Kinh tế tuần hoàn: Đề xuất của những doanh nghiệp tiên phong

Phạm Sơn - 10:38, 18/10/2021

TheLEADERQuy định về kinh tế tuần hoàn cần ban hành sớm, có cơ chế khuyến khích rõ ràng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, tạo ra thay đổi thực chất.

Kinh tế tuần hoàn: Đề xuất của những doanh nghiệp tiên phong
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững Heineken Việt Nam.

Năm 2019, 9 tập đoàn hàng đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), được xem như một mô hình sơ khai của tổ chức thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với ngành hàng bao bì.

Hiện nay, PRO Việt Nam đã có 19 thành viên, với nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bên cạnh các thành viên PRO, một số doanh nghiệp lớn khác như Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, BAT Việt Nam cũng rất tích cực tuần hoàn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Heineken Việt Nam là một doanh nghiệp điển hình trong tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững Heineken Việt Nam cho biết, tính đến hiện tại, doanh nghiệp này đã tái chế, tái sử dụng được 99,7% phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất.

Tỷ lệ này đạt được nhờ những chính sách sáng tạo của đội ngũ Heineken Việt Nam, có thể kể đến như chương trình thu nắp chai bia để xây cầu tại các địa phương khó khăn; sử dụng nhiên liệu sinh khối làm từ mùn cưa, vỏ trấu…

Một ví dụ khác về sự tích cực và tiên phong trong triển khai kinh tế tuần hoàn là Coca Cola Việt Nam, thành viên sáng lập của PRO Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Coca Cola Việt Nam cho biết, thông qua 3 trụ cột là thiết kế; thu gom; đối tác, tập đoàn nước giải khát này đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực và đem lại kết quả tương đối khả quan.

Hiện tại, cùng chung mục tiêu với PRO Việt Nam, Coca Cola hướng đến năm 2030 sẽ tái chế 100% bao bì được sử dụng, đồng thời cam kết bù hoàn 100% nước sạch, giảm sử dụng nguyên nhiên liệu gây ra phát thải nhà kính…

Kinh tế tuần hoàn: Đề xuất của những doanh nghiệp tiên phong 1
Sử dụng chai nhựa trong thay cho chai nhựa màu là giải pháp nâng cao khả năng tái chế bao bì của Coca Cola.

Tiên phong đón gió

Là một trong những tập đoàn tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn, theo bà Mỹ, Heineken Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi “chính sách luôn đi sau một chút” so với câu chuyện thực tế của doanh nghiệp.

Đại diện hãng bia hàng đầu Việt Nam lấy ví dụ về việc mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất, rất trông chờ vào cơ chế thí điểm bán điện trực tiếp (DPPA), tuy nhiên cơ chế này vẫn liên tục bị trì hoãn.

Một ví dụ khác là vấn đề tái sử dụng nước thải, dù đã có một số tín hiệu khả quan thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhưng vẫn gặp khó khăn khi triển khai cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng nước thải ở quy mô khu công nghiệp.

Đồng quan điểm về khó khăn do chính sách, theo đại diện Coca Cola Việt Nam, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp còn gặp cản trở do sự thiếu đồng bộ về tuần hoàn tài nguyên, cụ thể là ở những mắt xích còn rất yếu như thiết kế sản phẩm và thu gom, phân loại rác thải.

Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cũng là điểm nghẽn, gây cản trở rất nhiều đến hoạt động thu gom và tái chế.

Đối với tập đoàn BAT Việt Nam, thách thức khi triển khai kinh tế tuần hoàn nằm ở việc khả năng của một số nhà cung ứng trong nước còn hạn chế, chưa đủ để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thân thiện môi trường cho nguyên vật liệu đầu vào của tập đoàn. Hiện tại, BAT đang tích cực hỗ trợ các đối tác, mở rộng ra cả đối với người tiêu dùng để xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn.

Cơ chế mở để doanh nghiệp “bay cao”

Năng lực của doanh nghiệp là yếu tố cần phải cân nhắc khi ban hành quy định mới, tuy nhiên theo bà Mỹ, Nhà nước cần mạnh dạn mở ra những quy định mới, đi kèm với đó là cơ chế ưu tiên để khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, thay đổi, thay vì cứ “tự hạn chế mình”.

“Chính sách nên mở và khuyến khích thay vì cứ đóng và hạn chế, sẽ rất khó cho doanh nghiệp tạo ra sự thay đổi”, Giám đốc phát triển bền vững Heineken Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện tại, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, trong đó có quy định mang tính bước ngoặt đối với kinh tế tuần hoàn là công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh sự xuất hiện của công cụ EPR ở Việt Nam, với kỳ vọng mở ra cơ chế mới để nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế, quản lý hiệu quả chất thải rắn và phát triển thành công thị trường nguyên vật liệu, sản phẩm thứ cấp.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đặt ra nhiều băn khoăn đối với việc thực thi công cụ EPR làm sao để đảm bảo tính công bằng, tránh tăng chi phí bất hợp lý gây ra áp lực lên doanh nghiệp và người tiêu dùng…

Kinh tế tuần hoàn: Đề xuất của những doanh nghiệp tiên phong 3
Ông Fausto Tazzi, CEO La Vie, Phó chủ tịch PRO Việt Nam. Ảnh: VNE.

Về điều này, ông Fausto Tazzi, Phó giám đốc PRO Việt Nam đề nghị cần phải cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm áp dụng công cụ EPR, cân nhắc tới vấn đề chi phí nguyên vật liệu đầu vào cũng như sức khỏe của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm với ông Tazzi, bà Mỹ đưa ra ý kiến, chính sách về EPR nên được thiết kế linh hoạt sao cho “doanh nghiệp được thoải mái sáng tạo”, như vậy mới phát huy được hết tiềm năng của doanh nghiệp, tránh đội chi phí không đáng có.