Tiêu điểm
Khánh Hoà, Ninh Thuận làm du lịch nông thôn được không?
Con đường để những địa phương có thế mạnh về du lịch biển như Khánh Hoà, Ninh Thuận phát triển thêm du lịch nông thôn như một hướng đi mới để tăng sức hút với du khách và xây dựng nông thôn mới, còn ghập ghềnh khó đi.
Xét về du lịch biển, ít có địa phương nào nổi trội như Khánh Hoà. Sở hữu đường bờ biển dài và hàng trăm hòn đảo với nhiều bãi tắm đẹp, xứ trầm hương từ lâu đã là một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất cả nước. Trong khi đó, Ninh Thuận cũng đang nổi lên như ngôi sao mới về du lịch biển, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách đến khám phá những bãi biển và vịnh còn rất hoang sơ.
Có thế mạnh áp đảo về du lịch biển nhưng cả Khánh Hoà và Ninh Thuận đều đang định hướng mở rộng thêm không gian phát triển và tăng sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước bằng cách phát triển du lịch ở các vùng nông thôn.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm ngoái, tỉnh đã ban hành chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của từng địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Theo kế hoạch này, tỉnh đặt mục tiêu mỗi huyện có ít nhất một điểm du lịch nông thôn, xây dựng ba chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù tại các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái.
Đồng thời, tỉnh đã đề xuất trung ương hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch vườn cây ăn trái tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn và mô hình phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Sơn.
Để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển du lịch nông thôn, tỉnh đã phân bổ 800 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới và gần 5,4 tỷ đồng để thực hiện nội dung nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Hiện nay, ở Ninh Thuận đã hình thành các điểm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, tham quan như trang trại nho Ba Mọi, vườn nho của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thái An, điểm du lịch sinh thái vườn quốc gia Núi Chúa.
Từ ngày 3-7/4/2023, 44 học viên lớp cao cấp lý luận chính trị K73.A16 – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, do PGS, TS Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế làm trưởng đoàn, đã nghiên cứu thực tế tìm hiểu phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận và Khánh Hoà. Đoàn đã làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà và tham quan một số mô hình phát triển du lịch nông thôn và làng nghề tại hai địa phương.
Trong khi đó, ông Cung Quỳnh Anh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà cho biết, năm ngoái, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã thông qua nghị quyết về một số nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh đã triển khai khảo sát, lựa chọn địa điểm, mô hình có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực đảo Bích Đầm, Cam Lập, làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng và du lịch cộng đồng nhà dài truyền thống của người Raglai ở huyện Khánh Sơn.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà cũng đã ban hành đề án thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, qua đó, đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế của du lịch nông thôn, từ đó đưa ra giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo ra động lực cho phát triển du lịch nông thôn giai đoạn tới, phát huy lợi thế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn.
Khi được hỏi định hướng phát triển du lịch nông thôn có khả thi không khi Khánh Hoà có thế mạnh về du lịch biển và thực tế từ trước đến nay vẫn dựa vào biển để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, ông Quỳnh Anh khẳng định rằng, du lịch nông thôn là một hướng đi mới, góp phần làm tăng sức hấp dẫn và giữ chân du khách lâu hơn.
Theo người đứng đầu ngành du lịch địa phương, trọng tâm của du lịch Khánh Hoà vẫn là du lịch biển đảo, tuy nhiên, khi phát triển loại hình du lịch này vẫn tập trung vào khía cạnh nghỉ dưỡng, còn thiếu nhiều hoạt động khác để thu hút du khách.
“Chủ trương của tỉnh là đa dạng hoá chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào biển đảo, định hướng là du lịch biển đảo kết hợp với vui chơi giải trí, du lịch văn hoá, du lịch tâm linh và du lịch nông thôn”, ông Quỳnh Anh chia sẻ với lớp cao cấp lý luận chính trị K73.A16 - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đang có chuyến đi khảo sát thực tế về phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới tại tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận.
Đặc biệt, ngoài khu vực ven biển đang phát triển du lịch rất mạnh như Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Hoà còn có hai huyện miền núi khó khăn là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Hai địa phương này có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giàu bản sắc phù hợp phát triển du lịch và đã tìm được nhiều cây trồng phù hợp như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh. Tại đây đã bắt đầu khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, đi bộ xuyên rừng kết hợp với lưu trú cùng người dân tộc thiểu số.
PGS, TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, du lịch có thể phát triển ở những vùng nông thôn, miền núi mà ở đó không thể phát triển công nghiệp, vì thế, du lịch vừa mở ra sinh kế mới cho người dân khi kết hợp với phát triển nông nghiệp, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới và giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương.
Theo hướng này, cuối năm ngoái, Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả và bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Ông Huyền chỉ ra thực tế là nhiều địa phương miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai đã phát triển thành công du lịch cộng đồng, không những tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi theo hướng xanh, sạch, đẹp. Chính vì thế, những địa phương như Khánh Hoà và Ninh Thuận có thể nghiên cứu, phát triển du lịch nông thôn vì những địa phương này ngoài thế mạnh về du lịch biển đảo còn có những khu vực nông thôn, miền núi giàu bản sắc văn hoá, cảnh quan, môi trường sinh thái phù hợp với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn của Ninh Thuận và Khánh Hoà còn gặp nhiều trở ngại do đây là hướng đi mới, địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực vẫn còn hạn chế.
Ông Cương cho biết, du lịch nông thôn ở Ninh Thuận không nằm ngoài chiến lược phát triển du lịch chung của tỉnh. Mặc dù ngành công nghiệp không khói này được xem như một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế địa phương bên cạnh ngành công nghiệp tái tạo và xây dựng – bất động sản, nhưng thực tế du lịch Ninh Thuận mới chỉ phát triển trong mấy năm gần đây, sau khi kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh bị huỷ bỏ.
Du lịch nông thôn muốn phát triển phải gắn với việc xây dựng các cơ sở lưu trú cũng như dịch vụ vui chơi giải trí để níu chân du khách, nhưng ông Cương thừa nhận thực trạng là các cơ sở lưu trú cao cấp ở Ninh Thuận còn thiếu, nên nhiều du khách chỉ ghé thăm trong ngày còn ban đêm quay về Nha Trang.
Việc xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú như khách sạn và khu nghỉ dưỡng ven biển gặp nhiều khó khăn do những địa điểm đẹp phù hợp xây dựng lại chồng lấn với quy hoạch khai thác titan hoặc đất rừng, hoặc một số chủ đầu tư không đủ tiềm lực nên việc triển khai dự án kéo dài hoặc không thể hoàn thành.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là chương trình mới và hầu như mới bắt đầu triển khai trong năm nay nên tỉnh vừa làm vừa hoàn thiện.
Trong khi đó, ông Quỳnh Anh cho biết Khánh Hoà cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai phát triển du lịch nông thôn; trong đó, vấn đề kết cấu hạ tầng ảnh hưởng lớn đến hướng đi này. Đơn cử, những vùng nông thôn, miền núi có những điểm du lịch đẹp nhưng đường vừa xa, vừa hẹp, xe ô tô lớn không vào được, hoặc khó kết nối với các chương trình du lịch khác nên du khách sẽ mệt mỏi nếu kéo dài chương trình tham quan.
Đối với huyện Khánh Sơn, mặc dù có cảnh quan đẹp và khí hậu mát mẻ, có lễ hội trái cây đặc sắc, nhưng số lượng khách đến vẫn hạn chế do không có chỗ lưu trú.
Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến quy hoạch đất đai. Người dân muốn mở nhà hàng hoặc cơ sở lưu trú thì phải xây dựng trên đất thương mại dịch vụ, trong khi đất của người dân lại là đất nông nghiệp nên không được phép xây dựng.
Ngoài ra, nhiều người dân không mặn mà với phát triển du lịch, hoặc nếu có quan tâm đến kinh doanh du lịch nhưng lại không hiểu biết và không có kỹ năng. Ngành du lịch có tổ chức tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân nhưng lại không đủ nhân lực để triển khai trong khi các tổ chức quốc tế - vốn hỗ trợ rất đắc lực cho một số địa phương miền núi phía Bắc - lại không quan tâm nhiều đến Khánh Hoà vì họ muốn dành nguồn lực cho những nơi khó khăn hơn.
Ông Huyền cho rằng, sự tham gia của người dân là một trong những yếu tố quyết định có thể phát triển du lịch nông thôn ở Khánh Hoà hay Ninh Thuận được không. Có nơi người dân nghĩ không cần làm du lịch vì họ đã giàu, hoặc ở xét về khía cạnh văn hoá, một số nơi không thích người lạ ngủ trong nhà. Ở hai địa phương này cũng không có nhiều làng nghề như một số tỉnh phía Bắc.
Vì thế, việc phát triển du lịch nông thôn ở Khánh Hoà và Ninh Thuận khó có thể dập khuôn từ các mô hình phía Bắc mà phải dựa vào đặc điểm và thế mạnh riêng để phát triển loại hình và sản phẩm du lịch đặc sắc, trong đó, ông Huyền gợi ý có thể đưa lễ hội Katê của người Chăm thành một sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch đến Ninh Thuận.
Trăn trở với 'mỏ vàng' du lịch nông nghiệp
Đưa nông thôn trở thành ‘nơi đáng sống’
Phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, tập trung vào giá trị năng suất, hiện đại, hiệu quả và bền vững là định hướng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.
Du lịch nông nghiệp nông thôn: Xu thế tất yếu của thế giới
Thực tế chứng minh, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần thay đổi diện mạo các bản làng, từ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, nộp ngân sách cho đến đẩy lùi các tệ nạn nhờ du lịch cộng đồng.
Ngỡ ngàng nông thôn mới
Lạ là đường rộng nhưng không có cảnh phóng xe bạt mạng thường thấy. Thi thoảng có giỏ rác, phân loại hữu cơ, vô cơ để xử lý. Việc giản đơn mà Sài Gòn, Hà Nội và nhiều đô thị lớn đang mơ ước.
Khách Tây thích cưỡi trâu, cấy lúa và sức hút của du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp là một thị trường ngách mà Việt Nam có rất nhiều tài nguyên để có thể cung cấp những sản phẩm tốt cho cả người Việt Nam và du khách nước ngoài.
Vì một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam
NextPay mong muốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng không tiền mặt tại Việt Nam.
Đạm Phú Mỹ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới PHUMY
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Quảng Ninh sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Quảng Ninh đang không chỉ chuẩn bị cho những con số tăng trưởng, mà còn hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo.
Khi những thành phố lớn đều 'tắc thở'
Không khí, thứ ta hít thở mỗi ngày, đang trở thành mối đe dọa thầm lặng, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Kinh tế xanh chỉ chiếm 2%
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.
Thúc đẩy thu hút FDI chất lượng cao vào TP. HCM
Bên cạnh thu hút FDI chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt, hợp tác giữa Ngân hàng UOB và TP. HCM còn hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng ra quốc tế.