Lợi nhuận khiêm tốn của VPS so với các công ty chứng khoán lớn

Trần Anh - 10:58, 23/07/2021

TheLEADERVPS gần đây trở thành công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất thị trường nhưng lợi nhuận mà công ty đạt được thấp hơn nhiều so với các công ty chứng khoán lớn khác như TCBS, SSI hay HSC.

Từ quý I/2021, Công ty chứng khoán VPS đã vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới tại cả 2 sàn HNX và HOSE, qua đó phá bỏ vị thế dẫn đầu của SSI lần đầu tiên sau nhiều năm. Trong quý gần nhất, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền bảo đảm với thị phần 16,4%.

Nhờ gia tăng thị phần, doanh thu hoạt động của VPS trong kỳ đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong quý II, cao hơn doanh thu của SSI. Doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ vào doanh thu môi giới trong quý đạt hơn 746 tỷ đồng, gấp gần 6 lần thực hiện cùng kỳ năm trước. Lãi cho vay và phải thu tăng gần 4 lần đạt 199 tỷ đồng; lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng lên 947 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh mở rộng quy mô cũng khiến chi phí của VPS cũng tăng 147% lên gần 1.660 tỷ đồng. Trong đó, chi phí môi giới chứng khoán gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt hơn 580 tỷ đồng.

Mặt khác, VPS ghi nhận lỗ từ tài sản FVTPL gấp 2 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 982 tỷ đồng mà không công bố chi tiết danh mục cổ phiếu, trái phiếu nắm giữ. Cộng thêm chi phí hoạt động tự doanh hơn 82 tỷ đồng, ước tính VPS ghi nhận lỗ ròng hơn 117 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh các tài sản tài chính.

Tương tự như các công ty chứng khoán khác, quy mô cho vay ký quỹ (margin) của VPS cũng được đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Dư nợ cho vay margin đến cuối quý 2 đạt gần 7.400 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với đầu năm. Tuy nhiên, quy mô cho vay ký quỹ của VPS hiện thấp hơn nhiều công ty chứng khoán khác như SSI, Mirae Asset, HSC, VNDS và TCBS.

Để có tiền cho khách hàng vay ký quỹ, VPS đẩy manh hoạt động đi vay. Tính tới cuối quý 2, công ty đã vay ngắn hạn hơn 11.300 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây chủ yếu là khoản vay có kỳ hạn tại ngân hàng với lãi suất từ 3 – 6,8%.

Tổng kết lại, lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của VPS đạt 159 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ 2020. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VPS đạt 361 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 75%.

Có thể thấy, dù nỗ lực vươn lên tăng trưởng về quy mô, song lợi nhuận của VPS vẫn kém các công ty chứng khoán hàng đầu thị trường khá xa. Trong quý 2, SSI ghi nhận lãi sau thuế 565 tỷ đồng, HSC lãi 282 tỷ đồng hay TCBS lãi 1.000 tỷ đồng nhờ lợi thế vượt trội kinh doanh trái phiếu.

VPS hiện có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, trong đó 2.530 tỷ đồng (tương đương 72%) là vốn cổ phần ưu đãi cổ tức 6%. Các cổ đông nắm giữ số cổ phần ưu đãi này của VPS không được tiết lộ, sẽ nhận cố định 6% cổ tức mối năm mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

Cấu trúc vốn chủ sở hữu này có thể là lý do VPS đang chấp nhận đầu tư lớn để có được thị phần dẫn đầu trên thị trường chứng khoán, trước đó thuộc về SSI trong nhiều năm. Ở vị thế này, VPS có thể gặp nhiều thuận lợi trong việc huy động vốn quốc tế dưới hình thức vốn vay hoặc vốn cổ phần trong tương lai.