Leader talk

Khát vọng phồn vinh

TS Vũ Minh Khương - Đại học quốc gia Singapore Thứ ba, 05/02/2019 - 08:00

Sứ mệnh đưa dân tộc đi đến phồn vinh thịnh vượng và một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Khát vọng phồn vinh
Những thay đổi bứt phá là điều mà người dân đang hướng tới và mong đợi

Trước những biến chuyển nhanh chóng của cục diện phát triển toàn cầu với những cơ hội và thách thức mới ngày càng lớn, năm 2018 có lẽ sẽ đi vào lịch sử như là một dấu mốc quan trọng trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Nếu giai đoạn 30 năm đổi mới đầu tiên từ 1986 đến 2015 được đặc trưng bởi nỗ lực thức dậy về tư duy, cởi trói về cơ chế, và mạnh dạn trong hội nhập toàn cầu thì giai đoạn 30 năm đổi mới tiếp theo từ 2016 đến 2045 sẽ được định hình bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc trong trỗi dậy về tầm nhìn, xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh, và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Sứ mệnh này sẽ ngày càng trở nên thôi thúc khi đây thực sự là một hành trình để Việt Nam tiến tới kỷ niệm 100 năm độc lập vào ngày 2/9/2045.

Mệnh lệnh chiến lược

Theo quy luật phát triển, sau khi thế giới trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng có và những xung đột kinh tế - địa chính trị làm chấn động toàn cầu, sẽ có những quốc gia trỗi dậy và chói sáng làm thế giới kinh ngạc và khâm phục.

Các nghiên cứu khảo nghiệm cho thấy rằng, một quốc gia có khả năng làm nên kỳ tích từ biến động phức tạp thường phải hội tụ đủ ba thuộc tính. Thứ nhất, quốc gia đó có độ tổn thương rất lớn mà chỉ những nỗ lực phi thường mới giúp họ vượt qua. Thứ hai, quốc gia đó có khát vọng dân tộc; nó giúp cuốn phăng những trở ngại tưởng như không thể vượt qua, dù đó là tư duy giáo điều, bộ máy trì trệ, hay quyền lợi ích kỷ của nhóm lợi ích. Thứ ba, quốc gia đó may mắn có những người lãnh đạo quả cảm, có tầm nhìn thời đại, biết khóc trước số phận nghiệt ngã của giống nòi, và có khả năng tập hợp nhân tài để tìm ra con đường đi sáng suốt nhất cho dân tộc.

Việt Nam năm 2018 dường như đang hội tụ đủ ba thuộc tính nói trên, đặc biệt là thuộc tính đầu tiên về mức tổn thương rất cao nếu không cải cách vượt bậc. Ba yếu tố tạo nên mức tổn thương cao cho Việt Nam là địa chính trị, già hóa dân số và đòi hỏi của nhân dân.

Về yếu tố thứ nhất - địa chính trị, Việt Nam ở sát cạnh Trung Quốc, một quốc gia khổng lồ và chắc chắn sẽ trở thành một siêu cường vào giữa thế kỷ này. Nếu Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường trước năm 2045 sẽ càng khẳng định được ý chí “mỗi bên hùng cứ một phương” mà ông cha đã truyền lại từ ngàn đời cũng như duy trì khả năng hợp tác bình đẳng trong tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.

Yếu tố thứ hai là dân số già hóa nhanh. Nếu hôm nay, Việt Nam còn là dân tộc khá trẻ thì vào năm 2045, Việt Nam sẽ già như Nhật Bản năm 2000. Vì vậy, nếu không nhanh chóng vượt lên trong hơn hai thập kỷ tới, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “già nhưng chưa giàu” và các thế hệ sau sẽ gặp những khó khăn ghê gớm muốn tiếp tục vượt lên.

Yếu tố thứ ba là đòi hỏi của người dân. Đòi hỏi của người dân Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Là một cộng đồng xấp xỉ 100 triệu người - đông hàng thứ 14 trên thế giới, với khả năng hội nhập và tỏa sáng cao trong cộng đồng quốc tế. Lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương trong chiến tranh vì ước mơ dân tộc có ngày được ngẩng đầu sẽ không bao giờ chấp nhận sự thua kém, tụt hậu của đất nước trong công cuộc phát triển thời bình.

Xây dựng đất nước phồn vinh, do vậy, không chỉ là niềm khát vọng lớn lao của thế hệ người Việt Nam hôm nay mà còn là sứ mệnh của hệ thống chính trị trước những biến chuyển vũ bão của thời đại. Nó đòi hỏi không chỉ lòng quả cảm và tầm nhìn thời đại của đội ngũ lãnh đạo mà cả phẩm chất hy sinh cao quý mà người dân Việt Nam sẵn sàng hiến dâng khi đất nước đứng trước những thách thức dường như không thể vượt qua.

Khát vọng phồn vinh 1
Bitexco Financial Tower cao 68 tầng tại TP. HCM là toà nhà chọc trời đầu tiên ở Việt Nam do một doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư

Năm ưu tiên hàng đầu

Nỗ lực cải cách của một quốc gia thường bị tiết giảm hoặc triệt tiêu bởi ba trở lực chính: tư duy - nhận thức không theo kịp thời đại; quyền lợi ích kỷ của các nhóm lợi ích; và năng lực chưa sẵn sàng của cơ chế-bộ máy hiện hữu. Vượt qua các trở lực này để tiến hành một công cuộc cải cách sâu rộng đòi hỏi không chỉ sức mạnh tinh thần của khát vọng dân tộc mà cả tầm nhìn khai sáng hấp thu từ tinh hoa tri thức nhân loại và những nền tảng thể chế được thiết kế khoa học, giúp tạo lên sức mạnh tổng lực, nội sinh của toàn xã hội.

Do vậy, cần đặc biệt coi trọng tầm nhìn chiến lược và các thiết kế nền tảng cho một Việt Nam tương lai. Dưới đây năm quyết sách nên được xem như những ưu tiên lớn hàng đầu trong cương lĩnh hành động.

Ưu tiên thứ nhất: Định vị chiến lược.

Sức mạnh của một quốc gia không chỉ có từ nguồn lực và nỗ lực; mà trên nhiều phương diện, nó được quyết định bởi năng lực định vị chiến lược của mình. Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn - dồi dào sức trẻ, nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt thuận lợi trong trào lưu trỗi dậy của châu Á, và là một nền kinh tế mở đã hội nhập sâu và thể hiện ngày càng rõ khả năng thích ứng nhanh chóng với đổi thay vũ bão của thời đại.

Định vị trở thành một tâm điểm phát triển toàn cầu trong thế kỷ 21 sẽ giúp Việt Nam khai thác các thế mạnh đặc sắc của mình và tạo sức bật phi thường trong công cuộc phát triển. Khi đó, các nhà đầu tư đến Việt Nam sẽ không chỉ vì lợi nhuận đơn thuần mà còn là lợi ích cốt lõi chiến lược.

Ưu tiên thứ hai: Gia cường mạnh mẽ và đồng bộ cả bốn trụ cột của nền tảng phát triển: thị trường, thể chế, con người, và văn hóa.

Sẽ không thể có một thị trường mạnh nếu thể chế yếu, cho dù độ hội nhập thương mại và đầu tư có sâu đến đâu. Tham nhũng, thiếu tầm nhìn, và khả năng phối thuộc hạn chế làm suy giảm sức mạnh tiềm tàng của thị trường và làm nó dễ tổn thương bởi các chấn động kinh tế bên ngoài.

Nguồn lực con người sẽ không mạnh, cho dù thông thạo tiếng Anh và kỹ năng số đến đâu, nếu xã hội không chung sức vun đắp xây dựng một nền văn hóa uyên thâm về trí tuệ, cao cả về tầm nhìn, cao quý về nhân văn, cao thượng về nhân cách, và luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với tổ quốc.

Ưu tiên thứ ba: xây dựng bộ máy công quyền ưu tú.

Lịch sử đã chứng minh rằng, không một quốc gia nào có thể làm nên kỳ tích phát triển nếu không có bộ máy công quyền ưu tú. Kinh nghiệm các nước thành công cho thấy xây dựng bộ máy công quyền ưu tú đòi hỏi ba điều kiện tiên quyết.

Thứ nhất là nhận thức về tầm quan trọng của bộ máy công quyền. Bài toán đưa một quốc gia nghèo phát triển vượt bậc để bắt kịp với các nước tiên tiến là vô cùng khó mà chỉ những đội ngũ gồm những người ưu tú mới có thể giải được. Người thiếu năng lực hoặc tham nhũng sẽ đưa ra những lời giải tồi, dù cho những bài toán đơn giản hơn như phát triển ngành công nghiệp đóng tàu hay xây dựng hệ thống tàu điện ngầm.

Thứ hai là tính công khai minh bạch và chịu trách nhiệm của bộ máy công quyền. Điều kiện này buộc mỗi các nhân và tổ chức phải cố gắng cao nhất trong thực thi phận sự của mình. Thứ ba là tính hiệu quả và hiệu lực trong thiết kế bộ máy. Tính hiệu quả giúp bộ máy công quyền cung cấp dịch vụ tốt với chi phí thấp nhất có thể. Tính hiệu lực, giúp bộ máy công quyền có khả năng huy động sức mạnh tổng lực để thực thi trách nhiệm không chỉ nhanh chóng, chuẩn xác mà còn nâng tầm nhìn và lòng tin của người dân trên hành trình đi đến tương lai.

Một khi cả ba điều kiện này được coi trọng và thiết lập vững chắc, bộ máy công quyền sẽ không chỉ là nơi tụ hội người tài mà còn là điểm tựa để họ làm nên những kỳ tích được cả xã hội ghi nhận. Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú có lẽ là phương cách tốt nhất giáo dục toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, về những phẩm chất cao quý mà mỗi người Việt Nam cần có; đó là liêm chính, trung thực, quả cảm, hiến dâng, và tầm nhìn thời đại.

Ưu tiên thứ tư: Hoạch định lộ trình cải biến chiến lược cho từng ngành và địa phương.

Mỗi ngành và địa phương đều có đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam. Với nỗ lực mạnh mẽ và toàn diện đưa Việt Nam tiến nhanh trên hành trình trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển trước năm 2045, sẽ có những ngành và địa phương tiến nhanh hơn tới mục tiêu thôi thúc này.

Kinh nghiệm thành công bước đầu của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 gợi ý ba bí quyết quan trọng để làm nên kỳ tích, dù còn nhỏ. Đó là tìm kiếm tài năng từ mọi ngõ ngách, không kể điều kiện xuất thân; trân trọng sử dụng tinh hoa và kinh nghiệm quốc tế; và cả xã hội dành cho những người gánh vác sứ mệnh giúp dân tộc ngẩng đầu những ủng hộ nhiệt thành và tình yêu thương nồng hậu.

Hoạch định lộ trình phát triển cho từng ngành và địa phương cho chặng đường 5 - 10 - 20 năm tới có vai trò đặc biệt quan trọng giúp các ngành và địa phương hiểu rõ mình hiện đang ở đâu, muốn đi đến đâu, và cần phải làm gì trong chặng đường phía trước. Các chỉ số đánh giá tiến bộ, đặc biệt là tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế, năng suất lao động, mức lương công nhân, chất lượng môi trường, trình độ người dân cần được báo cáo định kỳ công khai và đánh giá sâu sắc. Các cải cách về thể chế và sáng kiến chính sách sẽ được thiết kế và triển khai để hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời cho các ngành và địa phương tiến lên theo lộ trình chiến lược đã được hoạch định.

Lấy du lịch làm ví dụ minh họa, hoạch định lộ trình chiến lược cho ngành này có thể xem xét các phân tích và đề xuất sau đây. Trước hết, đây là ngành đáng lựa chọn làm đội quân tiên phong trong thể hiện ý chí và năng lực trỗi dậy của Việt Nam. Sự lựa chọn này không chỉ dựa trên lợi thế cạnh tranh tiềm tàng của Việt Nam trong lĩnh vực này mà còn vì ba lý do chiến lược.

Trước hết, đây là ngành có sự tham gia của toàn dân, ở mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Một thiết kế tốt sẽ cho phép Việt Nam khai thác sức mạnh cộng hưởng vô song của dân tộc từ sự đồng tâm quyết chí của toàn xã hội trong nỗ lực phát triển ở lĩnh vực này. Thứ hai, đây là ngành có xu hướng tăng trưởng rất nhanh cả trong hiện tại và tương lai nhờ đóng góp của cuộc cách mạng 4.0 và xu thế toàn cầu hóa. Thứ ba, đưa ngành du lịch lên đỉnh cao hàng đầu thế giới không mất nhiều thời gian so với các ngành công nghiệp chế tạo; trong khi hiệu quả mang lại rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả thương hiệu quốc gia.

Khát vọng phồn vinh 2
PGS, TS Vũ Minh Khương - Đại học quốc gia Singapore

Thành công làm kinh ngạc thế giới của Việt Nam trong phát triển ngành du lịch sẽ mở đường cho các ngành kinh tế khác khẳng định vị thế toàn cầu của mình và thu hút đầu tư của thế giới, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hàng không, chế biến thực phẩm, và văn hóa-sáng tạo.

Trong hoạch định chiến lược ngành, kinh nghiệm của các nước thành công là một kho báu vô giá cần hết sức khai thác. Chẳng hạn, Thái Lan mất 10 năm để đưa số khách du lịch quốc tế từ gần 15 triệu năm 2007 lên trên 35 triệu (với tổng mức thu tỷ 57,5 tỷ USD hay 1.600 USD/khách) năm 2017; đồng thời tăng mức đóng góp của ngành du lịch vào GDP từ 6,5% lên 10% trong giai đoạn 10 năm này.

Việt Nam đón 15,5 triệu khách du lich quốc tế trong năm 2018. Một hoạch định chiến lược có tầm có thể đặt ra mục tiêu tăng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên 35 triệu trước 2030 và 60 triệu trước 2045. Đồng thời tăng mức thu từ 685 USD/khách (8,9 tỷ USD và 13 triệu khách) năm 2017 lên ngang bằng mức Thái Lan trong thời gian tới. Nghĩa là xuất khẩu từ du lịch sẽ tăng từ dưới 10 tỷ USD năm 2018 lên 57 tỷ năm 2030 và 100 tỷ trước 2045.

Để hỗ trợ ngành du lịch tiến nhanh trên lộ trình chiến lược này, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ, cả về thể chế và sáng kiến chính sách. Chẳng hạn, Tổng cục Du Lịch nên được tách ra khỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thành một cục tác nghiệp độc lập như kinh nghiệm thành công của Singapore. Cục tác nghiệp này sẽ hoạt động như một tổng công ty với sứ mệnh đưa ngành du lịch Việt Nam đạt những mục tiêu chiến lược đặt và vươn lên đỉnh cao toàn cầu trong thời gian sớm nhất. Cán bộ công nhân viên, trừ biệt phái, sẽ không còn là công chức và có thể hưởng lương theo cơ chế thị trường. CEO là người do Hội đồng Quản trị tìm kiếm và bổ nhiệm.

Trong lộ trình chiến lược phát triển ngành du lịch, một số sáng kiến chính sách đột phá cần sớm ban hành. Chẳng hạn, hỗ trợ hệ thống các trường đào tạo du lịch ở Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế; trong đó chính sách thu hút các trường du lịch hàng đầu thế giới từ Thụy Sỹ và các nước tiên tiến cần chủ động và mạnh mẽ không kém gì so với nỗ lực thu hút Samsung và Intel cho ngành điện tử. Đà Nẵng có thể định vị trở thành một tổ cụm đào tạo du lịch hàng đầu của châu Á.

Ngoài ra, trong hoạch định lộ trình chiến lược cho ngành du lich, phí visa và các phí bảo tồn du lịch nên tăng chứ không giảm. Cục tác nghiệp du lịch và các ngành liên quan cần có ngân sách thỏa đáng để thu hút nhân tài, quảng bá và hỗ trợ các đầu tư nâng cấp tăng giá trị trải nghiệm của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch cao cấp, đi cùng gia đình.

Ưu tiên thứ năm: củng cố lòng tin của nhân dân.

Quyền năng của một hệ thống chính trị trong công cuộc cải cách phát triển dựa trên ba trị cột chính yếu: lòng tin của dân; khả năng thu hút và sử dụng hiền tài; và năng lực hoạch định và thực thi chiến lược. Để có một quyền năng cao trong nỗ lực cải cách, Đảng và Chính phủ cần coi củng cố lòng dân là bước đi nền tảng trong mọi nỗ lực cải cách của mình. Nếu xem nhẹ trụ cột này, các nỗ lực cải cách khác, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng sẽ không đem lại kết quả mong muốn. Gần dân, trọng dụng hiền tài, và quả cảm nhận trách nhiệm đưa đất nước tiến tới tầm nhìn khát vọng là những định tố quan trọng quyết định lòng tin của dân.

Thay lời kết

Công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam đang bước vào giai đoạn đặc biệt khi mà các đổi thay bứt phá, cho dù khó có thể hình dung ra chỉ vài năm trước đây, sẽ trở thành những điều được người dân hướng tới và mong đợi.

Không biết phải mất bao lâu nữa Việt Nam sẽ có bộ máy công quyền ưu tú làm đất nước có thể tự hào? Phải mất bao lâu nữa, ngành du lịch Việt Nam sẽ là một biểu tượng thành công làm thế giới ngưỡng mộ học tập? Liệu có ngày các sản phẩm chế biến của Việt Nam như sữa hay dược phẩm sẽ tràn ngập thị trường Trung Quốc như một lựa chọn mà mỗi người dân nước bạn đều tìm kiếm với sự tin cậy?

Cho dù tới hôm nay, những kỳ vọng này còn xa nhưng kinh nghiệm thành công bước đầu của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 gợi ý ba bí quyết quan trọng để làm nên kỳ tích, dù còn nhỏ. Đó là tìm kiếm tài năng từ mọi ngõ ngách, không kể điều kiện xuất thân; trân trọng sử dụng tinh hoa và kinh nghiệm quốc tế; và cả xã hội dành cho những người gánh vác sứ mệnh giúp dân tộc ngẩng đầu những ủng hộ nhiệt thành và tình yêu thương nồng hậu.

Nếu công cuộc đổi mới từ 1986 đến 2015 giúp Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo nàn và cô lập thì giai đoạn từ 2016 đến 2045 có sứ mệnh đưa dân tộc đi đến phồn vinh thịnh vượng và một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng 

Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới, tại sao không?

Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới, tại sao không?

Leader talk -  6 năm

Nhân Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC 2018 với chủ đề "Việt Nam: Thế giới của cơ hội", khi được TheLEADER hỏi về cơ hội phát triển cho Việt Nam, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO bày tỏ khát vọng Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới với doanh thu 100 tỷ USD đóng góp vào GDP.

Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa

Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa

Nhịp cầu kinh doanh -  14 phút

Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.

Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh

Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh

Phát triển bền vững -  17 phút

Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.

Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp

Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp

Diễn đàn quản trị -  23 phút

Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.

Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường

Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường

Tiêu điểm -  2 giờ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc

Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc

Nhịp cầu kinh doanh -  2 giờ

Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.

Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ

Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ

Hồ sơ quản trị -  10 giờ

Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.

Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững

Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững

Phát triển bền vững -  22 giờ

Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.