Du lịch nông nghiệp nông thôn: Xu thế tất yếu của thế giới

Nguyễn Văn Mỹ , Chủ tịch Lửa Việt Tours - 13:57, 19/11/2020

TheLEADERThực tế chứng minh, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần thay đổi diện mạo các bản làng, từ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, nộp ngân sách cho đến đẩy lùi các tệ nạn nhờ du lịch cộng đồng.

Con người vốn sinh ra và lớn lên giữa thiên nhiên. Do tốc độ đô thị hóa, thiên nhiên ngày càng rời xa nhưng dù phát triển đến đâu, trong sâu thẳm mỗi con người, thiên nhiên đã trở thành máu thịt. 

Có lúc, con người ảo tưởng về khả năng của mình, quay lưng và bạc đãi thiên nhiên. Nào “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Nào “thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”…

Hậu quả nhãn tiền, thiên nhiên nổi giận. Thủ phạm của nhiều thiên tai là con người. Chính đại dịch Covid-19 buộc con người nhìn lại mình, từ suy nghĩ đến hành vi. Hơn bao giờ hết du lịch ngày càng có xu thế gắn với thiên nhiên để phát triển bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng. 

Trong nhà những tay cướp và phá rừng khét tiếng, vẫn có những cây cảnh, níu giữ chút thiên nhiên, đánh lừa lương tâm. Những tên cướp của giết người sừng sỏ, vẫn thích nuôi chó, mèo, chim, thú, tự dối bản chất và che đậy cảm giác.

Bhutan, xứ sở được xem là hạnh phúc nhất thế giới vì có khí thải âm và mọi thứ đều tự nhiên theo quy luật. Ngay cả hoa họ cũng chưng nguyên chậu, chứ không cắt cành. Tuyệt đối không thấy cây, hoa giả. Người Bhutan đưa cây cỏ vào nhà, từ chỗ ngủ đến nơi làm việc, giải trí. 

Các nước tiên tiến, sau thời gian cuồng phát triển công nghiệp, đang tìm cách phục hồi thiên nhiên với giá đắt gấp bội.

Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa phần tài nguyên du lịch hiện nay nằm ở nông thôn và gắn với nông nghiệp. Từ rừng, núi, sông, hồ đến sản xuất và các làng nghề. Khách du lịch hiện nay hầu hết ở thành phố và các vùng đô thị hóa. Những miền quê nghèo ít có khả năng đi du lịch. Bản chất du lịch, ngoài nghỉ dưỡng, tận hưởng, còn là trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ. Nông nghiệp và nông thôn chính là nguồn cung chủ yếu.

Người quê thích ở nhà xây. Người phố ngược lại. Dân phố thiếu không gian, khát cây xanh và nhiều thứ tự nhiên khác, chỉ nông thôn và nông nghiệp mới đáp ứng được. Tiếc là lâu nay, du lịch chưa thật sự kết nối được với nông thôn, nông nghiệp. Kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng, có rất nhiều thế mạnh, mà mạnh nhất là “mạnh ai nấy làm”.

Dù chưa có liên kết chặt chẽ nhưng vẫn xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn hiệu quả và ấn tượng. Đó là làng rau Trà Quế (Quảng Nam), lúc nào cũng nườm nượp khách. Đường quốc lộ đến Trà Quế có hẳn lối đi riêng cho du khách đi xe đạp. Bản Sìn Suối Hồ (Lai Châu) của người H’Mong sạch đẹp như vườn địa đàng sót lại ở hạ giới. Bản cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc chưa tới 2 km, số chỗ ngủ bằng 1/4 dân bản.

Du lịch nông nghiệp nông thôn: Xu thế tất yếu của thế giới
Làng rau Trà Quế (Quảng Nam). Ảnh: Tổng cục Du lịch.

Bản Thái Hải (Thái Nguyên) của người Tày, nơi dân bản tự hào vì “sống chung bản, làm chung việc, ăn chung nhà, xài chung tiền”. Mọi người đùm bọc, thương yêu, chăm sóc nhau như đại gia đình. Ấp Cồn Chim (Trà Vinh), làng quê Nam bộ hiền hòa, toàn nhà lá, không có máy lạnh mà khách tứ xứ mê mệt . Bởi “về Cồn Chim, người quê chỉ có tấm lòng” như slogan viết trên tường trạm xá, nhà xây duy nhất trong ấp. Ấp Cồn Sơn (Cần Thơ) nức tiếng gần xa, bởi cá tràu không lóc mà bay làm xiếc và bốn mùa cây trái sum suê…

Nét chung của các điểm đến này là “thuận thiên”. Thiên là thiên nhiên, là trời. Nghĩa là cuộc sống theo quy luật với 2 không – không hóa chất độc hại – không tận diệt sản vật. Không hẹn mà gặp, các điểm du lịch này đều giống nhau là – không karaoke – không tệ nạn (ma túy, mại dâm, rượu chè, cờ bạc). Ban đầu tưởng chỉ khách Tây mới khoái, ai dè khách Việt cũng mê tít.

Lưu trú các nơi này toàn nhà lá, nhà tranh, vách gỗ, tường đất, kiểu cây nhà lá vườn, có gì làm nấy nhưng sạch sẽ, thoáng mát theo chuẩn quốc gia từ nệm, gối, ga, ổ cắm điện, màn che, đèn đọc sách đến nhà vệ sinh. Hồ bơi nếu có, là nước tự nhiện chứ không trong veo vì hóa chất, trước khi xuống phải tráng qua nước máy để bảo vệ da như các hồ bơi công nghiệp. Dịch vụ thường chỉ 2 – 3 sao nhưng tinh thần và thái độ phục vụ thường 4 sao trở lên.

Có dịp tham gia khảo sát với Văn phòng Điều phối nông thôn mới các địa phương, tôi ngỡ ngàng bởi cảnh quan, môi trường và thiên nhiên ở các làng quê chưa bị đô thị hóa. Quá tuyệt để phát triển du lịch cộng đồng chuẩn quốc gia. Du lịch cộng đồng không chỉ để xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng.

Du lịch nông nghiệp nông thôn: Xu thế tất yếu của thế giới 1
Hồ bơi sinh thái ở homestay Minh Thơ - Mai Hịch, Hòa Bình. Ảnh: Vi Văn Hưởng.

Homestay Hoa Ếch (Sa Đéc, Đồng Tháp), hộ có đất ít nhất trong làng hoa kiểng Tân Qui Đông. Khai trương từ 2017, năm 2019, đóng thuế gấp 40 lần trước đây, khi chỉ trồng hoa và nuôi ếch. 

Homestay Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình), bản nghèo của người Thái, chồng học lớp 4, vợ mù chữ, hoạt động từ 2013. Từ một điểm nhỏ ban đầu, nay có thêm các hộ khác cùng tham gia, năm 2019, đón gần 20.000 lượt khách lưu trú, nộp thuế cả trăm triệu.

Người dân cần chính sách thiết thực, cần cần câu hơn con cá. Thay vì cho không vài chục triệu, tặng máy lạnh hay nhà vệ sinh thì tặng lãi suất hoặc cho vay ưu đãi để đầu tư. Làm cho mình chứ không phải cho lãnh đạo. Làm để kiếm tiền chứ không phải để báo cáo, đăng báo, kiểu phong trào. Đó là bài toán kinh tế, hiệu quả và bền vững là ưu tiên số 1.

Quan trọng nhất là chọn nhà tư vấn. Không chỉ có kiến thức thực tiễn, có mô hình hiệu quả mà còn dám đồng hành, cầm tay chỉ việc, truyền lửa cho dân. Đặc biệt là dám cam kết tiếp tục hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành, tránh kiểu tư vấn phòng lạnh hoặc tư vấn từ xa. Do đó, hình thành các hợp tác xã để điều hành như Sìn Suối Hồ và Thái Hải. Hình thức do người dân tham gia chọn lựa và quyết định chứ không áp đặt.

Cần thành lập bộ phận chỉ đạo phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể là Văn phòng điều phối nông thôn mới và Tổng cục Du lịch. Xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn để bảo tồn kiến trúc, làng nghề, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hạn chế đô thị hóa kệch cỡm. 

Cần có quy hoạch phát triển từng vùng, tránh kiểu làm du lịch “sinh sản vô tính”, đua nhau làm homestay, cung vượt quá cầu, phát triển ồ ạt như Bản Lác (Hòa Bình) và một số nơi khác.

Thực tế chứng minh, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần thay đổi diện mạo các bản làng. Từ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, nộp ngân sách cho đến đẩy lùi các tệ nạn nhờ du lịch cộng đồng, những địa danh một thời bất ổn nay hiền hòa đón khách như Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La)…

“Muốn bớt cỏ dại, phải trồng thêm hoa”, du lịch gắn nông thôn và nông nghiệp là xu thế tất yếu của thế giới, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.