra ánh sáng”, chứ không nằm trong “tháp ngà” của các cơ quan Nhà nước, là lần đầu tiên các doanh nghiệp được tham gia ý kiến xây dựng một luật cho chính mình.
Tôi nhớ mãi sự thán phục của một số chuyên gia “kiến thức đầy mình” trước những lời bình và ý kiến đóng góp thiết thực mà sắc sảo của các doanh nghiệp, cũng như sự mừng vui của các doanh nghiệp vì đã đưa được những khuyến nghị cụ thể vào, khiến cho dự thảo luật trở nên sát thực và khả thi hơn nhiều.
Tuy vậy, khi Chính phủ trình bày dự thảo luật trước Quốc hội, ban đầu mọi việc cũng hoàn toàn không dễ dàng. Nhiều đại biểu đồng thời là cán bộ lãnh đạo ở các ngành và địa phương rất khó tiếp nhận tinh thần đổi mới của luật, do chưa thoát khỏi nếp nghĩ cũ.
Chính phủ đã kiên trì giải trình, thuyết phục, để rồi sau một tuần thảo luận, ngày 29/5/1999 Quốc hội đã thông qua luật với sự tán thành của 84,5% số đại biểu có mặt.
Luật Doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2000, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tạo lập môi trường pháp lý về kinh doanh theo kinh tế thị trường và phát huy nội lực của nước ta.
Thấy trước việc tổ chức thực hiện luật sẽ không đơn giản vì đụng chạm tới lợi ích cục bộ của không ít cơ quan và cán bộ Nhà nước cũng như đặc quyền lâu nay của một số doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp vẫn do ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng với nòng cốt là những người đã tham gia xây dựng luật.
Công việc khó khăn, mất nhiều công sức nhất của tổ là rà soát các “giấy phép con” đã ban hành trước đây để kiến nghị bãi bỏ những giấy phép không phù hợp với Luật doanh nghiệp.
Qua hai năm đầu thi hành Luật, theo đề nghị của tổ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định bãi bỏ gần 50% số “giấy phép con”, tạo thuận lợi cho việc thi hành Luật Doanh nghiệp và trao quyền tự do kinh doanh thực sự cho người dân.
Ngoài ra, trong những năm từ 2001 đến 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều luật quan trọng khác về kinh tế như Luật Đất đai, Luật về Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, các luật thuế…
Một số luật, pháp lệnh mới cũng được soạn thảo và ban hành như Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về chống bán phá giá, về quyền tự vệ… Tất cả những văn bản này đều được xây dựng trên tinh thần đổi mới tương thích với Luật Doanh nghiệp 1999, đồng thời dựa trên những nguyên tắc cơ bản của WTO mà nước ta đang đàm phán để gia nhập.
Hệ thống pháp luật kinh tế được đổi mới tương đối đồng bộ và nhất quán đã giúp rất nhiều cho việc thi hành Luật Doanh nghiệp, góp phần quan trọng phục hồi tăng trưởng kinh tế nước ta sau cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực (1997-1999) và tạo thuận lợi cho việc nước ta hoàn tất đàm phán và được kết nạp vào WTO tháng 9/2006.
Từ cuối năm 2003, Thủ tướng cũng đã giao cho PMRC chủ trì nghiên cứu và đề xuất về việc xây dựng Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam, không phân biệt thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, với ý tưởng hình thành một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, xóa bỏ tình trạng có tới 4-5 luật cho các doanh nghiệp khác nhau trên đất nước ta.
Trên cơ sở nghiên cứu và đề xuất đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư (MPI) chủ trì cùng các cơ quan liên quan triển khai soạn thảo 2 Luật Doanh nghiệp và Đầu tư chung này.
Một số sáng kiến của PMRC về xây dựng pháp luật đã được Thủ tướng ủng hộ cho áp dụng trong quá trình soạn thảo 2 luật đó.
Thứ nhất là việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị về việc soạn thảo luật, trong đó đưa ra những tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của luật, nhằm làm rõ ngay từ đầu những định hướng cải cách, những yêu cầu và nguyên tắc cơ bản mà luật mới phải đạt được. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình soạn thảo luật, giảm đi những ý kiến ngược chiều, tránh né cải cách hoặc xung đột giữa các bên tham gia.
Thứ hai là áp dụng phương pháp của OECD về đánh giá tác động của các quy định (gọi tắt là RIA) vào quá trình dự báo, đánh giá tác động kinh tế-xã hội của 2 luật ở nước ta. Ưu điểm nổi trội của RIA là giúp làm rõ chi phí-lợi ích của luật mới một cách khách quan, để từ đó chính phủ có thể chọn lựa giải pháp tốt nhất, có lợi nhất cho nền kinh tế, đồng thời giảm rủi ro, đặc biệt cho những đối tượng có thể bị thua thiệt.
Thứ ba là rà soát các luật và văn bản pháp qui liên quan để khuyến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều không phù hợp với hai luật mới, nhằm tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật kinh tế.
Việc soạn thảo hai luật mới được tiến hành khẩn trương và cũng không kém phần sôi nổi trên cơ sở các sáng kiến trên. Ngoài cộng đồng các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp Việt, các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở nước ta đã tham gia rất tích cực vào quá trình này.
Một lần nữa, tiếng nói của các cộng đồng doanh nghiệp đã thực sự góp phần giúp chúng ta có được những luật mang tinh thần đổi mới cao.
Cuối năm 2005, Chính phủ trình và Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7/2006, đưa tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta, kể cả doanh nghiệp nhà nước và FDI, vào một khung pháp lý thống nhất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử tồn tại nhiều năm trước đó.
Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm đều có sự đóng góp quan trọng của công cuộc cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt về thể chế cho phát triển khu vực tư nhân mà Thủ tướng dốc lòng xây dựng.
* Bài viết của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
"Thủ tướng Phan Văn Khải giúp hình thành thế hệ doanh nhân thời đầu vững mạnh"
Quốc hội chốt còn 34 tỉnh, thành phố
Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vẫn còn nhiều vướng mắc
Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường khó đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Chính phủ yêu cầu kiểm soát đà tăng giá bất động sản
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đưa ra phương án để tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, mở rộng nguồn cung.
Đổi mới tư duy, nâng tầm tham mưu chiến lược tuyên giáo, dân vận trong giai đoạn mới
Đảng bộ Ban Tuyên giáo và dân vận Trung ương sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao chất lượng tham mưu, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên số.
Tìm hướng 'dìu dắt' 5 triệu hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Nâng cấp 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động để đạt được mục tiêu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 là hoàn toàn khả thi.
Tăng cường hướng dẫn hộ kinh doanh dùng hóa đơn điện tử
Thủ tướng giao nhiệm vụ hướng dẫn hộ kinh doanh hiểu rõ lợi ích cũng như trách nhiệm sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là loại hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền.
Sun Group lập Hãng hàng không nghỉ dưỡng Sun PhuQuoc Airways
Bộ Xây dựng hôm nay đã cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 01/2025/GPKDVCHK cho Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc (tên thương hiệu Sun PhuQuoc Airways).
Giám đốc SSI: Tài sản số sẽ tiến hóa nhanh gấp 10 lần chứng khoán
Với những tiềm năng của tài sản số, phía SSI mong muốn trở thành trung tâm của thị trường này, khi có cơ chế thí điểm sàn giao dịch.
VinFast tổ chức sự kiện 'Đổi xăng lấy điện' tại Hà Nội, TP.HCM
Sau thành công tại Hải Phòng và Đà Nẵng, sự kiện “Đổi xăng lấy điện - Cùng VinFast kiến tạo tương lai xanh” của VinFast được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Xanh Boutique: Mảnh ghép kiến tạo đô thị di sản tại trung tâm Cát Bà
Giữa không gian hoang sơ và kỳ vĩ của đảo ngọc Cát Bà, khu thấp tầng Xanh Boutique không chỉ sở hữu vị trí trung tâm đắc địa mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với cảm hứng làng nghề truyền thống và thiết kế linh hoạt, tối ưu công năng.
Men say đô thị ở Bắc Ninh: Hưng phấn hay bong bóng?
Bắc Ninh đang chứng kiến làn sóng đầu tư đô thị hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng liệu đó là dấu hiệu tăng trưởng hay nguy cơ bội cung, bong bóng thị trường?
VinFast VF 7 sau 10.000km: 'Lực sĩ điện' khiến chủ xe tự hào
Được ví như “báo săn mồi” trên đường nhờ khả năng tăng tốc đáng kinh ngạc, VinFast VF 7 còn ghi điểm tuyệt đối trong mắt người dùng với thiết kế chất, tiện nghi sang trọng và chi phí sử dụng “nhẹ tênh”.