Khai phá thế hệ vàng khởi nghiệp sáng tạo

Việt Hưng - 18:23, 29/12/2020

TheLEADERĐề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tập trung vào các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp thúc đẩy công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.

Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 1 tỷ USD và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá hơn 100 triệu USD.

Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, song hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh để thúc đẩy, nuôi dưỡng khởi nghiệp, lập nghiệp. Việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn nhiều khó khăn về vốn, pháp lý, đăng ký sở hữu trí tuệ, tính đồng bộ...

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thông tin, mỗi năm thành phố có từ 25.000 đến 28.000 doanh nghiệp thành lập mới, song số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 0,1%). Phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số.

Về tình trạng trên, ông Phan Bá Mạnh, sáng lập Công ty Công nghệ vận tải An Vui cho hay, hiện quy trình đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp đang áp dụng chung với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 1 triệu USD trở lên, thực hiện theo quy trình thủ tục đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi đàm phán xong sẽ chuyển sang quốc gia khác thành lập doanh nghiệp để thuận lợi trong việc nhận vốn góp.

Thực tế, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn không ít bất cập. Đơn cử Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, quy định các nhà đầu tư tư nhân có thể thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng không được thành lập tư cách pháp nhân.

Ngoài ra, chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Đây là những quy định chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các startup. "Các quy định hiện hành thực tế đang có nhiều điểm nghẽn đối với tiến trình đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.

Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cần có sự nỗ lực và phối hợp, kết nối từ các cấp, ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, hiện VCCI đang tập hợp được đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian tới, ngoài việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế hiện hành, nước ta sẽ tập trung vào các hoạt động chính, như: Hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung phát triển, liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo.

Khai phá thế hệ vàng khởi nghiệp sáng tạo
Khai phá thế hệ vàng khởi nghiệp sáng tạo

Đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, từ đó khuyến khích và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh từ khu vực này. Khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp; lấy trí tuệ, con người làm giá trị cốt lõi để đổi mới sáng tạo.

Đơn cử như đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025. Hiện nay, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp đã có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhờ vào sự hình thành của nền kinh tế số. Với thuận lợi là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở Đông Nam Á, thu nhập GDP bình quân đầu người cũng có chiều hướng tăng. Qua đó giúp các startup Việt tận dụng lợi thế sân nhà để xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc rồi từ đó tiến dần ra khu vực Đông Nam Á và xa hơn là ra thị trường toàn cầu.

Hiện có 91% người Việt được khảo sát cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Đồng thời, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt trả lời là để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình, và đây là lý do chính của việc Việt Nam dẫn đầu bảng khảo sát.

Mặc dù, nhiều người nói Việt Nam đang rất cởi mở và nhiều cơ hội cho các startup. Nhưng để có một startup thành công thì không phải là việc dễ dàng. Khởi nghiệp là một cuộc đua marathon trường kỳ, ai kiên gan nhất sẽ là người cười cuối cùng, cho dù bạn có nhận được nhiều hỗ trợ và đang sống trong hệ sinh thái tốt đến như thế nào.

Kiên định chính là một phẩm chất sống còn của một startup, kiên nhẫn với đam mê và mục tiêu mà mình đã chọn lựa ban đầu thì mới có thể đến thời gian bùng cháy.