Mở rộng thí điểm chuyến bay thương mại quốc tế sang châu Âu và Úc

Nhật Hạ - 17:10, 28/01/2022

TheLEADERBên cạnh việc tăng tần suất chuyến bay thương mại đến Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Chính phủ cũng đồng ý mở rộng thí điểm tới châu Âu và Úc.

Mở rộng thí điểm chuyến bay thương mại quốc tế sang châu Âu và Úc
Bỏ xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay đối với người nhập cảnh.

Theo văn bản chỉ đạo hôm nay, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương tăng tần suất chuyến bay thương mại thường lệ chở khách đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); mở rộng địa bàn thí điểm chuyến bay thương mại quốc tế tới châu Âu và Australia, để đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước thúc đẩy đối tác sớm trả lời đề nghị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ; đồng thời để người Việt Nam không bị yêu cầu cách ly khi đến các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng đồng ý việc bỏ xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay đối với người nhập cảnh.

Bộ Y tế rà soát, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống biến chủng Omicron đối với người nhập cảnh (đường không, đường bộ, đường thủy). Bộ Công an yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ động hướng dẫn thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; đảm bảo liên thông với dữ liệu của PC-Covid.

Trước đó, đầu tháng 1/2022, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị hành khách từ nước có chủng Omicron chỉ phải xét nghiệm PCR, không cần test nhanh trước và sau chuyến bay vào Việt Nam.

Tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam chỉ cần xét nghiệm một lần trong thời gian chờ chuyến bay tiếp theo về nước.

Kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam được đưa ra vì đơn vị này nhận được ý kiến của các hãng hàng không, nêu vướng mắc khi thực hiện công điện 9406 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu hành khách đến từ các quốc gia có chủng Omicron phải test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay.

Theo thông tin mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra trong cuộc họp ngày 27/1, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 trường hợp phát hiện trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5), Hà Nội (1) và 160 trường hợp nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua 01 cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài - Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, những người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.