Một loại sức mạnh có thể 'đánh bại' dịch COVID-19

Doanh nhân Nguyễn Thu Hà - 08:05, 14/02/2020

TheLEADERNếu cá nhân mỗi người, mỗi tổ chức và Nhà nước đồng lòng sẽ tạo ra sức mạnh to lớn có thể vượt qua khó khăn bệnh dịch do virus Corona gây ra.

Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và Nhà nước cần thực hiện giá trị trách nhiệm của mình, mỗi đóng góp nhỏ bé nhưng nếu đồng lòng thì sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn. Để làm được điều đó, chúng ta cần gia tăng giá trị yêu thương, bình an, lạc quan trong mỗi con người, từ lý trí đúng sẽ đưa đến hành động đúng, như vậy khó khăn nào cũng có thể giải quyết và vượt qua…

Dịch cúm Corona là điều mọi người Việt Nam và trên thế giới không ai nghĩ trước và mong muốn điều này xảy ra. Điều quan trọng là chúng ta phải có cách nhìn nhận vấn đề này dựa trên những giá trị sống cốt lõi của chính mỗi con người chúng ta đó là giá trị tôn trọng, bình an, hạnh phúc, yêu thương, trách nhiệm, đoàn kết, trung thực.

Mỗi giá trị sống đều mang lại những điều giản đơn và tích cực để chúng ta soi xét lại bản thân mình, doanh nghiệp mình ngay trong mùa dịch để hy vọng và tin tưởng rằng chúng ta vẫn sống an yên và hạnh phúc.

Dịch cúm Corona chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Mỗi người chúng ta phải hiểu đúng và hiểu đủ điều đó. Để hiểu đúng, hãy đứng dậy, đeo khẩu trang đi 1 vòng quanh khu bạn ở, đường xá, chợ, trung tâm thương mại, trường học,… bạn sẽ hiểu sự ảnh hưởng của dịch cúm với các thương nhân như thế nào khi thấy sự đóng cửa của hàng loạt doanh nghiệp, đơn vị,… 

Tự mỗi người sẽ cho mình 1 câu trả lời đúng đắn nhất, hãy áp dụng giá trị trung thực với bản thân và với những người xung quanh bằng cách trả lời câu hỏi sau: “Bạn có muốn đi làm trong mùa dịch corona này không?”. Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ là KHÔNG, và trong lúc soi xét lại bản thân, bạn hãy nghĩ câu hỏi: “Ban giám đốc có muốn nhân viên nghỉ làm trong hoàn cảnh hiện nay không?”. Tôi nghĩ rằng câu trả lời cũng sẽ là KHÔNG.

Có 1 vòng tròn như thế này, không có nhân lực làm việc, không có sản phẩm để bán, không có doanh thu, doanh nghiệp sẽ thu gọn bộ máy và thất nghiệp sẽ gia tăng, còn đối với người lao động, không đi làm hoặc đi làm với tinh thần không tốt, không có thu nhập trong khi hàng ngày vẫn phải chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mua khẩu trang hay các dung dịch rửa tay phòng bệnh,… Do vậy, chưa bao giờ giá trị đoàn kết, hợp tác cần được nâng lên ở mức cao nhất giữa doanh nghiệp và người lao động để cùng vượt qua khó khăn.

Sự hiểu đủ về vấn đề dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế hiện nay đó là, mỗi doanh nghiệp, mỗi người lao động cần nhận thức về chính mình, người lao động hiểu rõ về sức khoẻ của mình và chủ động tự cách ly, doanh nghiệp hiểu đủ về tầm quan trọng và phòng ngừa lây lan của virut để chuẩn bị trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp, tạo điều kiện để người lao động vừa làm việc, vừa quán xuyến con cái. Đôi khi, vì chưa hiểu rõ về cơ chế lây lan của dịch, hay suy nghĩ không trung thực với chính mình dẫn đến hệ luỵ có thể lây bệnh cho những người xung quanh.

Như vậy, việc dịch cúm ảnh hưởng ở mức độ như thế nào tuỳ thuộc vào góc nhìn của các doanh nghiệp, người lao động và cả việc điều hành của Chính phủ vào chính thời điểm này. Việc đưa những giá trị tôn trọng, yêu thương chia sẻ giữa những con người với nhau, đồng lòng cùng vượt qua lúc khó khăn là điều hết sức quan trọng.

Nếu đồng lòng sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thu Hà - Giám đốc chiến lược Công ty Sáng tạo giá trị mới, thành viên Tổ chức giáo dục các giá trị sống Việt Nam

Bất kỳ ai cũng mong muốn sự ảnh hưởng ở mức nhẹ nhất đó là dịch bệnh được kiểm soát, trẻ em được đến trường, người lao động đi làm trong tâm thế thoải mái, tự do không lo lắng và chắc chắn doanh nghiệp cũng mong muốn quay về quỹ đạo là sản xuất kinh doanh như trước kia. Với tình hình hiện nay, Chính phủ các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để kiểm soát dịch bệnh và ổn định nền kinh tế.

Nhưng, nếu dịch bệnh cần một thời gian nữa để ổn định thì mỗi cá nhân, doanh nghiệp nên nâng cao giá trị trách nhiệm của mỗi người, hãy sống trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng xung quanh. Tự mỗi người biết bảo vệ sức khoẻ thông qua việc đeo khẩu trang đúng lúc, thường xuyên rửa tay,… sống giữa thời đại 4.0 bùng nổ vào thông tin bệnh dịch việc bạn không chia sẻ những thông tin chưa xác thực cũng chính là có trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.

Hiện nay, ngành nghề sản phẩm trang trí nội thất và quà tặng của chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định. Khi thời gian nghỉ dài, nhân viên xin phép về quê, họ muốn đoàn tụ gia đình trong lúc khó khăn vì công ty chỉ có thể trả lương cứng mà không có khoản hoa hồng vì doanh thu chưa đạt được. Khách hàng hạn chế gặp mặt để tư vấn về hàng hoá, việc đeo khẩu trang khi giao tiếp cũng chính là hạn chế lớn. Nguồn hàng hoá cũng hạn chế do các đối tác cung cấp cũng tạm ngưng làm việc hay làm việc cầm chừng.

Điều quan trọng chính là nhu cầu của khách hàng, khi bệnh dịch con người luôn hướng về nhu cầu cơ bản nhất đó chính là an toàn cho bản thân, khi họ lùng sục và trả khoản chi phí lớn cho khẩu trang, nước rửa tay,… còn việc trang điểm đẹp cho không gian sống sẽ tạm thời chững lại.

Lúc này, giá trị yêu thương bản thân cũng nâng lên rất cao, tuy nhiên, ở đâu đó quá yêu thương bản thân lại không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Dẫn chứng như thu gom quá nhiều khẩu trang cho gia đình trong khi đó có rất nhiều người có nhu cầu nhưng không thể mua. Một lần nữa, chúng ta thấy được giá trị trách nhiệm của chính bản thân mình với xã hội. Chúng ta không thể sống yên ổn nếu ngoài kia dịch bệnh lan rộng, hãy nâng cao giá trị đoàn kết với mọi người vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Tôi luôn cho rằng nếu mình không thay đổi được sự vật, hiện tượng thì cần thay đổi thái độ sống của mình. Trong khó khăn thách thức mình sẽ thấy cơ hội luôn tiềm ẩn, mình sẽ hiểu được nhân viên, đối tác ai sẽ cùng công ty vượt qua khó khăn. Khi việc kinh doanh truyền thống hạn chế về gặp gỡ thì các ứng dụng bán hàng online nên đẩy mạnh.

Suy ngẫm về cách thức vận hành và quản trị rủi ro cho doanh nghiệp hiện tại và tương lai, đơn giản đó là cơ hội nhìn lại chính mình. Trao yêu thương sẽ nhận yêu thương, gần gũi và chăm lo hơn cho nhân viên, động viên khách hàng, đối tác để họ thấy rằng không phải doanh nghiệp chỉ đơn giản bán sản phẩm mà bán cả sự yêu thương, đoàn kết đã gửi gắm trong mỗi sản phẩm, để tâm mỗi người cảm nhận giá trị bình an. Nếu thời gian khống chế dịch bệnh có kéo dài thêm, thì lý trí của chúng ta cũng tin tưởng và hy vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến. Nó được hiểu như sau cơn mưa sẽ có cầu vồng, lòng tin sẽ giúp mỗi người có thêm năng lượng tích cực để lan toả với cộng đồng.

Bên cạnh đó, ông bà ta cũng đã đúc kết “cái khó nó ló cái khôn”, khi tâm tĩnh tại, chấp nhận dịch cúm như một phần của tự nhiên không tránh được, mỗi cá nhân và doanh nghiệp sẽ loé lên những điều sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đơn cử như làm việc ở nhà, giám sát và trao đổi công việc thông qua các nhóm mạng xã hội, bán hàng thông qua thương mại điện tử,… khi chúng ta làm từ tâm thì lợi ích kinh tế mang lại sẽ phát triển bền vững hơn.

Là một doanh nghiệp startup, đây là lần đầu tiên công ty gặp trường hợp này, việc đưa ra các kịch bản để thích ứng cũng giúp cho doanh nghiệp tự tạo ra các kháng thể để hoà nhập với những rủi ro mà nền kinh tế mang lại. Từ đó, thấy được tầm quan trọng của các giá trị sống, trung thực với bản thân cũng chính là tôn trọng chính mình và xã hội. Làm việc khi tâm bình an, nhận yêu thương, trao yêu thương là những giá trị giản đơn mang đến hạnh phúc và bình an.

Điều đầu tiên, doanh nghiệp cần tin và làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng dịch, cần trang bị kiến thức và vật dụng cho nhân viên một cách đầy đủ để nhân viên yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, cần đưa ra chiến lược kinh doanh trong thời điểm hiện tại trên cơ sở lắng nghe những khó khăn của nhân viên, đối tác, khách hàng. Nêu cao giá trị hợp tác, đoàn kết trong công việc để mỗi người hoàn thành trách nhiệm của mình ở mức cao nhất. Gia tăng việc quan tâm, thăm hỏi khách hàng cũ trên cơ sở khích lệ và động viên để khách hàng cảm nhận giá trị hạnh phúc, yêu thương.

Chấp nhận thách thức, ghi nhận sự khó khăn chung của cả nền kinh tế chứ không phải cá nhân mỗi người hay mỗi doanh nghiệp. Đồng lòng với chỉ đạo của Chính phủ trong việc đảm bảo phòng dịch, không được chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng thái quá.

Các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp cần phối hợp và chia sẻ thông tin chính thống, các cách làm hay để phòng dịch trong các hiệp hội. Tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, yêu thương giữa các đơn vị, hỏi thăm, động viên về tình hình hoạt động của các thành viên trên tinh thần phát huy các năng lượng tích cực và lạc quan. Chia sẻ, hỗ trợ chính sách bán hàng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Nhân rộng giá trị yêu thương, trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội bằng các việc làm đơn giản và thiết thực như chia sẻ khẩu trang, nước rửa tay,… chỉ giữ lại số lượng vừa đủ cho nhân viên, phần còn lại chia sẻ cho các đơn vị chưa tìm ra nguồn hàng hay phát miễn phí cho nhân dân.

Chia sẻ trung thực các khó khăn và đưa ra định hướng của các doanh nghiệp để đại diện các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp thấu hiểu và có thể cùng nhau đưa và giải pháp hoặc kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tất cả các điều trên làm được trên cơ sở giá trị đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau để tất cả chung tay vượt qua dịch corana trên tinh thần tâm bình an. Điều quan trọng là duy trì năng lượng tích cực và yêu thương cho từng hiệp hội, tổ chức từ đó mỗi thành viên sẽ thự hiện đúng và đủ trách nhiệm của mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ.

Tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là Nhà nước cần đưa ra các số liệu, hướng dẫn phòng dịch cho cá nhân và doanh nghiệp một cách trung thực, gia tăng lòng tin với nhân dân với giá trị đoàn kết một lòng, cùng chung tay chống lại dịch bệnh.

Qua các thông tin đại chúng, cần phát huy những gương sáng, những cá nhân doanh nghiệp đã có tinh thần tích cực trong hỗ trợ phòng dịch cúm corona. Và cũng cần có các chỉ đạo nghiêm khắc kỷ luật về vấn đề tung tin giả mạo hay những hoạt động đầu cơ các sản phẩm thiết yếu.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động và sản xuất kinh doanh hiện nay như giảm thuế, miễn thuế cho một số sản phẩm,…để doanh nghiệp có động lực sản xuất. Có như vậy, doanh nghiệp thấy được sự đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp. 

Nâng cao sự hợp tác, chia sẻ của các chủ thể trong nền kinh tế là Doanh nghiệp, Hộ gia đình và Chính phủ. Ba chủ thể này cần phát huy tinh thần tôn trọng lẫn nhau, doanh nghiệp cần sản xuất và bán sản phẩm, hộ gia đình cần thu nhập và mua sản phẩm tiêu dùng, do vậy vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong tình hình hiện này. 

Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để mỗi chủ thể được phát huy tốt trách nhiệm của chính mình trên tinh thần hoà bình, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn để duy trì và đảm bảo phát triển kinh tế.

Qua những điều trên đã khẳng định giá trị sống như đoàn kết, tôn trọng, trung thực, hợp tác, bình an, yêu thương,.. cần phải phát huy thêm và nhân rộng trong hoàn cảnh hiện nay. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và Nhà nước cần thực hiện giá trị trách nhiệm của mình, mỗi đóng góp nhỏ bé nhưng nếu đồng lòng thì sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn. Để làm được điều đó, chúng ta cần gia tăng giá trị yêu thương, bình an, lạc quan trong mỗi con người, từ lý trí đúng sẽ đưa đến hành động đúng, như vậy khó khăn nào cũng có thể giải quyết và vượt qua. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Thu Hà - Giám đốc chiến lược Công ty Sáng tạo giá trị mới, thành viên Tổ chức Giáo dục các giá trị sống Việt Nam