Khi WinCommerce “qua mặt” các ngân hàng

Trần Anh - 08:00, 29/04/2023

TheLEADERNỗ lực trở thành một hệ sinh thái tài chính tiêu dùng của WinCommerce đang góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà NHNN liên tục yêu cầu hệ thống ngân hàng triển khai trong nhiều năm qua.

Thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không tiền mặt

Sau 3 năm về với Masan, WinCommerce với chuỗi siêu thị và siêu thị mini đã có một bước tiến dài khi trở thành hệ thống bán lẻ hiện đại lớn nhất về số lượng tại Việt Nam, chiếm 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại và khoảng 50% các địa điểm bán lẻ hiện đại.

Biên lợi nhuận EBITDA được cải thiện từ con số âm 7% trong năm 2019 lên dương 3% trong năm 2022. Tính tới tháng 3/2023, tổng điểm kinh doanh của chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+ lên đến con số gần 3.500 siêu thị và cửa hàng, với độ phủ 62/64 tỉnh thành trên cả nước, thu hút khoảng 4 triệu khách hàng tham gia chương trình Hội viên WIN.

Sự thay đổi này là nhờ một loạt các sáng kiến bao gồm hợp lý hóa mạng lưới bán lẻ, tăng cường quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, cải thiện hoạt động vận hành (điều chỉnh từ cấp cửa hàng đến chuỗi cung ứng…

Trong đó, một bước đi đặc biệt của Masan là giới thiệu mô hình cửa hàng mới WIN và triển khai chương trình hội viên. Bằng việc cho ra mắt các cửa hàng WIN trong năm 2022, Masan đã củng cố mạnh mẽ nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp, dần biến WinCommerce trở thành một hệ sinh thái tiêu dùng và tài chính hoàn chỉnh.

Với khoảng 106 cửa hàng WIN tính đến thời điểm hiện tại, Masan đưa ra thị trường một mô hình đổi mới với trải nghiệm tích hợp liền mạch cho người tiêu dùng nhờ sự kết hợp của WinMart (nhu yếu phẩm),Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê) và Dr. Win(sức khỏe thể chất và tinh thần)

Đặc biệt, việc hợp tác với Techcombank để triển khai các giải pháp thanh toán mới, không dùng tiền mặt và không dùng thẻ (T-Pay) tại các cửa hàng WIN và WinMart+ đã mang lại những hiệu quả ngay lập tức.

Sử dụng thanh toán “một chạm” qua Techcombank Mobile, khách hàng không cần phải mang theo tiền mặt hay ví tiền mà vẫn mua sắm thỏa mái, nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời giảm thời gian chờ đợi vì chỉ mất vài giây để thanh toán mỗi hóa đơn. 

Cùng với đó, khách hàng Hội viên WIN khi dùng ngân hàng số Techcombank Mobile thanh toán “một chạm” sẽ nhận ưu đãi kép như tiết kiệm thêm 20% trên các mặt hàng thiết yếu tại WINLife và hoàn thêm 3-5% không giới hạn. 

Sức hút từ dịch vụ thanh toán đặc quyền “một chạm” Techcombank Mobile đã thu hút hàng chục nghìn hội viên mở mới tài khoản tại Techcombank. Ngày cao nhất hệ thống WinCommerce mở được 9.000 tài khoản gấp 3 lần toàn bộ chi nhánh và kênh digital của Techcombank mở được trong 1 ngày.

Khi WinCommerce “qua mặt” các ngân hàng
Ngày cao nhất hệ thống WinCommerce mở được 9.000 tài khoản ngân hàng

Hợp tác giữa Masan và Techcombank, cụ thể là giải pháp thanh toán T-Pay là bước đột phá đầu tiên trong chiến lược này. Người tiêu dùng có thể mở tài khoản ngân hàng Techcombank chỉ trong vòng 5 phút với quy trình eKYC được kích hoạt bằng công nghệ Trusting Social khi mua sắm tại các điểm bán lẻ WinCommerce. Sau đó, người tiêu dùng có thể nhận các ưu đãi khi mua nhu yếu phẩm bằng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và không dùng thẻ của T-Pay.

Tính đến cuối năm 2022, WIN đã giúp Techcombank mở thêm 70.000 tài khoản ngân hàng mới. Tỉ lệ giao dịch được thanh toán bằng T-Pay tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương và Cần Thơ lần lượt là 24,4%, 16,5%, 18,2% và 5,4%.

Bằng chứng rõ nhất của thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng WIN có thể thấy qua các hóa đơn. Được ra mắt chính thức từ tháng 9/2022, chỉ sau 1 tháng triển khai, tỷ lệ lũy kế hóa đơn sử dụng phương thức thanh toán mới phi tiền mặt của Techcombank tại các cửa hàng WIN đã đạt ngưỡng gần 30%, vượt xa so với tỷ lệ hơn 8% trước thời điểm khai trương. Riêng khu vực Hà Nội, phương thức thanh toán mới “một chạm”, hoặc QRCode qua Techcombank Mobile chiếm đến 50% hóa đơn tại một số cửa hàng WIN.

Đến nay, T-Pay đã là hình thức thanh toán phổ biến khi chiếm khoảng 30% khối lượng giao dịch tại các điểm bán WinMart. Đại diện Masan tin rằng, giải pháp thanh toán một chạm được triển khai tại hệ thống bán lẻ hiện đại này cũng có thể sử dụng được tại hệ thống bán lẻ truyền thống trong tương lai.

Đồng thời, Masan cũng đã liên kết WIN AI với hệ thống chấm điểm tín dụng của Trusting Social, giúp phê duyệt trước thẻ tín dụng hoặc giải pháp tài chính cho các Hội viên WIN và phân phối thẻ tín dụng tại kênh offline hay nền tảng số của mình.

Bao phủ nhu cầu tài chính từ thành thị tới nông thôn 

Có thể thấy, những bước đi của Masan với WinCommerce đang giú pngười tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ tài chính và ngân hàng một cách dễ dàng. Với việc thu được lợi ích trực tiếp từ thanh toán qua T-Pay, người tiêu dùng cảm thấy hấp dẫn hơn rất nhiều so với cách làm của các ngân hàng truyền thống.

Nỗ lực trở thành một hệ sinh thái tài chính tiêu dùng của WinCommerce đang góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà NHNN liên tục yêu cầu hệ thống ngân hàng triển khai trong nhiều năm qua.

Với cách làm mới đầy thiết thực, mô hình kết hợp giữa Techcombank và WinCommerce cho thấy tính ưu việt khi có thể vươn tới các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những khu vực khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống.

“Năm 2021, chúng tôi đã không hoàn thành được mục tiêu đưa 1 triệu người tiêu dùng không có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính vào nền tảng tài chính của chúng ta. Tuy nhiên nền tảng thanh toán T-Pay và chương trình Hội viên WIN mà chúng ta đã xây dựng trong năm 2022 mang đến cơ hội vượt mốc 1 triệu này vào năm 2023 nhờ quy mô mở rộng trên toàn bộ mạng lưới và thông qua các đối tác bán lẻ truyền thống”, ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT Masan chia sẻ trong Báo cáo thường niên 2022 của Tập đoàn này.

Có thể nói, chiến lược này của Masan hoàn toàn phù hợp với chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ tài chính hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế Việt Nam. 

Không dừng lại ở đó, trong kế hoạch phát triển những năm tới, chiến lược của Masan là đi sâu vào đời sống tài chính của người tiêu dùng, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng số hóa và cá nhân hóa với cầu nối là WinCommerce có thể đẩy thanh toán không tiền mặt lên một tầm cao mới. 

Cụ thể, thay vì chỉ dùng để thanh toán khi mua sắm trong cửa hàng, T-Pay có thể được dùng kết hợp nhiều nhu cầu tài chính khác nhau. Đến lúc đó, toàn bộ nhu cầu của người tiêu dùng đều có thể thanh toán bằng thẻ, tiền mặt sẽ không còn cần thiết.

“Đây là bước đi quan trọng giúp người Việt giảm được một chi phí lớn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính”, ông Nguyễn Đăng Quang nhận định. 

Theo Masan, người tiêu dùng Việt Nam phải chi trả nhiều cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính vì các dịch vụ này chưa phổ biến, đồng nghĩa với người tiêu dùng phải sử dụng các kênh tài chính phi chính thức nhiều hơn. Các kênh này thường có chi phí vốn cao hơn từ 3 đến 5 lần so với tín dụng chính thức.

Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng này là kết quả của chi phí ngân hàng quá cao đối với nhóm dân cư chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn và thiếu năng lực chấm điểm tín dụng cho đại bộ phận khách hàng phổ thông. Do đó, trung bình cứ 3 người tiêu dùng Việt Nam thì có 2 người vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. 

Ước tính, tỷ lệ người có thẻ tín dụng và bảo hiểm lần lượt là 4% và 2,4% tỷ lệ thâm nhập thẻ tín dụng và bảo hiểm lần lượt là 5%và 11%. Thông qua WinCommerce, Masan đã và đang từng bước giải quyết nhu cầu lớn chưa được đáp ứng này bằng cách triển khai mô hình đặt người tiêu dùng làm trọng tâm. 

Song song với đó, thỏa thuận đầu tư vào Trusting Social vào năm 2022 là một bước đi của Masan để đưa các dịch vụ tài chính đến với đại chúng. Sự kết hợp giữa nền tảng phân phối offline của Masan, các sản phẩm tài chính của Techcombank, và năng lực chấm điểm của Trusting Social hứa hẹn sẽ thay đổi cách thức người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các sản phẩm tài chính.