Kỷ lục thay Chủ tịch ngân hàng trong 2 tháng của Eximbank

Trần Anh - 14:43, 23/05/2019

TheLEADERTừ ngày 22/3 đến 22/5, 4 cá nhân khác nhau được công bố nắm quyền Chủ tịch HĐQT của Eximbank do bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng trong việc bầu người nắm giữ vị trí quan trọng này.

Hôm qua (22/5), Eximbank thông báo, Hội đồng quản trị (HĐQT) của ngân hàng đã ban hành nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc. Đồng thời, bầu ông Cao Xuân Ninh – Thành viên HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kì 2015 – 2020 thay cho ông Lê Minh Quốc.

Việc ông Ninh được bổ nhiệm chính thức lên ‘ghế nóng’ tại Eximbank được kỳ vọng kết thúc những bất ổn nội bộ của ngân hàng này khi chỉ trong vòng 2 tháng qua, vị trí chủ tịch ngân hàng đã liên tục đổi chủ.

Trước đó, vào ngày 22/3, Eximbank công bố bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng từ năm 2015.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc không đồng ý với quyết định này và đã gửi đơn kiện lên tòa án. Ngày 27/3, TAND TP.HCM ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Đến ngày 14/5, ông Lê Minh Quốc có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện, Tòa án sau đó tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch HĐQT của Eximbank.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Eximbank công bố quyết định với chữ ký của ông Lê Minh Quốc hủy Nghị quyết số 112 về việc bầu bà Tú làm chủ tịch HĐQT. Điều này đồng nghĩa với việc ông Lê Minh Quốc lại trở lại làm chủ tịch ngân hàng Eximbank.

Cùng lúc với việc hủy bỏ quyết định bầu bà Tú, ông Quốc cũng làm đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch ngân hàng. Đúng một tuần sau, Eximbank công bố ông Cao Xuân Ninh được bầu thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng thay ông Quốc. 

Ông Cao Xuân Ninh, sinh năm 1962, tham gia vào HĐQT của Eximbank từ năm 2015. Ông Ninh từng có thời kỳ làm Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM. Trước đó, ông Ninh làm việc nhiều năm tại Vietcombank.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ ngày 22/3, vị trí Chủ tịch ngân hàng Eximbank lần lượt trong tay ông Lê Minh Quốc, bà Lê Thị Cẩm Tú, lại trở về tay ông Quốc và cuối cùng là đến ông Cao Xuân Ninh. Ngoài ra, trước khi từ nhiệm, ông Quốc còn ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng, một thành viên HĐQT của Eximbank thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT.

Việc một vị trí quan trọng là chủ tịch ngân hàng liên tục đổi chủ cho thấy những bất ổn trong nội bộ của ngân hàng này, đặc biệt là giữa các nhóm cổ đông lớn. Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm triệu cổ phiếu (đại diện cho hàng chục % cổ phần) của Eximbank đã được chuyển nhượng trong thời vài tháng qua dẫn đến những thay đổi lớn về sở hữu tại ngân hàng này.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Eximbank là SMBC (Nhật Bản) nắm 15% vốn, hai quỹ đầu tư nước ngoài khác sở hữu gần 10% cổ phần của Eximbank. Các cổ đông trong nước của ngân hàng này phân tán ra nhiều nhóm khác nhau và liên tục thay đổi thời gian qua và cả các cổ đông mới.

Cuối tháng trước, truyền thông đưa tin ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện pháp luật của Tập đoàn Thành Công, doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai tại Ninh Bình, cho biết mình sở hữu đông sở hữu 60,54 triệu cổ phần Eximbank, tương 4,9% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, trong văn bản kiến nghị gửi đến HĐQT Eximbank, ông Tuấn cho hay bản thân còn được ông Nguyễn Tiến Dũng – cổ đông sở hữu 54,97 triệu cổ phần EIB, tương đương 4,45% vốn điều lệ Eximbank; và Hợp tác xã cổ phần Thành Công, cổ đông sở hữu 44,72 triệu cổ phần EIB, tương đương 3,62% vốn điều lệ của Eximbank, ủy quyền toàn bộ quyền của cổ đông. Như vậy, ông Tuấn đại diện gần 13% vốn điều lệ EximBank.

Tuy việc, dường như việc sở hữu cổ phần chưa đủ 6 tháng theo quy định, đại diện của Tập đoàn Thành Công chưa thể xuất hiện ở Eximbank.