Lộc Trời được cấp gói tín dụng 90 triệu USD sau khi lỗ 327 tỷ đồng

Trần Anh - 11:20, 03/11/2023

TheLEADERBất chấp hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn và lỗ lớn trong quý 3, Lộc Trời vẫn huy động được nguồn vốn ngoại nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) vừa trao Ý định thư về thu xếp gói thỏa thuận tín dụng trị giá 90 triệu USD cho Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời). Đây là khoản vay cấp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế về bảo vệ môi trường, ổn định xã hội và quản trị minh bạch (ESG).

Với nguồn tài trợ 90 triệu USD này, Lộc Trời cho biết sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm cả các đối tác trong chuỗi cung ứng, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng môi trường nông thôn đáng sống.

Khoản vay đến trong bối cảnh tình hình tài chính của Lộc Trời gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với khoản lỗ ròng 327 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 3 của Lộc Trời đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh gần gấp đôi cùng kỳ kéo lãi gộp giảm 69% còn 152 tỷ đồng, biên lãi gộp chỉ vỏn vẹn 3% so với mức 18% cùng kỳ năm trước.

Trong khi hoạt động kinh doanh gần như hòa vốn, chi phí tài chính tăng mạnh khiến Lộc Trời lỗ sâu. Chi phí tài chính khi tăng gần 1,5 lần lên 268 tỷ đồng, trong đó phần lớn do chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái.

Kết quả, Lộc Trời lỗ ròng 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý. Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân lỗ sâu do biến động tài chính và tỷ giá ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Trong quý 2 liền trước, Lộc Trời ghi nhận khoản lãi cao nhất lịch sử đạt 426 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi này đa phần đến từ việc ghi nhận lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần 330 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Lộc Trời đạt doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Mảng lương thực – lúa gạo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty với gần 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp chỉ khoảng gần 3%. Thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 1.700 tỷ đồng vào doanh thu, nhưng biên lợi nhuận gộp cao hơn nhiều, ở mức 43%.

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận của công ty chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ và còn kém xa chỉ tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng cho năm 2023.

Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tổng tài sản của Lộc Trời đạt hơn 12.181 tỷ đồng, tăng 3.450 tỷ so với đầu năm.

Nợ phải trả của Lộc Trời cũng tăng vọt 63% so với đầu năm lên mức hơn 9.100 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi lên gần 7.500 tỷ đồng, chủ yếu là vay tín chấp từ các ngân hàng.

Mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Lộc Trời chưa cho thấy hiệu quả về mặt kinh doanh khi giá vốn luôn ở mức cao, đẩy tỷ suất lợi nhuận gộp giảm sâu. Thêm vào đó là chi phí lãi vay cao khiến công ty khó có lợi nhuận.

Mặc dù vậy, việc theo đuổi mô hình bền vững lại là cơ sở để Lộc Trời huy động được nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài.

Cuối năm ngoái, 7 ngân hàng trong và ngoài nước cấp tín dụng hợp vốn với hạn mức 100 triệu USD trong thời hạn 3 năm cho Tập đoàn Lộc Trời để bổ sung vốn đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung cho các đơn hàng trong thời gian tới.

Đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Kasikornbank, Ngân hàng First Commercial Bank (FCB), Agricultural Bank Of China Limited, China Construction Bank Corporation, CTBC Bank, E.SUN Commercial Bank.

Gói tín dụng mức 100 triệu USD được giải ngân thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp của tập đoàn cho các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, tổ sản xuất và bà con nông dân liên kết với Lộc Trời.