Hơn chục năm đầu tư công nghệ không bằng hai đợt Covid

Quỳnh Chi - 08:38, 07/11/2020

TheLEADERDịch Covid-19 dù gây ra nhiều khó khăn với các doanh nghiệp như Phúc Sinh Group nhưng lại là cơ hội để doanh nghiệp này chuyển đổi số thành công với việc ra mắt giao diện website và ứng dụng trên điện thoại di động, đặt tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Hơn chục năm đầu tư công nghệ không bằng hai đợt Covid
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group

Đại dịch Covid-19 diễn ra đã gây nên nhiều khó khăn đối với ngành hồ tiêu. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2020 ước đạt 19 nghìn tấn với giá trị đạt 48 triệu USD.

Con số này đã đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu mười tháng đầu năm nay đạt 239 nghìn tấn và 537 triệu USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 15,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, người được mệnh danh là “vua” hồ tiêu Việt Nam cho biết, việc kinh doanh trong ngành hồ tiêu năm 2020 gặp nhiều khó khăn khi nhiều đối tác ngưng nhập khẩu do hàng nhập về không bán được, vẫn phải để hàng trong kho.

Trong khi đó, Việt Nam lại là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới. Khoảng 85% sản lượng tiêu dành cho xuất khẩu, chỉ từ 10 - 15% dành cho tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, khó khăn càng lớn lại càng thúc đẩy sự sáng tạo của con người, khiến họ phải vùng vẫy tìm cách để tồn tại. Vậy mới có câu chuyện nhiều doanh nghiệp luôn chủ động và linh hoạt đã tìm được cơ trong nguy khi Covid-19 xảy ra.

Với một tư tưởng lạc quan, ông Thông xác định rằng không bán cho đối tác này thì tìm đối tác khác. Do vậy, Phúc Sinh Group vẫn tìm mọi cách để bán được hàng, cố gắng sản xuất, xuất khẩu ngày đêm và vẫn thu về được lợi nhuận.

Ông Thông cho biết, Phúc Sinh Group đã thực hiện đa dạng trong chế biến cũng như phát triển thị trường siêu thị và phân phối qua kênh trực tuyến. 

Doanh nghiệp này kết nối với hàng trăm nhà sản xuất, bán hàng, phân phối lớn và trực tiếp nhập khẩu để đa dạng hoá các mặt hàng trên cùng một ứng dụng.

Bên cạnh bài toán duy trì xuất khẩu dù gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch, ông Thông cũng xác định đẩy gia tăng phân phối ở thị trường nội địa do tỷ trọng thị trường nội địa còn chưa cao. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường trong nước trở thành chiếc phao cứu sinh cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề. Nếu biết cách khai thác thị trường triệu dân, cơ hội về lâu dài sẽ lớn.

Với "vua hồ tiêu" của Việt Nam, Covid-19 còn là chất xúc tác rất lớn cho quá trình sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp một cách rốt ráo để nâng cao chuỗi giá trị của chính mình, từ khâu đầu vào đến đầu ra, từ sản xuất đến truyền thông và phân phối.

Trong đó, Phúc Sinh Group xác định tiên phong chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, chính thức ra mắt giao diện website mới và ứng dụng trên điện thoại di động KPHUCSINH. Đây có thể xem là một bước tiến mới của Phúc Sinh khi việc đầu tư vào công nghệ đã được thực hiện trong hàng chục năm qua nhưng chưa mang lại nhiều thay đổi.

Việc chuyển đổi số ở Phúc Sinh, theo ông Thông, là nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển song song giữa vị thế của nhà xuất khẩu sản phẩm nông sản và thực phẩm thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam với tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Hiện nay, doanh nghiệp này đã hiện diện thành công tại hơn 130 quốc gia, sở hữu cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, khép kín 3F (farm – factory- from farm to cup) gồm sáu nhà máy tại phía Nam và phía Bắc, cùng mạng lưới đại lý, đối tác trong chuỗi cung ứng phân phối thực phẩm chế biến sâu, tập trung trong hai mặt hàng cà phê và hồ tiêu với hơn 50 nhãn hiệu sản phẩm thuộc nhãn hàng KCoffee và Kpepper.

Việc chuyển đổi số được coi là ưu tiên hàng đầu của Phúc Sinh Group trong chiến lược đột phá kinh doanh để phù hợp với bối cảnh, xu thế mới.

Năm 2020, thế giới và Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức từ các chuyển động, biến động toàn cầu. Trong đó có tác động của cuộc cách mạng 4.0, dịch Covid-19 và sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Cùng với lợi thế dân số, nền tảng công nghệ, thì khả năng chi tiêu và lựa chọn mua sắm trên kênh thương mại điện tử của người dân Việt Nam cũng đang tăng rất nhanh. Hành vi tiêu dùng theo xu hướng mới góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin của các thành phần thuộc nền kinh tế trên mọi lĩnh vực.

Theo ông Thông, sau khi ứng dụng được triển khai, doanh số bán hàng của Phúc Sinh trong những ngày đầu tiên tăng lên nhanh chóng, tạo cảm hứng cho đội ngũ nhân sự. Ông cũng cho biết mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ có 10.000 lượt tải ứng dụng.