Khi xe điện thật ra vẫn… xả khí thải

Sơn Phạm - 10:27, 15/06/2020

TheLEADERTại nhiều quốc gia đang phát triển, điện vẫn chủ yếu được sản xuất bằng than và khí đốt. Như vậy, sử dụng xe điện cũng chỉ là đang gián tiếp xả thải ra môi trường chứ không hoàn toàn là hình thức di chuyển “sạch”.

Khi xe điện thật ra vẫn… xả khí thải
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, điện vẫn chủ yếu được sản xuất bằng than và khí đốt.

Tăng cường hiệu suất hoạt động của hệ thống giao thông hiện mới là phương pháp hữu hiệu để cắt giảm lượng khí thải, xây dựng ngành giao thông vận tải bền vững.

Giao thông vận tải được ví như mạch máu của nền kinh tế, đảm bảo sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, đây cũng là ngành kinh tế gây ra lượng phát thải nhà kính không hề nhỏ, gây ra nhiều áp lực cho khí hậu và hệ sinh thái.

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế giới đã chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu đến từ việc giao thông bị đình trệ.

Tuy nhiên, để cắt giảm lượng khí thải nhà kính đảm bảo cho mục tiêu giữ nền nhiệt không nóng lên quá 1,5 độ C, hướng tới chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030, chúng ta cần phải hành động ngay lập tức trước khi nền sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại bình thường.

Xe điện có phải là giải pháp tối ưu?

Xe điện EV (electric vehicle) đang ngày càng phổ biến và được đón nhận từ phía người tiêu dùng. Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, loại pin sử dụng trong động cơ xe EV đã giảm giá tới khoảng 6,25 lần so với năm 2010, cùng với nhiều tiến bộ về công nghệ đã khiến giá thành của xe EV giảm mạnh, thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến dung lượng, tuổi thọ của pin cũng như hệ thống trạm sạc điện chưa phổ biến vẫn còn là những cản trở không nhỏ đối với quá trình chuyển đổi sang sử dụng dòng xe này.

Vừa qua, nhà sản xuất pin CATL đến từ Trung Quốc vừa cho ra đời sản phẩm pin “triệu dặm” với tuổi thọ dài tới 16 năm và cung cấp năng lượng cho xe chạy được 50 vòng quanh Trái Đất. Sự kiện này hứa hẹn sẽ tạo ra sự bùng nổ trong doanh số xe điện toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhiều nơi trên thế giới, điển hình là EU đang đưa ra kế hoạch xây dựng 2 triệu trạm sạc điện trên toàn châu Âu vào năm 2025 để tạo bước đà cho việc sử rộng rãi xe EV thay thế cho các phương tiện cá nhân truyền thống chạy bằng xăng dầu.

Trong tương lai, việc thay thế các phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng xe EV có thể sẽ trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, điều này là chưa đủ để thực sự cắt giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính.

Cụ thể, hiện nay tại nhiều quốc gia đang phát triển, điện vẫn chủ yếu được sản xuất bằng than và khí đốt. Như vậy, sử dụng xe điện cũng chỉ là đang gián tiếp xả thải ra môi trường chứ không phải là hình thức di chuyển “sạch”.


Nâng cao hiệu suất giao thông

Một phương án cụ thể và thực tiễn hơn được các học giả đến từ trường Đại học Gustave Eiffel và Đại học Sarajevo đề xuất, nhắm vào gia tăng hiệu suất vận hành của các phương tiện giao thông.

Theo đó, cốt lõi của quá trình xây dựng ngành giao thông vận tải bền vững là phải tiết kiệm năng lượng, bất kể là năng lượng điện hay nhiên liệu hóa thạch.

Khi xe điện thật ra vẫn… xả khí thải 1
Tăng cường hiệu suất hoạt động của hệ thống giao thông hiện mới là phương pháp hữu hiệu để cắt giảm lượng khí thải, xây dựng ngành giao thông vận tải bền vững.

Cụ thể, nhóm chuyên gia đề xuất 3 mục tiêu:

Một là, tăng tốc độ di chuyển thông qua tối ưu hóa cơ sở hạ tầng. Việc ùn tắc, di chuyển chậm trên đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự lãng phí năng lượng trong ngành giao thông vận tải. Bên cạnh đó, việc lắp đặt các đèn giao thông và biển bảo nhằm mục đích bảo đảm an toàn giao thông làm tài xế tăng giảm tốc độ đột ngột làm hao phí nhiên liệu.

Tuy nhiên, triển khai mục tiêu này cần được tính toán kỹ lưỡng, cân đối giữa hiệu suất với tính an toàn của hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, chính phủ cần nghiên cứu khả năng cải tạo của các cơ sở hạ tầng hiện có, tránh đầu tư xây mới gây áp lực cho ngân sách.

Hai là, thay đổi hành vi của người lái xe. Người lái xe có thể làm lãng phí năng lượng thông qua những hành vi của mình, ví dụ như dừng đèn đỏ lâu mà không tắt máy, tăng giảm tốc độ thất thường hay gây ra sự ùn tắc không đáng có.

Ba là, sử dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu đạt tiêu chuẩn trên động cơ phương tiện giao thông. Theo đó, các quốc gia cần xây dựng khung chính sách quy định rõ ràng mức tiêu hao nhiên liệu, mức độ xả thải ra môi trường, tiến tới hạn chế và loại bỏ dần những dòng sản phẩm phương tiện giao thông có công nghệ lạc hậu, gây lãng phí nhiên liệu và xả thải quá mức.

Các phương tiện cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo động cơ vẫn đảm bảo được các tiêu chuẩn đặt ra.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất một số biện pháp như thúc đẩy các hình thức ghép chuyến đối với khách vận tải hay khuyến khích người dân hạn chế sử dụng xe ô tô, xe máy cho những quãng đường ngắn.