Môi giới lệch chuẩn chính là 'thủ phạm' gây sốt đất, bong bóng bất động sản

An Chi - 08:53, 23/04/2019

TheLEADERĐội ngũ các môi giới bất động sản hoạt động không chuyên nghiệp, lệch chuẩn là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, tung tin thất thiệt, thiếu chính xác, đẩy rủi ro cho khách hàng.

Môi giới lệch chuẩn chính là 'thủ phạm' gây sốt đất, bong bóng bất động sản
Ven biển Đà Nẵng. Ảnh: Forty Media

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản liên tiếp xảy ra các cơn sốt đất, sốt giá ảo tại nhiều địa phương trên cả nước. Từ cơn sốt đất tại các khu vực dự kiến trở thành đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt thời điểm đầu năm 2018 đến sốt đất vùng ven tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM hay gần đây nhất là cơn sốt đất tại Vân Đồn, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Đặc điểm chung của các cơn sốt đất này là giá đất lên tục sốt nóng, tăng mạnh chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi cơn sốt đi qua là những hệ luỵ lớn mà nó để lại đối với quy hoạch phát triển của địa phương và đặc biệt là những khách hàng cuối cùng, chậm chân mắc kẹt.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đội ngũ các môi giới bất động sản hoạt động không chuyên nghiệp, "lệch chuẩn" là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, sốt giá ảo và bong bóng trên thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.

Những môi giới bất động sản này đã tung tin thất thiệt, không chính xác tạo sự không minh bạch cho thị trường bất động sản. Đồng thời, tiếp tay cho chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật, phân phối hàng không đảm bảo quy định pháp luật, dẫn đến rủi ro cho khách hàng và khiến thị trường bất động sản khó kiểm soát dễ bị đổ vỡ.

Sở dĩ có thực trạng này là do các môi giới bất động sản của Việt Nam phần lớn đều chưa có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp theo tiêu chuẩn cần có của một môi giới.

Tại Hội thảo Nhận Diện nghề môi giới bất động sản do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Hoàng cho rằng, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam hiện đang đạt khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới; số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, phần lớn lực lượng môi giới bất động sản tham gia bán hàng tại các sàn giao dịch bất động sản hiện nay đều không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo bài bản. Họ chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản mà họ tham gia bán hàng mà thôi.

Môi giới "lệch chuẩn" là nguyên nhân chính tạo nên sốt đất, bong bóng bất động sản 1
Hội thảo Nhận Diện nghề môi giới bất động sản do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức

Về trình độ chuyên môn, theo ông Hoàng, ở Việt Nam hiện chưa có hệ thống giáo trình chuẩn dành cho đào tạo môi giới bất động sản. Mỗi cơ sở đào tạo lại có một bộ giáo trình riêng tự soạn. Các doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản cũng tự soạn tài liệu đào tạo chỉ theo kinh nghiệm, mà thiếu cơ sở khoa học. Thiếu các tài liệu tham khảo từ các quốc gia phát triển.

Hầu hết môi giới bất động sản ở Việt Nam chỉ đáp ứng được kiến thức bán hàng. Trong khi lại thiếu hẳn những kiến thức cơ bản của một môi giới bất động sản chuyên nghiệp như pháp luật, các luật liên quan, hợp đồng, trách nhiệm của người đại diện.

"Nhìn chung môi giới bất động sản ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và thường là thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật", Phó tổng thư ký VARs nhận định.

Đáng chú ý, về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, ông Hoàng cho rằng, nhân viên môi giới thường thiếu coi trọng nghề nghiệp, dễ làm, khó bỏ, coi trọng lợi ích cá nhân trên hết.

Mặt khác, các nhân viên này không thực sự coi thị trường và khách hàng làm trọng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách. Họ dễ dàng thỏa hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật vì mục đích lợi ích, làm ảnh hưởng tính bền vững của thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.

Chính điều này đã khiến thị trường thiếu tính lành mạnh, minh bạch, bền vững, thiếu niềm tin từ khách hàng. Thị trường bất động sản rất dễ bị khủng hoàng, đổ vỡ, ông Hoàng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho rằng, đội ngũ làm môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, hạn chế về hiểu biết pháp luật, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh đã dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, thiếu trách nhiệm.

Những môi giới này thậm chí còn những thủ đoạn tinh vi, "xảo quyệt" nhằm lừa đảo người dân với mục đích kiếm lợi cho bản thân, lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo” để kiếm lợi.

Trong khi đó, thị trường bất động sản ngày càng phát triển, đòi hỏi trình độ nghề môi giới bất động sản càng phải chuyên nghiệp. Các nhà môi giới bất động sản phải góp phần hạn chế được sự biến động của thị trường, làm ổn định giá cả, tránh được cơn sốt giá “ảo”. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý Nhà điều tiết thị trường, để thị trường bất động sản phát triển một cách công khai, minh bạch.

Để nghề môi giới bất động sản Việt Nam phát triển bền vững, tạo hiệu quả tốt nhất cho thị trường bất động sản, ông Trần Minh Hoàng cho rằng, quản lý Nhà nước cần tăng cường mạnh hơn nữa nhằm hạn chế và tiến đến xóa bỏ mọi hoạt động môi giới không tuân thủ quy định pháp luật. Xử phạt nghiêm minh các sai phạm và tôn vinh những đóng góp hiệu quả cho xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, bắt buộc người hành nghề môi giới phải tuân thủ các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nhằm tạo sức mạnh để phát triển nghề và thị trường bất động sản, ông Hoàng nhấn mạnh.