Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền trong ngành năng lượng

Nguyễn Cảnh - 09:06, 02/03/2023

TheLEADERĐây là một trong những nội dung quan trọng nêu trong đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 vừa được phê duyệt.

Một trong những mục tiêu tổng quát của đề án là tái cơ cấu ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Đề án hướng tới tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành công thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.

Cụ thể, đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030. Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm; duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13 - 13,5%/năm.

Đề án cũng đề ra các nội dung về tái cơ cấu ngành công nghiệp; tái cơ cấu ngành năng lượng; tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu; tái cơ cấu thị trường trong nước; hội nhập kinh tế quốc tế.

Về tái cơ cấu ngành năng lượng, đề án nêu vấn đề khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 105 - 115 triệu TOE.

Đáng chú ý, đề án đề cập tới việc hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp. "Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng", đề án nêu rõ.

Bên cạnh đó, sẽ cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng. Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các loại năng lượng sạch mới; đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% năm 2030.

Riêng với ngành điện cũng được yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện.

Về tái cơ cấu ngành công nghiệp, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5 - 9%/năm.

Tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các-bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Với các ngành công nghiệp công nghệ cao, Đề án ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao.

Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, là mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA)...