Khai giảng trong bình thường mới

Việt Hưng - 17:26, 08/09/2021

TheLEADERGiữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đứng trước những thách thức "chuyển mình" trong việc áp dụng công nghệ vào việc dạy và học.

Lâu nay, ngày 5/9 hàng năm là ngày tựu trường của các em nhỏ trên khắp cả nước. Nhưng năm nay, tại nhiều địa phương do điều kiện dịch bệnh phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thầy cô, nhà trường và học sinh đã tổ chức lễ khai giảng trực tuyến.

Đây được xem là một chuyển biến tích cực, cho thấy không riêng ngành giáo dục, mà rất nhiều các lĩnh vực, ngành nghề khác tại Việt Nam sẽ cần linh hoạt thích nghi và thay đổi trong giai đoạn "bình thường mới".

Điểm sáng công nghệ giáo dục

Giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đứng trước những thách thức "chuyển mình" trong việc áp dụng công nghệ vào việc dạy và học. Điển hình là sự trỗi dậy của các startup giáo dục (Edtech) trong thời gian qua.

Cụ thể, trong khoảng 12 tháng vừa qua, gần 80% học sinh, sinh viên Việt Nam đã áp dụng phương pháp học trực tuyến do các chính sách giãn cách. Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó với đại dịch.

Với khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên, hơn 90% trong số này sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập, đây được xem là một thị trường rất tiềm năng cho công nghệ giáo dục.

Khai giảng trong bình thường mới
Khai giảng trong bình thường mới

Thực tế, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018. Theo Ken Research, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.

Với tiềm năng này, các startup/nền tảng giáo dục trong nước liên tục nhận vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài. Cũng như xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị có trụ sở nước ngoài liên tục mở chi nhánh/văn phòng gia nhập thị trường Việt Nam.

Ông Mai Duy Quang - Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định: "Covid-19 đã giúp các startup Edtech tiết kiệm được từ 4-5 năm đào tạo thị trường. Tỉ lệ học online ở Việt Nam loanh quanh 3% và hy vọng đến 2025 tăng lên 20%. Tiềm năng này các quỹ đầu tư đều nhìn thấy và thôi thúc khiến họ liên tục giải ngân".

Ngành giáo dục chuyển đổi số

Trong báo cáo về lĩnh vực Edtech tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Do Ventures đã chỉ ra bốn mảng lớn mà các startup có thể tham gia vào là: nội dung (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi), live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức 1 - 1 hoặc theo nhóm), O2O (mô hình online kết hợp offline), B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục).

Thời gian gần đây, các startup đang có trên thị trường tập trung vào làm nội dung và dịch chuyển hướng live-class. Tuy nhiên, việc có nhiều đơn vị cùng tham gia khiến sân chơi này trở nên chật chội. Trong khi mô hình O2O và B2B vẫn còn nhiều dư địa.

"Hy vọng sẽ có nhiều startup thú vị hơn và tập trung vào làm O2O chứ không phải chỉ cung cấp nội dung và công cụ live-class. O2O nghĩa là học sinh đến trung tâm offline để học online với một giảng viên chính và trợ giảng chứ không phải một startup cung cấp cả gói học offline lẫn online", ông Mai Duy Quang nói. 

Mô hình này thực tế đã phát triển và thành công ở Trung Quốc với điển hình là tập đoàn TAL Edu với hình thái các dual teacher (Lớp học đồng giảng).

Theo dự báo, giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, mô hình O2O sẽ bùng nổ ở Việt Nam khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống bình thường trở lại và cha mẹ muốn con cái có chỗ để học, trải nghiệm và trông con cuối tuần, để họ được nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, ông Trịnh Minh Giang - Phó Chủ tịch VMI, Tư vấn trưởng VMCG cho rằng, mảng nội dung dù được làm nhiều từ trước tới nay, tưởng là mảng dễ nhất nhưng lại không hề như vậy.

Lâu nay nhiều người vẫn tưởng rằng làm nội dung là chuyển đổi bài dạng từ giấy lên thành video hoặc silde. Thực tế không hề như vậy mà đòi hỏi khả năng sáng tạo lớn để giữ chân người dùng.

Ông Giang đánh giá, việc startup đi theo mô hình nào trong bốn mô hình trên thực tế không quan trọng. Điều quan trọng là phải xác định xem startup của mình có gì đột phá và khác biệt để giải quyết vấn đề của người dùng.