Masan niêm yết công ty nông nghiệp sớm hơn kế hoạch

Trần Anh - 12:21, 09/10/2019

TheLEADERSau các công ty khoáng sản và công ty hàng tiêu dùng, Tập đoàn Masan tiếp tục niêm yết công ty nông nghiệp trên sàn chứng khoán UPCom.

Mới đây, Masan MEATLife (MML) – công ty con của tập đoàn Masan thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Việc lấy ý kiến cổ đông của Công ty diễn ra cùng với việc nhiều môi giới chứng khoán đang chào bán cổ phần của MML trên thị trường OTC làm dấy lên khả năng Công ty sắp được đưa lên sàn UPCom.

Trước đó hai tháng, tập đoàn Masan cho biết có kế hoạch niêm yết công ty Masan MEATLife trên sàn UPCom nhằm mang đến tính minh bạch cho cổ đông và hướng tới tiêu chuẩn niêm yết trên HOSE vào năm 2022 – 2023.

Tiền thân là Công ty Masan Nutri-Science được Masan thành lập khi tham gia vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chỉ trong vòng 4 năm hoạt động, MML đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng. Cuối năm 2018, MML đã ra mắt sản phẩm thịt mát đầu tiên được chứng nhận với công nghệ chế biến đạt chuẩn châu Âu mang thương hiệu MEATDeli.

Thị trường thịt heo Việt Nam hiện tại có quy mô khoảng 10 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường có nét rất giống với thị trường sữa cách đây 15 – 20 năm khi 99% sản phẩm thịt đang tồn tại không có thương hiệu.

Do đó, mục tiêu của MML là biến thịt heo mát trở thành một mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), còn bản thân trở thành “Vinamilk trong ngành thịt heo”. Cho đến nay, MML đã có hơn 125 điểm bán tại Hà Nội và có kế hoạch chính thức giới thiệu sản phẩm tại TPHCM vào tháng 9/2019.

Một tài liệu được cho là của MML cho biết, Công ty dự kiến đạt doanh thu từ 640 – 670 triệu USD trong năm 2019, biên lợi nhuận EBITDA dự kiến khoảng 10%. MML kỳ vọng đến năm 2022, MeatDeli có thể chiếm 10% thị phần thịt heo tại Việt Nam và mang về doanh thu từ 1 – 2 tỷ USD, biên lợi nhuận EBITDA đạt 18 – 22%.

Masan niêm yết công ty thịt mát sớm hơn kế hoạch
Mục tiêu tài chính của Masan MEAT Life

Niêm yết một công ty nhiều tiềm năng, mức định giá của MML không hề thấp. Năm ngoái, quỹ đầu tư của PENM Partners đã chi 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của Masan MEATLife từ Masan Group, tương đương với định giá công ty 2 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 4/2017, Quỹ đầu tư của KKR đã chi 150 triệu USD để sở hữu 7,5% cổ phần của MML.

Hiện tại, mức giá trung bình của cổ phiếu của MML đang được chào bán ở mức 75.000 đồng/ cổ phần. Báo cáo tài chính năm 2018 của MML cho thấy công ty có vốn cổ phần hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương với việc Công ty đang được định giá khoảng 1 tỷ USD.

Đây là mảng kinh doanh thứ 3 của tập đoàn, bên cạnh Techcombank, được niêm yết trong những năm qua theo chiến lược tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông. Năm 2015, Masan Resource (MSR), công ty con chuyên về khai khoáng của Masan chào sàn UPCom và trở thành một trong những công ty vốn hóa lớn nhất sàn HNX với quy mô vốn hóa hơn 11.150 tỷ đồng.

Tới năm 2017, đến lượt Masan Consumer (MCH), công ty con chuyên về hàng tiêu dùng nhanh, gia vị của Masan chào sàn với giá 90.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa lên tới 48.400 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD.

Cả MSR và MCH trước khi niêm yết đều được đánh giá cao vì là những công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực mình tham gia. Với Masan MEATLife, công ty đang có những bước tiến dần để khẳng định vị thế trên thị trường thịt lợn mát Việt Nam. Do đó mức giá chào sàn của cổ phiếu này dự kiến sẽ không thấp. 

Mới đây, hai cổ đông của Công ty công bố sẽ bán ra khoảng 20 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, ông Yew Kean Lai, thành viên HĐQT Masan MEATLife công bố bán toàn bộ gần 17,8 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận, tương đương 5,49% vốn. Giao dịch sẽ thực hiện từ ngày 15/10 đến 31/10.

Tập đoàn Masan, công ty mẹ của Masan MEATLife, cũng công bố bán 1,7 triệu cổ phiếu của theo phương thức thỏa thuận, giảm sở hữu từ 79,85% xuống 79,32% nhằm cơ cấu cại danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện từ 11/10 đến 31/10.