Lab2Market mùa 2: Đồng hành để tiến xa hơn trên con đường khởi nghiệp

10:49, 10/01/2023

TheLEADERVề nước sau nhiều năm trong ngành robotic ở nước ngoài, TS Võ Gia Lộc đã tạo ra sản phẩm tay kẹp robot có nhiều ưu điểm nổi bật so với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Tuy vậy, từ khi anh hoàn thiện sản phẩm cho đến khi ra được những đơn hàng đầu tiên là một hành trình rất dài. Và Lab2Market đã đồng hành sâu sát cùng anh trên con đường đó.

Hầu hết các startup đều gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định trong quá trình khởi nghiệp, như: vốn, mô hình kinh doanh công nghệ cho đến cách tiếp cận thị trường... Và những khó khăn đó cũng không hề loại trừ các nhà khoa học đang trong quá trình khởi nghiệp.

Nhìn nhận được những vấn đề đó, Lab2Market đã tạo ra một hệ sinh thái nhằm giúp đỡ các nhà khoa học chuyển hóa những nghiên cứu, ý tưởng có hàm lượng tri thức cao thành những sản phẩm thực tế có thể thương mại hóa, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho những người làm khoa học và những giá trị chung cho cộng đồng.

Bước ra khỏi vùng an toàn

Với sứ mệnh của mình, Lab2Market mùa 2 tiếp tục thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều dự án khởi nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều dự án tại chương trình đã đăng ký và được cấp bằng sáng chế - một trong những bằng chứng đảm bảo về chất lượng công nghệ của những sản phẩm này.

Sau 3 tháng với 6 buổi đào tạo bootcamp chuyên sâu về các chủ đề thương mại hóa, 50 buổi kết nối với các huấn luyện viên, cố vấn của chương trình, Lab2Market đã tuyển chọn được 5 dự án vào giai đoạn 2. Trong đó có 4 dự án đến từ các startup Việt Nam và 1 dự án đến từ Singapore.

5 dự án đó là: dự án tay kẹp robot APICOO, dự án chất xúc tác xử lý khí thải CLEAN CAT, dự án giải pháp đóng hàng bằng công nghệ in 3D KINPIJO, dự án sản xuất nguyên liệu mới từ lá dứa bỏ đi ECOFA và dự án cung cấp phần mềm hướng nghiệp cho sinh viên KINOBI.

Điển hình, dự án tay kẹp robot APICOO của TS. Võ Gia Lộc là một dự án sử dụng công nghệ đặc thù - hấp dẫn nhưng lại rất thách thức trong việc thương mại hóa. Theo các chuyên gia của Lab2Market, mặc dù đây là một công nghệ có thể đi được đường xa, một loại công nghệ lõi (core-tech), nhưng lại rất khó để áp dụng được ngay bởi đây là một công nghệ của tương lai. Vì vậy, mặc dù có rất nhiều chuỗi doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nhìn thấy sự hấp dẫn của công nghệ này nhưng lại chưa thể dùng được.

Lab2Market mùa 2: Đồng hành để tiến xa hơn trên con đường khởi nghiệp
TS. Võ Gia Lộc (ngồi giữa) là chủ nhiệm dự án tay kẹp robot APICOO (Ảnh: BK Holdings)

Trong khi đó, dự án CLEAN CAT của Giáo sư Lê Minh Thắng lại gây ấn tượng với những người tham gia chương trình với khả năng hấp thụ 90% các khí thải trong nhà máy với giá thành rẻ, góp phần bảo vệ môi trường. Mặc dù rất có tiềm năng phát triển, sau một thời gian dài thành lập, trước khi tham gia chương trình, CLEAN CAT mới chỉ cung cấp được những sản phẩm theo dạng đơn đặt hàng chứ chưa thể thương mại hóa do thiếu vốn và thiếu định hướng tiếp cận thị trường thích hợp….

Vậy điểm chung của những dự án đó là gì? Đó là những dự án thực sự chất lượng và đem lại giá trị lớn cho xã hội. Và với sự thôi thúc đem những giá trị đó ra ngoài ánh sáng, các nhà khoa học như TS. Lộc, Giáo sư Thắng đã từ bỏ những công việc với mức lương cao, vị trí tốt, an toàn để đi ra khỏi phòng lab và thành lập doanh nghiệp của riêng mình.

Nói về sự can đảm đặc biệt đó, sau quá trình 3 tháng đồng hành cùng dự án CLEAN CAT, TS. Ramesh Ramachandra, Giám đốc điều hành Impact Velocity, bày tỏ: “Tôi rất vui mừng khi giáo sư Thắng đã đặt những bước chân đầu tiên vào hoạt động khởi nghiệp khi quyết định mở một công ty chứ không chỉ là tìm cách để chuyển giao công nghệ. Tôi nghĩ đó là phần khó nhất trên con đường đưa chúng ta trở thành một doanh nhân. Giống như khi chúng ta quan sát một trận bóng đá, chúng ta chỉ có thể bình luận về nó. Trong khi đó, nếu chúng ta tham gia vào trận đấu, chúng ta sẽ có cơ hội ghi bàn thắng. Chúc mừng chị. Hiện tại chị có thể bán được 3 sản phẩm/tháng. Trong tương lai, sớm thôi, chị có thể bán được 10 sản phẩm/tháng và sẽ phát triển xa hơn nữa trong hoạt động kinh doanh”.

Theo TS. Ramesh, quyết định kinh doanh là quyết định thử thách nhất đối với những nhà khoa học. Bởi sẽ thật thoải mái với những người làm khoa học nếu họ chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhưng họ sẽ phải chịu trách nhiệm và nhận những hậu quả trực tiếp khi họ đưa ra một quyết định sai lầm trong quá trình kinh doanh.

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Hiểu được những nhu cầu và thiếu sót về kiến thức kinh doanh của các nhà khoa học trong quá trình khởi nghiệp, Lab2Market đã tạo ra một hệ sinh thái, giúp cho các dự án giải quyết những vấn đề đầu vào và đầu ra.

Cụ thể, trong hệ sinh thái của Lab2Market, BK Fund là đối tác giải quyết vấn đề đầu vào về vốn. Các tổ chức nhà nước như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Bộ KH&CN sẽ giúp starts up giải quyết về vấn đề thị trường. Ngoài ra, trong mạng lưới của Lab2Market còn có hơn 30 trường đại học trọng điểm khác, có thể giúp startups có được những tài sản trí tuệ từ những góc cạnh khác nhau.

Với sức mạnh tập thể, Lab2Market cũng vận dụng sức mạnh đa chiều trong hoạt động giao tiếp giữa các nhóm, giúp các dự án lấp đầy những khoảng trống về kiến thức cũng như kỹ năng, tư duy liên quan đến kinh doanh. Cụ thể, hoạt động huấn luyện của Lab2Market có khoảng hơn 20% chủ đề được đào tạo tập trung, hơn 70% các hoạt động cố vấn và huấn luyện chuyên biệt và gần 10% là những chương trình thúc đẩy sự học hỏi lẫn nhau giữa các nhóm. Ngoài ra, trong hệ sinh thái còn có hơn 50 cố vấn, huấn luyện viên ở các ngành khác nhau sẽ phân bổ nguồn lực và hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm.

Với sức mạnh hợp tác to lớn đó, sau 3 tháng đồng hành cùng Lab2Market, các dự án đã thu được nhiều kết quả nổi bật:

Cụ thể, ngoài những kiến thức về tài chính và mô hình kinh doanh, dự án APICOO đã thu được những đồng vốn và những đơn hàng đầu tiên sau khi tham gia chương trình. Dự án CLEAN CAT đang cung cấp 3 sản phẩm/tháng với đơn giá 3.000 USD/sản phẩm và dự kiến sẽ có dòng tiền ổn định trong thời gian tới. Dự án ECOFA đã nâng sản lượng đàm phán với khách hàng từ 5 tấn lên con số 20 tấn và 50 tấn.

Trong khi đó, dự án KINPIJO đã hoàn thiện được nhiều mặt, nhất là trên phương diện tiếp cận thị trường và cách thức kinh doanh, qua đó nâng cao doanh thu hiện tại của doanh nghiệp. Và cuối cùng, dự án khởi nghiệp KINOBI từ Singapore đã kết nối được với 22 trường đại học của Việt Nam thông qua mạng lưới của BK Holdings, đặc biệt 3 trường trong số đó đã ký kết và tiến hành thanh toán cho KINOBI.

Lab2Market mùa 2: Đồng hành để tiến xa hơn trên con đường khởi nghiệp 1
GS. Lê Minh Thắng phát biểu về dự án CLEAN CAT (Ảnh: BK Holdings)

Bày tỏ cảm nghĩ về hành trình khởi nghiệp vừa qua, GS. Lê Minh Thắng, chủ nhiệm dự án CLEAN CAT cho biết: “Với con mắt của những nhà khoa học, trước đây, chúng tôi hoàn toàn không nắm bắt được những kiến thức về kinh doanh. Qua chương trình, chúng tôi đã có những tư duy về kinh doanh tốt hơn và có những hình dung về các mô hình kinh doanh, kế hoạch tài chính để cho một dự án có thể phát triển ra thị trường. Chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều sự đồng hành của các mentor về những kiến thức đó, cũng như là tìm được đội ngũ phù hợp với mình”.

Với sự đồng hành và hợp tác, chia sẻ như vậy, chắc chắn những dự án khởi nghiệp của Lab2Market sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa, từ đó trở thành những người tiên phong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các trường đại học nói riêng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung.