Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica, chi tiêu công tăng quá cao có thể tạo ra rủi ro. Do đó, tăng trưởng kinh tế không thể chỉ kỳ vọng vào thúc đẩy đầu tư công.
6 tháng đầu năm, nền kinh tế dần lấy lại những mảng màu tươi sáng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29%, duy trì dưới mức trần 4% và tiếp tục xu hướng giảm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội nửa đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giải ngân vốn đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng.
Dù vậy, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây, đặt ra thách thức là rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra, mức tăng trưởng trung bình phải đạt 8,9%. Đây là mức tăng rất cao, đặc biệt khi công tác điều hành chính sách gặp nhiều áp lực.
Khó đạt mục tiêu
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố quốc tế, bao gồm khả năng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn; cạnh tranh chiến lược ở các nước lớn; sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Trong bối cảnh đó, triển vọng tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cũng như năng lực của Việt Nam trong thực hiện những xu thế lớn là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Cả 3 kịch bản tăng trưởng của CIEM đều cho thấy Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Cụ thể, với kịch bản 1, Việt Nam tiếp tục duy trì nỗ lực chính sách tương tự như 6 tháng cuối các năm trong giai đoạn 2021 – 2022, GDP sẽ tăng trưởng khoảng 5,34%. Nếu giải ngân đầu tư công và tăng trưởng tín dụng tốt hơn, các điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn, theo kịch bản 2, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,72%.
Kịch bản tích cực nhất yêu cầu cả sự quyết liệt trong cải cách và điều hành chính sách của Việt Nam cũng như sự chuyển biến tích cực của tình hình thế giới. Theo kịch bản này, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,46% cho cả năm 2023, vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu đề ra.
Kịch bản tích cực nhất yêu cầu cả sự quyết liệt trong cải cách và điều hành chính sách của Việt Nam cũng như sự chuyển biến tích cực của tình hình thế giới. Theo kịch bản này, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,46% cho cả năm 2023, vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu đề ra.
Trình bày kết quả dự báo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM, cũng đưa ra một số khuyến nghị.
Thứ nhất, kiểm soát lạm phát nhằm giữ ổn định vĩ mô vẫn là giải pháp quan trọng, tuy nhiên cần cân nhắc cả tới việc tháo gỡ khó khăn cho donah nghiệp, đặc biệt là về khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Cần ban hành sớm các cơ chế thử nghiệm cho những mô hình kinh tế mới như công nghệ tài chính, kinh tế tuần hoàn…
Thứ hai, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự di, đồng thời đàm phán nâng cấp một số hiệp định thương mại tự do của ASEAN.
Cuối cùng, thu hút và sử dụng hiệu quả vốn FDI. Ông Dương nhấn mạnh tư duy liên kết vùng trong thu hút FDI, kết hợp với đào tạo kỹ năng lao động và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Cẩn trọng với động lực tăng trưởng
Đánh giá về những chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho biết, chưa có khi nào thương mại Việt Nam suy giảm nặng nề như hiện tại.
Đây là hiện tượng hết sức đáng chú ý, bởi xuất nhập khẩu giảm là dấu hiệu cho thấy toàn bộ ngành sản xuất đang gặp khó, nhất là sản xuất công nghiệp. Kéo theo sau đó sẽ là suy giảm đầu tư, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập người lao động, ảnh hưởng cả tới an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng.
Thực trạng này không phải điều ngạc nhiên bởi những khó khăn của nền kinh tế đã thể hiện rõ rệt trong suốt nhiều tháng nay. Trong bối cảnh như vậy, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng. Thực tế, giải ngân vốn đầu tư công đang được triển khai tương đối tích cực, phần nào “níu giữ” niềm tin hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cảnh báo, không nên kỳ vọng quá nhiều vào đầu tư công, bởi lẽ đầu tư công tăng quá cao có thể gây ra rủi ro nợ công, kéo theo đó là nhiều bất ổn vĩ mô.
“Phải giữ vững ổn định vĩ mô, củng cố niềm tin của thị trường và doanh nghiệp”, ông Bình nhấn mạnh.
Thay vào đó, Giám đốc Economica đề xuất, cần khuyến khích hơn nữa tiêu dùng nội địa, bởi thị trường quy mô 100 triệu dân sẽ còn nhiều tiềm năng, dư địa để khai thác, đóng góp vào tăng trưởng. Mặt khác, các công tác tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản cũng là giải pháp mang tính cấp thiết.
Trong bối cảnh thương mại vẫn gặp khó dù ngành dịch vụ tiếp tục giữ vững động lực, HSBC đã giảm dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam từ 5,2% xuống còn 5%, với kỳ vọng ba tháng cuối năm sẽ chứng kiến sự phục hồi đáng kể.
Với mức tăng trưởng GDP 3,72% trong 6 tháng đầu năm, áp lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề, có quý sẽ phải tăng hơn 10% để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023.
Nhìn chung 6 tháng đầu năm, đầu tư công có dấu hiệu khởi sắc cả về tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, áp lực vẫn rất lớn để hoàn thiện công tác giải ngân khối lượng vốn đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.
Các cực tăng trưởng trong bối cảnh mới không chỉ đóng vai trò làm đầu kéo cho nền kinh tế đất nước, mà còn thuận theo điều kiện riêng để tạo ra động lực mang tính lan tỏa, hướng tới tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.