Kiến nghị áp thuế GTGT 5% cho dự án cải tạo chung cư cũ

Tiêu Phong - 10:06, 18/08/2017

TheLEADERCả nước hiện có khoảng hơn 3 triệu m2 sàn nhà ở chung cư cũ được xây trước năm 1991, tương đương khoảng 100.000 căn hộ, trong đó nhiều chung cư hư hỏng nặng, cần di dời gấp.

Kiến nghị áp thuế GTGT 5% cho dự án cải tạo chung cư cũ
Khu chung cư A, B Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ảnh: Hải Linh/Kinh tế đô thị

Để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế GTGT ở mức 5% tương tự như ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội. 

Từ ngày 1/1/2009, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 và các văn bản hướng dẫn không quy định ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. 

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2014 trở đi có bổ sung quy định áp dụng thuế suất 10% đối với “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định".

Tại khoản 7 Điều 20 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP quy định việc giải quyết những tồn tại về thuế, quyết toán thuế, miễn, giảm thuế trước ngày 01/01/2009 được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế TNDN, pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. 

Như vậy, theo quy định về thuế TNDN hiện hành thì hoạt động cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là hoạt động không được ưu đãi thuế TNDN. 

Thực tế thực hiện cho thấy sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP, một số địa phương đã tổ chức ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền và lập kế hoạch triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế so với mục tiêu đề ra. 

Việc không đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như: 

Thứ nhất, các khối chung cư cũ thường đặt tại vị trí trung tâm thành phố do đó phương án cải tạo, xây dựng lại bị hạn chế, không cho phép đầu tư cao tầng nên không đảm bảo hiệu quả đầu tư; 

Thứ hai, Ủy ban nhân dân các cấp không thực hiện công tác lập quy hoạch cải tạo theo quy định của Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP mà giao chủ đầu tư tiến hành nên các chủ sở hữu căn hộ thiếu tin tưởng về tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư và không đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ; 

Thứ ba, năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu nên không đảm bảo tiến độ mà một số dự án đã đề ra; 

Thứ tư, một số địa phương có nhu cầu nhà ở chung cư thấp nên chưa thu hút nhà đầu tư tham gia;

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế chưa được triển khai triệt để nên cũng là một nguyên nhân khó thu hút nhà đầu tư. 

Qua công tác quản lý thu thuế thời gian qua, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện giải pháp tài chính và đất đai theo Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ. 

Vì vậy, để góp phần thúc đẩy hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nâng cao đời sống cho người dân, cần trình Quốc hội cho bổ sung quy định phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước đã bán cho người đang thuê (Nghị định số 61-CP ngày 5/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở), bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% tương tự như đang áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện hành. 

Dự thảo luật cũng quy định, doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập của từng dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để làm căn cứ hưởng ưu đãi thuế.

Theo HoREA, đề xuất trên của dự thảo luật là phù hợp, đồng thời HoREA cũng kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế GTGT ở mức 5% tương tự như ưu đãi thuế GTGT đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Báo cáo của các địa phương gửi Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 3 triệu m2 sàn nhà ở chung cư cũ được xây trước năm 1991, tương đương khoảng 100.000 căn hộ. 

Trong đó có hơn 200 khối nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM. Chỉ tính riêng tại TP. HCM, hiện có 474 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1975, nhiều chung cư đã hư hỏng nặng cần di dời gấp như: chung cư 11 Võ Văn Tần, 128 Hai Bà Trưng, 440 Trần Hưng Đạo…

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng.