Khẩu vị dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 4

Việt Hưng - 16:18, 28/04/2021

TheLEADERChuyển đổi số đang trở thành từ khóa "nóng" tại Shark Tank Việt Nam mùa 4, nhất là trong bối cảnh giai đoạn nền kinh tế có những biến động do ảnh hưởng của đại dịch.

Chương trình Shark Tank Việt Nam được đưa về Việt Nam năm 2017 trong bối cảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt đang phát triển mạnh và cần tiếp cận các nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp thành công.

Sau 3 mùa phát sóng, chương trình đã khơi thông dòng vốn rót từ các nhà đầu tư cá nhân và các tập đoàn kinh tế hàng đầu, đa dạng hóa các kênh rót vốn cho các công ty khởi nghiệp và đã đạt được những con số đầu tư ấn tượng.

Chương trình đã chào đón 133 startup lên sóng, 77 startup nhận được cam kết rót vốn với tổng số tiền cam kết đầu tư là 772 tỷ đồng, tương đương gần 33 triệu USD.

Trong giai đoạn nền kinh tế có những biến động do ảnh hưởng của đại dịch, chuyển đổi số trở thành cơ hội mở rộng thị trường không chỉ cho các doanh nghiệp công nghệ mà còn cho tất cả các doanh nghiệp ngoài công nghệ, theo cùng xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới đang tăng tốc khai thác triệt để các lợi ích từ sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ số.

Bắt đầu từ mùa thứ 4, bên cạnh việc kết nối startup với các nhà đầu tư, Shark Tank Việt Nam sẽ tập trung mở rộng cơ hội cho các ý tưởng khởi nghiệp có mục tiêu phát triển sản phẩm trên nền tảng hệ sinh thái số để có thể phát triển thị trường và qua các công cụ mới và đa dạng, các startup có thể phát triển được những thị trường rộng hơn qua các hoạt động chuyển đổi số của mình.

Khẩu vị dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 4
Đến nay, startup tham gia Shark Tank Việt Nam đã nhận được cam kết rót vốn lên tới 33 triệu USD

Chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 4 vừa qua đã chính thức công bố dàn "cá mập" với 6 cái tên. Trong số đó, có sự quay trở lại của Shark Phú - Chủ tịch SunHouse.

Ngoài Shark Phú, Thương vụ bạc tỷ mùa này cũng chào mừng sự quay trở lại của Shark Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM).

Shark Tank Việt Nam mùa 4 sẽ có sự góp mặt của bà Đỗ Thị Kim Liên, Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN và ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech. Cả ông Bình và bà Liên đều là những "cá mập" mới xuất hiện trên sóng từ mùa 3.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup có năm thứ 4 liên tiếp là nhà đầu tư tại Shark Tank. Ông cũng là người duy nhất góp mặt ở cả 4 mùa của chương trình. Gương mặt còn lại là ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom. Ông Việt là người ngồi ghế "Mr. Wonderful" trong mùa 3 khi ông Phú vắng mặt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures đã không có mặt trong danh sách các nhà đầu tư. Trong năm 2020, ông Dũng đã rời Quỹ đầu tư CyberAgent và tự mình sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures.

Khẩu vị dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 4 1
Dàn "cá mập" góp mặt trong Shark Tank Việt Nam mùa 4

Đến với Shark Tank mùa 4, Shark Hưng cho biết mình đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đầu tư cho các startup có những giải pháp hữu ích, tốt dù vẫn ưu tiên tìm kiếm những startup phù hợp với hệ sinh thái của Cen Land hoặc Cenhomes.vn nhưng vẫn sẽ không ngoại trừ các lĩnh vực khác, bên cạnh lĩnh vực bất động sản.

Khẩu vị đầu tư năm nay của Shark Hưng sẽ thiên về các startup có định hình cụ thể, nghĩa là sản phẩm đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường và có mô hình kinh doanh rõ nét. "Tôi đặc biệt quan tâm đến mô hình kinh doanh, không chỉ là giải pháp hay là nền tảng, công nghệ còn đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển. Với tôi năm nay các yêu cầu sẽ chặt chẽ hơn với sự lựa chọn sẽ có mức độ tiêu chuẩn cao hơn", Shark Hưng chia sẻ.

Về phần mình, Shark Đỗ Liên khẳng định điều bà muốn là đầu tư vào con người nên bản thân không quá phân biệt về ngành nghề. Tuy nhiên, nữ doanh nhân đặc biệt quan tâm đến môi trường, nước sạch, rác thải, và sức khỏe cộng đồng.

Bà cho biết sẽ ưu tiên cho những dự án nằm trong nhóm ý tưởng này. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ dành nhiều sự quan tâm cho các startup công nghệ vì chuyển hóa số là xu hướng tất yếu của tương lai.

"Có nhiều bạn startup đang hiểu lầm, cho rằng Shark Liên lên Shark Tank không cần lợi nhuận, nhưng tôi có thể nói một doanh nghiệp không có tiền thì không thể làm được điều gì cả, nên hiệu quả hoạt động cho tương lai vẫn phải là tiên quyết. Công tác từ thiện không thể pha lẫn trong vận hành kinh doanh, đã là kinh doanh thì cần tính từng đồng, từng xu, từng con số hiệu quả. Còn khi tôi đã hỗ trợ các bạn thì quan điểm của tôi là sự thành công và hiệu quả của các bạn là quan trọng nhất, chứ không phải là các bạn kiếm được bao nhiêu tiền để chia lại cho tôi", nữ doanh nhân cho biết.

Khẩu vị dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 4 2
Shark Bình đã chính thức trở thành Nhà đầu tư chính trong Shark Tank Việt Nam mùa 4

Với Shark Tank mùa 4, Shark Bình đã chính thức trở thành Nhà đầu tư chính và để chia sẻ về lý do “đổi ghế”, Shark Bình cho biết, đại dịch vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp nhỏ và yếu thế nên chuyển đổi số là kênh tất yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ tồn tại và có thể phát triển. Chính vì vậy, với tư cách là “Shark công nghệ”, “Shark chuyển đổi số”, năm nay Shark Bình trở thành Shark chính để có cơ hội đầu tư nhiều hơn nữa cho các startup, giúp cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số mà không bị bỏ lại phía sau.

Khẩu vị của Shark Bình năm nay là 2 đối tượng: startup truyền thống biết sử dụng công nghệ, tối ưu hoạt động để tăng trưởng trên quy mô lớn và nhanh; startup công nghệ chuyển đổi số giải được bài toán về thị trường và bán hàng.

"Ngoài tìm long mạch, Shark Bình sẽ giúp các startup "đón gió đông" – "đó là hệ sinh thái làm bệ phóng cho các startup nhanh chóng đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường và tăng trưởng với quy mô lớn hơn. NextTech sẽ là gió đông cho các startup", Shark Bình nói.

Trong khi đó, Shark Nguyễn Xuân Phú trở lại Shark Tank Việt Nam mùa 4 với mong muốn tìm được những startup liên quan đến công nghệ, R&D,… có thể bù đắp được những khoảng trống trong hệ sinh thái của Tập đoàn Sunhouse, từ đó tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh hơn, thông minh hơn trong tương lai.

Nhắn nhủ đến các startup trẻ sắp bước vào "bể cá mập" để chinh phục những nhà đầu tư khó tính, Shark Phú đặc biệt dặn dò mỗi startup phải nêu bật được sự khác biệt trong ý tưởng kinh doanh, phải bù lấp được những khoảng trống nhu cầu thị trường hoặc có lợi thế cạnh tranh vượt bậc so với các đối thủ sẵn có trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông cho rằng bản thân người sáng lập startup phải thể hiện được sự quyết tâm, đam mê để có thể theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng. Và điểm then chốt cuối cùng giúp các nhà đầu tư tin tưởng vào startup là những thông tin liên quan đến tài chính, định giá, doanh thu, lợi nhuận phải tuyệt đối chính xác.

Khẩu vị dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 4 3
Chuyển đổi số trở thành từ khóa nóng của Shark Tank Việt Nam mùa 4

Shark Nguyễn Thanh Việt chia sẻ ông tiếp tục đầu tư các lĩnh vực như năng lượng, bất động sản, chăm sóc sức khỏe. Ông tin rằng nếu có startup trong những lĩnh vực này ông sẽ hỗ trợ tốt hơn. Tuy nhiên với tư cách là một nhà đầu tư, ông sẵn sàng rót tiền nếu các startup có thể thuyết phục ông bằng một lý tưởng lớn, tiềm năng cũng một cái tâm lớn.

Ông cũng dành lời khuyên cho các startup trẻ, hãy tìm những người giỏi để học hỏi vì một người thầy giỏi sẽ giúp học sinh bớt rủi ro và tiết kiệm được “học phí”. Và đặc biệt, ông khuyên các startup khi đến với Shark Tank hãy chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng, luôn giữ một tâm thế bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra đầy đủ các phương án thuyết phục các nhà đầu tư.

Shark Louis Nguyễn từng là nhà đầu tư gây nhiều ấn tượng trong mùa 2 của Shark Tank. Chia sẻ mong muốn trong sự trở lại tại mùa 4, ông tiết lộ thời gian qua, SAM đã làm việc với các cổ đông chiến lược mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp thông qua các công ty có sự đột phá trong kinh doanh và khả năng phát triển bền vững.

Trở lại Shark Tank lần này, ông tập trung vào các startup đã hoặc sắp có lợi nhuận trong các lĩnh vực trên, có đam mê, đội ngũ tốt, đặc biệt là những startup có tiềm năng đạt các chuẩn mực về Môi trường, xã hội, quản trị (ESG) - thước đo khả năng phát triển bền vững được quốc tế công nhận.