Luật Dân chủ ở cơ sở có thể làm mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp

Nhật Hạ - 09:13, 24/10/2022

TheLEADERQuy định doanh nghiệp tư nhân phải báo cáo định kỳ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho người lao động là không hợp lý, không khả thi, có thể làm ảnh hưởng tới việc bảo mật, đánh mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.

Luật Dân chủ ở cơ sở có thể làm mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước là rất phù hợp, tuy nhiên, quy định chặt chẽ việc thực hiện dân chủ ở khối tư nhân lại chưa hợp lý, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) góp ý tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo ông, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đã có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch với những chế tài cụ thể tại Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động và Bộ luật Dân sự.

Quy định doanh nghiệp tư nhân phải báo cáo định kỳ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho những người có hợp đồng lao động là không hợp lý, không khả thi, có thể làm ảnh hưởng tới việc bảo mật, đánh mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trong thực tế.

Ông Hòa cũng cho rằng Ban Thanh tra nhân dân là cần thiết ở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước, nhưng việc tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ thiếu cơ chế và kinh phí, phải hoạt động ngoài giờ, dẫn tới bất cập, không thể hoạt động hiệu quả.

Vì vậy, ông đề nghị không quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cho rằng không nên đề cập tới sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề này.

Bởi, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng vốn và tài sản nhà nước, việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo theo quy định của Đảng, nên cần phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong việc quản lý vốn và tài sản nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng được Đảng, Nhà nước giao phó.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân có đường lối hoạt động riêng biệt.

Luật Dân chủ ở cơ sở có thể làm mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Bà Hạnh bày tỏ băn khoăn, liệu khi luật này được ban hành có thành lập được Ban Thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không? Các biện pháp để đảm bảo thực thi các quy định này như thế nào?

Do đó, bà đề nghị đánh giá kỹ tính khả thi việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, để đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường.

Cũng quan tâm về phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này sang đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp và loại hình kinh doanh ngoài nhà nước với 2 lí do chính.

Thứ nhất, dân chủ là phạm trù thuộc quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Quan hệ này không theo phương thức thỏa thuận và bình đẳng, do đó cần phải có dân chủ. Nhà nước do dân bầu ra và trao quyền lực nên phải đảm bảo dân chủ cho dân và chống lạm quyền.

Trong khi đó, quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động, không có phạm trù này và chỉ có phạm trù thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật.

Luật Dân chủ ở cơ sở có thể làm mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Thứ hai, Việt Nam đang xây dựng kinh tế thị trường, quan hệ lao động phải được điều chỉnh bằng quy luật của thị trường lao động, được thể chế bằng pháp luật lao động.

Cụ thể, điều 52, Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.

Đại biểu Nghĩa nhận thấy, Việt Nam đang có một hệ thống pháp luật lao động khá đầy đủ và đang vận hành tốt. Riêng quan hệ giữa cổ đông với nhau và với doanh nghiệp thì đã có Luật doanh nghiệp, Luật Thương mại và Tòa án giải quyết các tranh chấp nếu có.

Do Việt Nam theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên pháp luật lao động của Việt Nam được thiết kế ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Đơn cử như người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động rất dễ dàng, trong khi người sử dụng lao động lại rất khó khăn để làm điều đó. Hay phí công đoàn mà mọi doanh nghiệp phải đóng cũng là ví dụ về sự quan tâm của Nhà nước đối với người lao động.

Tại doanh nghiệp, người lao động hiện có đủ công cụ pháp lý để bảo vệ như Bộ luật Lao động, Luật công đoàn, Bộ luật hình sự, Luật Dân sự, hệ thống khiếu nại và tiếp công dân.

Theo ông Nghĩa, những gì cần bổ sung, sửa đổi để bảo vệ người lao động tốt hơn thì nên sửa đổi và bổ sung pháp luật lao động, công đoàn hay các luật khác, chứ không quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Mặt khác, nếu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có những quy định can thiệp và quan hệ lao động và thị trường lao động ở mức độ sâu hơn, nhiều hơn so với các văn bản, luật hiện hành sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đến hoạt động quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông tỏ ra quan ngại khi luật này điều chỉnh cả doanh nghiệp FDI.

Qua phân tích, nếu như Quốc hội vẫn quyết định áp dụng luật này đối với doanh nghiệp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không áp dụng đối với doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ngoài nhà nước để tránh những hệ lụy xảy ra.

Pháp luật hiện hành đã có đủ công cụ pháp lý về người lao động Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong các doanh nghiệp, Việt Nam đang có hệ thống ba đạo luật về dân chủ là Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân và ba luật này cũng đang vận hành tốt. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị luật này cần có sự đối chiếu, vận dụng ba đạo luật đó để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đồng thời tránh chồng chéo, xung đột hay trùng lắp nhau.

Cùng với đó, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động ngoài nhà nước nên được cân nhắc kỹ về sự cần thiết vì đây là nội dung mới, chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp là đối tượng thường xuyên chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, nội bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải thành lập Ban Kiểm soát nội bộ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

Mặt khác, do bản chất dân chủ trong doanh nghiệp khác với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy đại biểu cho rằng, việc quy định thành lập Ban thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp là không phù hợp và có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt nam.

Cách đây gần 2 tuần, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các hiệp hội này cho rằng việc áp dụng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp.