Liên doanh BCG Energy – SP Group nhận 31,5 triệu USD

Hứa Phương - 08:55, 06/04/2023

TheLEADERKhoản vay hợp vốn 31,5 triệu USD mà ba ngân hàng của Singapore là DBS, OCBC và UOB giải ngân cho BCG - SP Solar 1 sẽ được dùng để tài trợ các dự án điện mặt trời áp mái.

Ngày 30/3, Công ty Cổ phần BCG – SP Solar 1 công bố đã nhận được khoản giải ngân 31,5 triệu USD trong tổng hạn mức tín dụng lên đến 50 triệu USD của ba ngân hàng Singapore là DBS Bank Limited (DBS), Oversea Chinese Banking Corporation (OCBC) và United Overseas Bank Limited (UOB). Đây là công ty con của BCG - SP Greensky, liên doanh giữa tập đoàn SP Group (Singapore) và BCG Energy (Việt Nam).

Ngân hàng Phát triển Singapore rót 31,5 triệu USD vào BCG Energy – SP Group
Khoản vay sẽ được BCG - SP Solar 1 dùng để tài trợ các dự án điện mặt trời áp mái

Khoản vay hợp vốn 31,5 triệu USD mà ba ngân hàng Singapore giải ngân cho BCG - SP Solar 1 được dùng để tài trợ các dự án điện mặt trời áp mái. BCG - SP Solar 1 và ba ngân hàng đang tiếp tục thương thảo để giải ngân phần còn lại trong gói tín dụng 50 triệu USD.

Theo đại diện của BCG Energy, với lãi suất tốt cùng kỳ hạn phù hợp hơn với các dự án năng lượng mặt trời áp mái của khoản vay hợp vốn sẽ giúp liên doanh củng cố cơ cấu tài chính, hạ khung lãi suất đầu tư điện mặt trời áp mái giảm xuống đáng kể.

Ông Khoa Phan, Tổng giám đốc của Liên doanh BCG - SP Greensky cho biết, việc BCG - SP Solar 1 được DBS, OCBC và UOB giải ngân 31,5 triệu USD đã chứng minh sự tin tưởng của các tổ chức tài chính cho uy tín, nền tảng kinh doanh vững chắc và hồ sơ tín dụng lành mạnh của BCG Energy và SP Group.

“Chúng tôi sẽ sử dụng khoản vay để củng cố cơ cấu tài chính và tài trợ các dự án điện mặt trời áp mái của liên doanh nhằm đóng góp chung vào mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Phan nói thêm.

Những biến động trên thị trường trái phiếu thời gian qua, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ, tỷ giá căng thẳng, lãi suất tăng cao,… đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, bế tắc trong công tác huy động vốn.

Ngoài việc xoay sở với các kênh huy động truyền thống trong nước (tín dụng ngân hàng, cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp) các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận dòng vốn quốc tế với lãi suất rẻ sẽ tạo được lợi thế để tăng tốc trên thị trường, cũng như khẳng định được năng lực quản lý tài chính và huy động vốn của doanh nghiệp mình.

Phó chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital kiêm Tổng giám đốc BCG Energy Phạm Minh Tuấn cho rằngviệc liên doanh BCG – SP Greensky đàm phán thành công gói vay hợp vốn với DBS, OCBC và UOB lần này là tín hiệu tích cực cho thấy đội ngũ lãnh đạo trẻ do BCG Energy đào tạo đã đủ “độ chín”, chuyên nghiệp.

Gần đây, Tập đoàn Bamboo Capital đang thay đổi mô hình quản trị, theo đó, lãnh đạo trẻ tại công ty thành viên được trao quyền nhiều hơn để chủ động trong các quyết định quản lý và điều hành.

Với khả năng quản lý tài chính tốt, năng lực triển khai dự án và huy động nguồn vốn quốc tế, Tập đoàn Bamboo Capital đang cho thấy lợi thế của mình trong bối cảnh thị trường chung khó khăn và lãi suất trong nước tăng cao.

Sau khi trở thành đối tác chiến lược vào giữa năm 2021, BCG Energy và SP Group đã cùng thành lập liên doanh mang tên BCG – Greensky để phát triển các dự án năng lượng mặt trời áp mái và các dự án năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam.

Đến nay, liên doanh này đã đưa vào hoạt động 71 MW điện mặt trời áp mái. Kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025 của BCG - SP Greensky là phát triển ít nhất 500 MW điện mặt trời áp mái, hướng đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu trong phát triển thị trường điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.