Lựa chọn giúp nhà đầu tư đứng vững trước cơn bão trái phiếu doanh nghiệp

Trần Anh - 10:07, 28/11/2022

TheLEADERNhiều trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đến từ các tổ chức phát hành lớn, có uy tín lâu đời, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán…và các trái chủ vẫn đang được trả lãi và gốc theo đúng kế hoạch.

Doanh nghiệp tốt vẫn trả lãi trái phiếu đúng hạn

Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vừa thông báo, tiền gốc và lãi của lô trái phiếu mệnh giá 2.280 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phát hành đã được thanh toán đầy đủ đến các nhà đầu tư. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 28 và 29/11.

Lô trái phiếu này được bảo lãnh thanh toán bởi Tập đoàn VinGroup. Đây là một trong nhiều tổ chức phát hành trái phiếu với tình hình tài chính vững vàng, vẫn đang thanh toán lãi và gốc trái phiếu đầy đủ khi đến hạn.

Theo ước tính của TCBS, từ đầu năm đến nay, khoảng 22.000 tỷ tiền lãi và gốc đến hạn ứng với trên 400 mã trái phiếu do TCBS tư vấn phát hành đã được thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho trái chủ.

Lựa chọn giúp nhà đầu tư đứng vững trước cơn bão trái phiếu doanh nghiệp
Nguồn: TCBS

Trong báo cáo phân tích danh mục trái phiếu đang nắm giữ công bố mới đây, quỹ TCBF cho biết đã mua vào một phần của lô trái phiếu 450 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long phát hành năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị đầu tư của lô trái phiếu tại quỹ TCBF là 103 tỷ đồng. Đây là một trong những lô trái phiếu mà quỹ tự tin chắc chắn doanh nghiệp sẽ trả đủ gốc và lãi, bất chấp tình hình khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Trên thực tế, Nam Long là một trong những doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính ổn định nhất hiện nay. Đơn vị này vừa công bố một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới, quy mô 500 tỷ đồng cho IFC. Gần đây, Nam Long còn sẵn sàng chi tối đa 1.000 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ. Với nguồn tài chính mạnh mẽ, không có lý do để những nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu Nam Long phải cảm thấy lo lắng.

Hầu hết các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư trái phiếu của TCBF đều có tình hình tài chính lành mạnh như vậy. Là quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường, TCBF đầu tư chủ yếu vào trái phiếu niêm yết của các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu thuộc các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Có thể kể ra những cái tên như Vingroup, Masan Group…

Chẳng hạn, chiếm 40% tỷ trọng tài sản của TCBF là trái phiếu của nhóm doanh nghiệp liên quan đến Vingroup. Đây là tập đoàn hàng đầu Việt Nam, luôn tiên phong trong mọi lĩnh vực mà tập đoàn tham gia, đón đầu xu hướng phát triển của thị trường, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt có đẳng cấp quốc tế. Hệ sinh thái đa dạng bao gồm Vinhomes (nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam), Vinpearl (Hệ thống khách sạn và khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp), Vincom Retail (hệ thống TTTM lớn nhất VN), VinFast (nhà sản xuất xe điện thông minh đầu tiên ở VN) và nhiều lĩnh vực khác. Vingroup cũng là doanh nghiệp có uy tín trên thị trường quốc tế với nhiều giao dịch huy động vốn thành công với quy mô hàng tỷ USD. 

Tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu tài sản đầu tư của TCBF là các trái phiếu của Tập đoàn Masan, một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu và tiêu biểu của Việt Nam. Nhờ những chiến lược phát triển và dẫn đầu trong chuyển đổi số, Masan dần chuyển mình thành công trở thành tập đoàn Tiêu dùng - Công nghệ. Masan đang có trong tay những thương hiệu giá trị trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Quỹ TCBF đánh giá, đây đều là các tổ chức phát hành lớn, có uy tín lâu đời và đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Với kết quả kinh doanh tích cực và tình hình tài chính lành mạnh của các tổ chức phát hành, những trái phiếu này đều đang được trả lãi theo đúng kế hoạch.

Đánh giá đúng rủi ro

Trên thế giới, đầu tư tài sản thu nhập cố định là một trong những hình thức đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của các quỹ mở. Trong bối cảnh lãi suất thế giới có xu hướng gia tăng, tỷ trọng phân bổ tài sản vào các khoản đầu tư thu nhập cố định có xu hướng gia tăng tương ứng, từ mức trung bình 32% trong 5 quý trước đó lên mức 34% tính đến cuối quý II/2022.

Lựa chọn giúp nhà đầu tư đứng vững trước cơn bão trái phiếu doanh nghiệp 1

Trong đó, đầu tư vào trái phiếu chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng danh mục đầu tư tài sản thu nhập cố định, chiếm hơn 50% tổng giá trị đầu tư. Tại khu vực Châu Á, kênh trái phiếu vẫn là lựa chọn chính yếu trong các kênh đầu tư tài sản thu nhập cố định, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Việc nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể xem là hành động mang tính ngắn hạn, mở ra giai đoạn sàng lọc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những vụ việc như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư cần nhìn nhận đúng đắn về trái phiếu doanh nghiệp: Đây là một kênh đầu tư, đồng nghĩa có rủi ro thua lỗ. Hầu hết các quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đều chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định. Vì vậy, nhà đầu tư trước khi lựa chọn đầu tư trái phiếu cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, sức khỏe tài chính, lợi nhuận hàng năm, thậm chí là luật phá sản doanh nghiệp…

Trong trường hợp nhà đầu tư không có nhiều kiến thức hoặc không có thời gian để tìm hiểu, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên cân nhắc đầu tư qua các quỹ. Các quỹ sẽ đóng vai trò người sàng lọc, hướng nhà đầu tư tới những trái phiếu của doanh nghiệp minh bạch, đáng tin cậy, tỷ lệ rủi ro thấp.

Với TCBF, danh mục tài sản của quỹ có đến 90% là trái phiếu đại chúng được phát hành bởi các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, được niêm yết và giao dịch minh bạch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Việc đầu tư của TCBF tuân thủ các hạn mức đầu tư như tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu, công cụ thị trường tiền tệ, tiền gửi có kỳ hạn và các công cụ có thu nhập cố định khác chiếm từ 80% giá trị tài sản ròng trở lên; không đầu tư quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ công cụ nợ của Chính phủ; Không đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản chưa niêm yết

Mặt khác, lợi ích rất đáng giá nữa của các quỹ đầu tư đó là phân tán rủi ro. Nếu nhà đầu tư cá nhân rót vài tỷ đồng vào một mã trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành phá sản, thì nhà đầu tư có khả năng “mất trắng”. Tuy nhiên, nếu đầu tư qua quỹ sở hữu danh mục nhiều mã trái phiếu thì trong trường hợp có mã phá sản, quỹ vẫn có thể hoạt động bình thường, nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trái phiếu vì vậy rủi ro thấp hơn.