Khu công nghệ cao TP.HCM kiến nghị tái lập cơ chế một cửa

Hứa Phương - 19:59, 19/10/2022

TheLEADERBan quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM kiến nghị chính quyền thành phố tái lập cơ chế một cửa giúp đẩy nhanh thủ tục cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp lấy ý kiến văn bản thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) kiến nghị chính quyền thành phố giao một số thẩm quyền theo luật thuộc các sở ngành cho SHTP để giải quyết thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư dự án ở công nghệ cao.

Khu công nghệ cao TP.HCM kiến nghị tái lập cơ chế một cửa
Khu công nghệ cao TP.HCM kiến nghị tái lập cơ chế một cửa

Theo ông Thi, thực chất các kiến nghị này giúp tái lập cơ chế một cửa nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại khu công nghệ cao.

Bởi vì trong 15 năm đầu kể từ khi thành lập (Khu công nghệ cao TP.HCM thành lập năm 2002), cơ chế một cửa được cho đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư các dự án vào Khu công nghệ cao TP.HCM.

Nhờ cơ chế một cửa nên phần lớn các thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu công nghệ cao do đó thời gian triển khai dự án thuận lợi, nhanh.

Tuy nhiên, với sự ra đời các văn bản pháp luật liên ngành, thẩm quyền giải quyết thủ tục sẽ đưa về các sở ngành chuyên môn. Đơn cử như thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch và kiến trúc...

Điều này đã khiến thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của doanh nghiệp bị kéo dài. Nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng đến nay họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án.

Hơn nữa, bản chất các ngành công nghệ cao là phát triển sản phẩm và ra thị trường nhanh, do đó thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, giảm hiệu quả đầu tư.

Cụ thể, mới đây ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM cho biết nhìn thấy cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên từ năm 2016 đã quyết định đầu tư xây dựng thêm nhà máy thứ hai ở khu công nghệ cao.

Thời điểm năm 2016 khi Duy Khanh quyết định đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai thì thị trường trong nước chưa có đối thủ cạnh tranh về sản phẩm.

Tuy nhiên, do thủ tục kéo dài nên đến cuối năm 2022 nhà máy thứ hai mới gần xong thì thị trường đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nên tính cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp chậm chân mất cơ hội theo ông Tống là thủ tục.

Do đó, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, khi kiến nghị được thông qua, đơn vị sẽ cải tiến các quy trình nội bộ để giải quyết các thủ tục nhanh, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, ông Thi cho rằng, việc thành phố sắp liên thông cổng dịch vụ công trực tuyến mới, cũng là phương án cải thiện quy trình thủ tục cho doanh nghiệp thực hiện các bước đầu tư.

Đến cuối tháng 9, Khu công nghệ cao TP.HCM có 160 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn trên 12 tỷ USD, trong đó có 51 dự án FDI với tổng vốn 10 tỷ USD (chiếm 84%), doanh nghiệp trong nước có 111 dự án với số vốn 1,9 tỷ USD. Vốn đầu tư trung bình tại SHTP hiện trên 75 triệu USD mỗi dự án.

Việt Nam hiện có 4 khu công nghệ cao gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), khu công nghệ cao TP.HCM, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, hu công nghệ sinh học Đồng Nai. Hiện, TP. Cần Thơ và tỉnh Hà Nam có đề án xin thành lập khu công nghệ cao và đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt.