Khó tránh rủi ro lạm phát trong năm 2022

An Chi - 09:42, 26/04/2022

TheLEADERViệc kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là mục tiêu khó.

Khó tránh rủi ro lạm phát trong năm 2022
Rủi ro lạm phát trong năm 2022 vẫn rất lớn. Ảnh minh họa

Đánh giá chung về nền kinh tế, PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, kinh tế Việt Nam đang đối diện nhiều rủi ro thách thức.

Trước đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do cú sốc suy thoái nặng nề trong quý III với sự lan rộng của biến chủng Delta đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ. 

Mặt khác, các chính sách phản ứng còn chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa các địa phương. Nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã bị phong toả trong thời gian dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. 

Trong khi đó, tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì nhưng hiệu quả suy giảm.

Với năm 2022, ông Thành dự báo kinh tế Việt Nam đứng trước 3 thách thức lớn. Thứ nhất, bất ổn chính trị thế giới leo thang và giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và các bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa. Qua đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Khó kiếm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022
PGS.TS Tô Trung Thành

Thứ hai, Chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát, khiến dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế Việt Nam bị thu hẹp.

Thứ ba, những rủi ro như tăng trưởng “nóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán vẫn hiện hữu. Dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất mà đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính, chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng tại nhiều ngân hàng.

“Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam trong năm 2022”, ông Thành nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như đổi mới sáng tạo và kinh tế số đã có dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Động lực tăng trưởng vẫn đến từ khu vực kinh tế đối ngoại, đầu tư công, tác dụng của gói hỗ trợ phục hồi. Đồng thời, đây cũng là thời điểm ngành dịch vụ có cơ hội phục hồi mạnh mẽ với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. 

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo ông Thành, với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới cùng nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tăng trưởng kinh tế có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%; song rủi ro lạm phát là khó tránh khỏi. 

Kết quả nghiên cứu của báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu trong nền kinh tế vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là lạm phát do bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát đang gặp rất nhiều thách thức do xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu thế giới đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất trong nước. Giá xăng dầu tính đến 11/3/2022 đã tăng 45,2% so với năm 2021.

Trong khi đó, nếu giá xăng dầu tăng 45,2% sẽ ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%. Trong trường hợp áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường khiến giá xăng dầu tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, chỉ số giá tiêu dùng cũng sẽ tăng 0,5%, chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Đáng lưu ý, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng.

Từ thực tế trên, ông Thành cho rằng, các chính sách của Chính phủ cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh mới. 

Trong đó, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới. 

Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. 

Chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động…Đặc biệt, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản.

Trong khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cũng cần được tiếp tục duy trì, mở rộng đối tượng thụ hưởng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức. Qua đó nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.