Lãnh đạo MB, VPBank, TPBank lên tiếng về khoản vay của Novaland

Trần Anh - 16:41, 27/04/2023

TheLEADERTại ĐHCĐ năm nay, câu hỏi thường trực mà cổ đông dành cho ban lãnh đạo nhiều ngân hàng là quy mô nợ của Novaland, cũng như khả năng chuyển nhóm nợ của các khoản vay này.

Tại ĐHCĐ Ngân hàng Quân Đội (MB) diễn ra mới đây, sức nóng đến từ phiên thảo luận khi các cổ đông tập trung hỏi lãnh đạo ngân hàng về các khoản vay tới nhóm khách hàng doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là Novaland. Nhiều cổ đông lo ngại về quy mô nợ của Novaland tại MB, cũng như khả năng bị chuyển nhóm nợ của các khoản vay này.

Đáp lại, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, Novaland là đối tác lớn với nhiều bên, MB là một trong những ngân hàng cho vay và phát hành trái phiếu. Mặc dù vậy, toàn bộ các dự án của Novaland đều được MB quản lý dòng tiền trên tài khoản tới tận nhà thầu và khách hàng.

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, khó khăn không riêng với những doanh nghiệp lớn như Novaland mà toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vướng mắc pháp lý, không phải là tài chính. Thậm chí có những doanh nghiệp riêng bước mở bán mà thủ tục cũng kéo dài tới vài năm.

Với Novaland, ông Thái khẳng định tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông lo ngại. "Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không phát sinh nợ xấu cho năm nay", ông Thái khẳng định trước các cổ đông.

Không chỉ riêng tại ĐHCĐ MB, câu hỏi về dư nợ Novaland được cổ đông đặt ra với lãnh đạo nhiều ngân hàng khác. Tại Đại hội cổ đông của TPBank, các cổ đông lo ngại việc TPBank rót vốn cho Novaland vào dự án The Grand Manhattan, tại Quận 1, TP.HCM, cùng với đề nghị cung cấp thông tin về dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản này.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, kể cả khi dự án The Grand Manhattan giảm giá xuống đến mức tối đa của thị trường thì Novaland "vẫn thừa khả năng trả nợ".

Về việc cấp tín dụng cho dự án của Novaland, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, đây là 1 trong 7 dự án của UBND TP HCM ưu tiên tháo gỡ. Đến nay, duy nhất dự án này đã được tháo gỡ pháp lý và đã hoàn thành phần cất nóc, cũng như triển khai kinh doanh tiếp.

Về chủ trương, ông Hưng cho biết TPBank chỉ tài trợ cho các dự án còn xây dựng và hoàn thiện. Phần phải thu của những khách hàng đã mua nhà đủ để trả nợ cho ngân hàng, kể cả dư nợ cũ lẫn phần tài trợ thêm vốn lưu động để hoàn thiện tiếp công trình.

Đối với trái phiếu, ông Hưng khẳng định TPBank không sở hữu trái phiếu nào của Novaland.

Tương tự, tại ĐHCĐ VPBank, Tổng giám đốc ngân hàng Nguyễn Đức Vinh cũng chia sẻ với cổ đông về các khoản vay cho Novaland. Ông Vinh cho biết, dư nợ gốc và lãi trái phiếu của Novaland tại VPBank hiện không đáng kể.

Lãnh đạo VPBank thừa nhận Novaland đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, song dòng tiền cho vay khách hàng cá nhân mua dự án của doanh nghiệp này vẫn đáp ứng nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Từ nay cho đến cuối năm, chúng tôi không có sức ép về chuyển nợ xấu đối với trái phiếu của Novaland”, CEO VPBank nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng việc cấu trúc lại nợ cho Novaland là yêu cầu cấp thiết. VPBank cũng đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp, có thể là chuyển nhượng dự án, đóng dần một số khoản nợ với doanh nghiệp này.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Novaland, công ty kiểm toán PwC Việt Nam cho rằng có yếu tố dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland nhưng doanh nghiệp khẳng định "đủ nguồn vốn lưu động và có thể đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong 12 tháng tới".

Tính đến cuối năm 2022, Novaland có tổng tài sản hơn 257.700 tỷ đồng và nợ vay ngắn hạn hơn 29.000 tỷ đồng, nợ vay dài hạn hơn 35.600 tỷ đồng. Trong đó riêng các khoản trái phiếu đáo hạn trong 12 tháng tới là hơn 20.000 tỷ đồng.