Masan đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng

Trần Anh - 14:38, 24/04/2023

TheLEADERSáng ngày 24/4, Tập đoàn Masan tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.

Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ: “Năm 2022, Masan đã thay đổi tư duy cả về những điều chúng tôi đang làm và cách định vị chính mình. Đó là trở thành một công ty dịch vụ, trải nghiệm và thấu hiểu người tiêu dùng".

Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Masan Group, chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ phát triển nền tảng đa kênh, cung cấp thông tin, sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm, từ đó, đáp ứng vạn nhu cầu của khách hàng”.

Vị CEO trẻ của Masan chỉ ra mô hình tăng trưởng của Masan gắn liền với việc hợp nhất mạng lưới và người tiêu dùng offline, số hóa và “trực tuyến hóa” người tiêu dùng tại các điểm chạm offline. 

Từ đó giúp mở rộng danh mục sản phẩm & dịch vụ để phục vụ người tiêu dùng. Nói cách khác, động cơ tăng trưởng chiến lược của công ty dựa trên ba trụ cột chính: Tăng trưởng mạng lưới, Tăng trưởng hội viên và Tăng trưởng thị phần chi tiêu. 

Ba trụ cột này được củng cố bởi dịch vụ hậu cần xuyên suốt trên toàn quốc (Supra) để giao hàng hóa cho người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi một cách kịp thời, tiết kiệm chi phí nhất. Trí tuệ nhân tạo (“AI”) và Công nghệ là nền tảng giúp vận hành mạng lưới thương mại thông minh hơn, và tự động hơn với quy mô ngày càng lớn.

Masan đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng
Cổ đông Masan được trải nghiệm mua sắm trong một cửa hàng WIN ngay tại Đại hội

Về kế hoạch năm 2023, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 31% so với mức 76.189 tỷ đồng vào năm 2022. The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính với tỷ trọng đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023. 

Lợi nhuận sau thuế cốt lõi Pre-MI (không bao gồm chi phí một lần) dự kiến nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng vào năm 2022. Kịch bản tiêu cực, trong đó các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt tiêu dùng vẫn tồn tại, ban điều hành dự kiến lợi nhuận các mảng hàng đầu sẽ tăng từ 10% đến 15%.

Wincommere (WCM) kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp và tăng cường đòn bẩy hoạt động để cải thiện lợi nhuận, còn Masan Consumer sẽ dần khôi phục lại mức biên lợi nhuận gộp khi giá hàng hóa giảm và lạm phát giảm dần.

Trong năm 2023, Wincommere cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp đầu tư vào sản phẩm dịch vụ dành cho người tiêu dùng, đảm bảo cung cấp sản phẩm mang tính cạnh tranh về giá và tăng cường chương trình hội viên WIN để tăng mức độ trung thành của người tiêu dùng, từ đó giúp doanh thu cửa hàng (LFL) dự kiến tăng trưởng từ 5-10%. Ban điều hành đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 800-1,200 số lượng địa điểm minimart vào năm 2023.

Đối với Masan Consumer (MCH), trong năm 2023, công ty sẽ phục hồi doanh thu của các sản phẩm mới và tập trung giành thị phần ở những khu vực đạt hiệu quả thấp hơn trung bình của hệ thống. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc cá nhân & gia đình dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính của MCH, chiếm ~2/3 tổng tăng trưởng doanh thu vào năm 2023. Phát triển mô hình hoạt động chuyên biệt hơn theo ngành hàng và kênh bán hàng.

Phúc Long Heritage (PLH) đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể, đứng thứ 2 về doanh thu và đứng thứ nhất về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. PLH dự kiến sẽ trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về số lượng cửa hàng vào quý 2 năm 2023. Trong năm 2023, PLH đặt mục tiêu mở 75-90 cửa hàng đại diện thương hiệu mới. Trong nửa cuối năm 2023, PLH sẽ tăng cường đổi mới thực đơn để mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn những sản phẩm mới, thú vị.

Masan MEATLife (MML), năm 2023, Ban điều hành đặt mục tiêu tăng cường phân phối qua mạng lưới của WCM và duy trì chênh lệch giá ở mức thấp đối với chợ bán đồ tươi sống cho hội viên WIN. MML hướng đến mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách đầu tư vào hoạt động R&D cho cả sản phẩm tươi sống và đã qua chế biến. Lợi nhuận dự kiến sẽ tăng cao nhờ tỷ lệ tiêu thụ cao hơn, tăng trưởng doanh số bán thịt chế biến và kiểm soát chi phí.

Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 16.500 - 18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% do các yếu tố cơ bản về thị trường vonfram tiếp tục được cải thiện và động lực của thị trường hàng hóa nói chung.

ĐHCĐ của Masan còn thông qua kế hoạch phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Số trái phiếu này là trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền. Thời hạn trái phiếu là 5 năm kể từ ngày phát hành.

Thời hạn chuyển đổi cũng giao cho HĐQT quyết định thời hạn chuyển đổi với điều kiện là việc chuyển đổi trái phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. Giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo BCTC hợp nhất gần nhất của Công ty đã được kiểm toán hoặc soát xét.

Thời hạn phát hành được dự kiến trong năm 2023 hoặc 2024 sau khi có các xác nhận và chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trái phiếu sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Số tiền thu được từ đợt phát hành để thực hiện các chương trình đầu tư và dự án đầu tư và kinh doanh, trong đó bao gồm việc góp hoặc mua cổ phần tại các công ty con; bổ sung vốn hoạt động cho các hoạt động chung của Công ty (bao gồm cả vốn hoạt động cho mục đích thanh toán các khoản phí và chi phí liên quan đến việc phát hành trái phiếu); cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài.