Kịch bản "bế tắc" tại nhiệt điện khí Miền Trung 1 và 2

Nguyễn Cảnh - 11:33, 08/11/2022

TheLEADERDự án nhiệt điện khí Miền Trung 1 và 2 (tổng công suất 1.500MW) của PVN tiếp tục đối diện nguy cơ khó về đích đúng hẹn trước 2030.

Kịch bản "bế tắc" tại nhiệt điện khí Miền Trung 1 và 2
Dự án khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay, được phát hiện và tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015

LTS: Giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn cung điện quốc gia, nhưng những dự án nguồn điện trọng điểm trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại chậm trễ nhiều năm. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn cũng như việc chưa thể huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất – sinh hoạt. TheLEADER khởi đăng chuyên đề “Những quả đấm thép trong ngành điện” nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh phát triển các dự án nguồn điện lớn thuộc trách nhiệm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bài 7: Kịch bản "bế tắc" tại nhiệt điện khí Miền Trung 1 và 2

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là nhà sản xuất điện đứng thứ 2 của Việt Nam và là nhà sản xuất điện khí lớn nhất cả nước. 

Hiện PVN đang quản lý và vận hành 4 nhà máy điện khí, hai nhà máy điện than và hai nhà máy thuỷ điện với tổng công suất lắp đặt khoảng 5,4GW, tương đương 8% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia, chiếm 10-12% sản lượng điện quốc gia.

Trong danh mục các dự án nguồn điện trọng điểm (cả về quy mô, mức độ quan trọng trong cơ cấu nguồn điện) của PVN, ghi nhận nhiều trường hợp chậm (so với quy hoạch) và tiếp tục mông lung ngày về (do vấn đề đồng bộ chuỗi dự án, thỏa thuận bao tiêu nguồn nhiêu liệu…) như nhiệt điện miền Trung 1&2, Nhơn Trạch 3&4 và Sơn Mỹ 3. Tiêu biểu trong số này là nhà máy nhiệt điện miền Trung 1&2 với tổng công suất 1.500MW.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Nhiệt điện miền Trung 1&2 sẽ vận hành thương mại vào năm 2023 - 2024. Được triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi khí - điện Cá Voi Xanh, lần lượt các nhà máy miền Trung 1 và 2 sẽ vận hành dự kiến và quý IV/2023 và quý II/2024.

Đến nay, dự án này đã chậm tiến độ khoảng 4 năm so với quy hoạch (được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 11/2019). Từ 2 năm trước, chủ đầu tư đang dừng ở khâu trình Báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo chuyên ngành của dự án để thẩm duyệt.

Song song với việc triển khai dự án, PVN báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc chuyển giao chủ đầu tư dự án cho PV Power (Công ty CP Điện lực dầu khí miền Trung). 

Cụ thể, ngày 19/6/2020, PVN đã có công văn trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp về chấp thuận chuyển dự án cho PV Power làm chủ đầu tư dự án.

Một trong những khó khăn đeo đẳng nhiều năm qua của dự án, là đàm phán cung cấp khí phục vụ hoạt động
Một trong những khó khăn đeo đẳng nhiều năm qua của dự án, là đàm phán cung cấp khí phục vụ hoạt động

Nhiệt điện miền Trung 1&2 là các dự án hạ nguồn nằm trong chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, bao gồm thượng nguồn (mỏ khí Cá Voi Xanh), trung nguồn (đường ống) và hạ nguồn (nhà máy điện). Việc triển khai các dự án phải đồng bộ tiến độ, và có mối quan hệ cộng sinh theo chuỗi.

Một trong những khó khăn đeo đẳng nhiều năm qua của dự án là đàm phán cung cấp khí phục vụ hoạt động dự án – trực tiếp dẫn tới việc dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ. Đây cũng là lý do khiến Bộ Công thương đề xuất tiến độ dự án hoàn thành năm 2028 (đặt trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng mới đây).

Dự án điện tua-bin khí hỗn hợp Miền Trung 1&2 (gọi tắt là nhiệt điện Miền Trung 1&2) gồm 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng khí Cá Voi Xanh, nằm trong Khu kinh tế Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam. 

Dự án do PVN làm chủ đầu tư, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 36 - 38 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu PVN 30%, còn lại là vốn vay). Mục tiêu dự án là cung cấp nguồn điện cho hệ thống điện khu vực miền Trung và hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cung cấp điện cho hệ thống.

Dự án đưa ra giá bán điện khoảng 9,46 cents/kWh để đảm bảo suất sinh lời kỳ vọng của chủ đầu tư (giá mua khí tại năm vận hành 2023 ở khoảng 10,39 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh.

Phương án vốn vay dành cho dự án là vay tín dụng xuất khẩu nước ngoài ECA kết hợp vay thương mại trong và ngoài nước (gọi tắt là vay ECAs). Đây là phương án đưa ra tổng mức đầu tư cao nhất (so với vay thương mại trong nước và vay thương mại nước ngoài có bảo lãnh chính phủ).

Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh là một trong những dự án trọng điểm nhà nước và dấu khí cũng như dự án cấp bách của PVN đảm nhiệm nhiều năm qua. Chuỗi dự án này gồm các dự án thành phần.

Cụ thể, phần thượng nguồn, trung nguồn là dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh (bao gồm hệ thống khai thác khí ngoài khơi, đường ống vận chuyển khí về bờ và nhà máy xử lý khí trên bờ) thuộc PSC lô 117-119 do ExxonMobil là nhà điều hành cùng các bên tham gia góp vốn (PVN và PVEP).

Phần hạ nguồn gồm các nhà máy điện tại Quảng Nam (miền Trung 1&2, công suất 750MW/nhà máy do PVN là chủ đầu tư) và Quảng Ngãi (Dung Quất 1&3, công suất 750MW/nhà máy do EVN là chủ đầu tư và Dung Quất 2 công suất 750MW do Sembcorp là chủ đầu tư – hình thức BOT).

Chuỗi khí – điện Cá Voi Xanh dự kiến mang về trên 20 tỷ USD cho Chính phủ (không bao gồm điện) và trên 7 tỷ USD cho PVN/PVEP.

Tiến độ tổng thể của chuỗi khí – điện Cá Voi Xanh được xây dựng trên nguyên tắc đồng bộ từ các dự án thành phần, đảm bảo mục tiêu chuỗi dự án đi vào hoạt động từ 2023 (theo phê duyệt thời điểm có dòng khí đầu tiên của mỏ Cá Voi Xanh trong Kế hoạch phát triển mỏ Đại cương).

Hiện nay, PVN cho biết, tiến độ có dòng khí đầu tiên dự kiến chậm sau năm 2025.

Từ giữa năm 2022, PVN và ExxonMobil đã có các buổi làm việc nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho dự án, cũng như tiến độ gia hạn thỏa thuận khung bán khí (GSA HOA) thêm 2 năm theo đề xuất của ExxonMobil. 

Thời gian tới, PVN cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà điều hành trong xử lý thủ tục thuê, giao nhận đất phục vụ xây dựng các hạng mục thượng nguồn trên bờ, làm việc với các Bộ/ngành, địa phương để có hướng dẫn cụ thể cho công tác này.

Trong bối cảnh nhiều vướng mắc, tồn đọng liên quan đến thực hiện dự án, PVN kiến nghị hàng loạt nội dung tới Thủ tướng như: Thông qua công tác ngoại giao có ý kiến với nhà thầu ExxonMobil để tiếp tục tham gia và triển khai dự án Cá Voi Xanh theo tiến độ, đảm bảo dự án có dòng khí đầu tiên (First Gas) trong thời gian sớm nhất; Thông qua cơ chế đảm bảo tiêu thụ toàn bộ lượng khí cam kết theo hợp đồng mua bán khí nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của cả chuỗi dự án.

Đồng thời, PVN đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các nhà đầu tư (ExxonMobil, PVN) về hồ sơ thuê đất phục vụ dự án, thống nhất phương án sử dụng cảng Kỳ Hà để xuất sản phẩm condensate (là hỗn hợp hydrocarbon lỏng được tách từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên, được sử dụng chủ yếu cho sản xuất xăng nhiên liệu) của dự án mỏ Cá Voi Xanh.

Danh mục các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí gồm: Chuỗi dự án khí – điện lô B, Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh, Chuỗi dự án khí điện LNG Sơn Mỹ, Chuỗi dự án LNG Thị Vải, Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và Dự án khai thác nâng cấp dầu nặng Junin 2.

Bên cạnh đó, ghi nhận 8 dự án cấp bách của PVN (hàng tháng định kỳ PVN báo cáo Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về tình hình thực hiện, theo chỉ đạo của Bộ Công thương từ tháng 10/2016) gồm: Chuỗi dự án khí điện lô B, Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh, Chuỗi dự án khí điện LNG Sơn Mỹ, Chuỗi dự án LNG Thị Vải, Chuỗi dự án phát triển mỏ Cá Rồng Đỏ, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.