Thực hiện Quy hoạch Điện VIII chờ kết luận 154 dự án điện mặt trời
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm trả lời về 154 dự án điện mặt trời, làm cơ sở bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII
Thủ tướng yêu cầu xử lý, giải quyết dứt điểm khó khăn cho các dự án điện tái tạo xong trước 31/1/2025 nhằm không lãng phí nguồn lực.
“Cương quyết xử lý, giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc” là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện tái tạo ngày 12/12.
Những phương hướng tháo gỡ vướng mắc đưa ra tại hội nghị này được các chủ đầu tư 154 dự án điện mặt trời như Trungnam Group mong chờ từ lâu, bởi những vướng mắc dai dẳng không chỉ khiến doanh nghiệp kiệt quệ mà một nguồn lực lớn của xã hội đổ vào lĩnh vực này không được sử dụng hiệu quả.
Giải phóng các nguồn lực đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên và củng cố niềm tin của nhà đầu tư cũng là tinh thần được Thủ tướng quán triệt nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó, tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8%.
Thủ tướng chỉ ra thực tế là quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, vốn là lĩnh vực mới, đã phát sinh sai phạm do thiếu kinh nghiệm và khung pháp lý chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến lãng phí nguồn vốn, không khai thác được công suất điện trong bối cảnh nguồn cung điện cho giai đoạn 2026-2030 đang rất cần thiết.
Chính phủ đặt mục tiêu tháo gỡ vướng mắc với tinh thần chọn giải pháp tối ưu, cân nhắc lợi ích kinh tế - xã hội, và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các vướng mắc được xử lý công khai, minh bạch, nghiêm cấm tham nhũng và lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện.
Kết luận 1027 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm, hạn chế trong triển khai các dự án điện tái tạo, trong đó các sai phạm phổ biến là dự án chồng lấn với quy hoạch khoáng sản, thuỷ lợi, cho thuê đất nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chốt giá điện ưu đãi FIT không đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Bộ Công thương đã phê duyệt và đề xuất bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 13.840 MW mà không dựa trên căn cứ hay cơ sở pháp lý về quy hoạch.
Đáng chú ý, 123 dự án trong số đó, với tổng công suất khoảng 8.500 MW, được lên kế hoạch vận hành trong giai đoạn 2016-2020, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân đối giữa nguồn điện và lưới điện, làm khó khăn cho việc quản lý và vận hành hệ thống điện.
Sau khi có kết luận thanh tra, nhiều dự án không đàm phán được hợp đồng mua bán điện hoặc chưa được thanh toán tiền điện, khiến cho doanh nghiệp đã đầu tư và hoàn thành dự án điện mặt trời gặp khó khăn và gây lãng phí về nguồn lực xã hội.
Điển hình, gần bốn năm kể từ khi vận hành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại Ninh Thuận, cùng với đường dây truyền tải 500kV đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam do tư nhân đầu tư, Trungnam Group đối mặt với tình trạng “loay hoay chờ gỡ vướng” kéo dài suốt hai năm qua.
Vướng mắc lớn nhất đối với Trungnam Group vẫn chưa được EVN thanh toán hàng trăm tỷ đồng cho hơn 687 triệu kWh đã huy động, tương ứng với phần công suất 172MW của nhà máy trong giai đoạn 2020-2022.
Bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Trungnam Group, đến nay vấn đề vẫn chưa có hồi kết. Trungnam thậm chí đã đề xuất Bộ Công thương và EVN tạm thanh toán 325 tỷ đồng, chỉ bằng 40% mức giá khung, để giảm bớt áp lực tài chính.
Khó khăn tài chính kéo dài khiến nguy cơ lớn hơn xuất hiện: Trungnam Group có thể không đủ nguồn lực để duy tu và bảo dưỡng đường dây 500kV Thuận Nam. Đây là đường dây đang giúp truyền tải miễn phí hàng triệu kWh điện từ các dự án điện tái tạo và nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vấn đề “lỗi văn bản.” Theo hồ sơ dự án, nhà máy điện mặt trời của Trungnam Group được triển khai tại ba xã thuộc huyện Thuận Nam. Tuy nhiên, giấy phép hoạt động điện lực lại chỉ ghi nhận một xã. Điều này khiến EVN, kể từ tháng 10/2023, chỉ thanh toán phần doanh thu phát điện tương ứng với diện tích thuộc xã được nêu trong giấy phép, còn hơn 421 tỷ đồng vẫn chưa được chi trả.
Thêm vào đó, kết luận từ Thanh tra Chính phủ về hàng loạt vi phạm trong thực hiện các dự án điện giai đoạn Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh khiến cho dự án của Trungnam Group cũng như của hàng trăm nhà đầu tư khác chờ kết luận cuối cùng từ Chính phủ và cơ quan chức năng để định đoạt số phận trong tương lai.
Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng về việc tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu bảo đảm công khai, minh bạch, và xử lý triệt để trên nguyên tắc kinh tế.
Tinh thần chung toát lên từ hội nghị ngày hôm qua là xử lý hình sự chỉ là giải pháp cuối cùng, trong trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng, không phát sinh tham nhũng, việc xử lý ưu tiên bằng các biện pháp kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục sai phạm.
Đồng thời, các cấp chính quyền được yêu cầu không đùn đẩy trách nhiệm hoặc xử lý vòng vo, mà phải giải quyết ngay những vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Chính phủ xác định một loạt giải pháp cho từng nhóm dự án.
Cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Đối với các dự án có sai phạm liên quan đến quy trình, thủ tục đất đai hoặc xây dựng, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành.
Đối với các dự án vi phạm quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, hoặc quốc phòng, sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội để điều chỉnh quy hoạch hoặc tích hợp dự án vào quy hoạch phù hợp.
Đặc biệt, đối với các dự án điện tái tạo được hưởng giá FIT sai quy định, nếu xác định lỗi từ phía doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu xác định lại giá mua bán điện và thu hồi các khoản chênh lệch ưu đãi không đúng. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc bù trừ khi thanh toán tiền mua điện.
Bộ Công thương chịu trách nhiệm rà soát kỹ các vướng mắc, đề xuất các phương án xử lý với các cấp có thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu cập nhật và bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII nếu phù hợp. Bộ cũng cần chỉ đạo Công ty vận hành hệ thống điện quốc gia để hỗ trợ các dự án nhanh chóng hòa lưới điện quốc gia.
EVN được giao nhiệm vụ rà soát, khắc phục các vi phạm được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, phân loại các nhóm vi phạm, và phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp xử lý. Ngoài ra, Công ty mua bán điện phải tạo điều kiện thuận lợi để các dự án hoàn tất các thủ tục mua bán điện trong thời gian sớm nhất.
Đối với các chủ đầu tư, Chính phủ yêu cầu cần tích cực và chủ động khắc phục toàn diện các vi phạm, thiếu sót đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ ra, tuân thủ nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, và vận hành dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chủ đầu tư của nhiều dự án năng lượng tái tạo có thể kỳ vọng những khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ đóng băng nay đã có cơ hội được tái khởi động. Quan trọng không kém, Chính phủ cam kết việc tháo gỡ sẽ được thực hiện một cách minh bạch, không để xảy ra lợi ích nhóm hoặc tham nhũng trong quá trình xử lý.
Việc xử lý các vướng mắc được kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh chóng, với thời gian giải quyết chỉ còn tính bằng tháng, mang lại tín hiệu tích cực cho ngành năng lượng tái tạo và nền kinh tế.
Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió và điện mặt trời, trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%. Sản lượng điện phát của nguồn điện lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỉ trọng gần 13% hệ thống điện.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm trả lời về 154 dự án điện mặt trời, làm cơ sở bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII
Sau khi Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành (với một phần nội dung được tham mưu bởi Bộ Công thương), cánh cửa hưởng giá FIT vô hình chung đã rộng mở với hàng loạt dự án điện mặt trời.
Mặc dù có nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, nghiệm thu công trình... nhưng 26 nhà máy điện mặt trời, điện gió vẫn được EPTC (trực thuộc EVN) công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá mua điện khuyến khích (giá FIT).
Dự án Thành phố mới Đông Nam ở Bắc Ninh được phát triển theo mô hình K-City của Hàn Quốc.
Hà Nội “khát” điểm đỗ xe, cư dân nhiều khu vực phải gửi xe vào các bãi đỗ tạm bợ, thậm chí tràn vỉa hè. Chính vì thế, những dự án có hạ tầng nội khu tốt, đặc biệt cung cấp hầm đỗ xe thông minh quy mô như Hanoi Melody Residences cực kỳ nổi bật trên bản đồ các dự án mới.
Thị trường bất động sản cuối năm đón dòng tiền đổ về mạnh mẽ, trong đó khu vực nhiều tiềm năng tăng trưởng với mặt bằng giá hợp lý như Hà Nam được giới đầu tư đánh giá là “toạ độ vàng”.
VinFast cùng PVI, Bảo Việt, BIC, VBI, PTI, BSH và VNI đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm rút ngắn tối đa thời gian phê duyệt phương án bảo hiểm cho khách hàng.
Với việc ký thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, T&T SuperPort, T&T Airlines và Quỹ BVIM đã thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines.
Thủ tướng yêu cầu xử lý, giải quyết dứt điểm khó khăn cho các dự án điện tái tạo xong trước 31/1/2025 nhằm không lãng phí nguồn lực.
Hãng bảo hiểm đến từ Canada góp mặt trong danh sách bảng xếp hạng “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 - khối doanh nghiệp lớn” do Anphabe vừa công bố.