'Mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2021 còn khiêm tốn so với tiềm năng'

An Chi - 20:42, 10/11/2020

TheLEADERĐó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 10/11.

'Mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2021 còn khiêm tốn so với tiềm năng'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh VGP

Theo Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 6% còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Minh chứng cho sức phát triển của nền kinh tế, Thủ tướng dẫn thông tin trên Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. 

Số liệu của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. 

Đáng chú ý, thời gian vừa qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết nền kinh tế rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. 

Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch.

Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. 

Năng suất lao động của nền kinh tế thực sự đã được cải thiện rõ nét trong những năm qua với mức tăng 5,8% một năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. 

Trong hơn 4 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân Việt Nam đã tương đương gần 9.000 USD(tính theo ngang bằng sức mua).

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con hổ châu Á”cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Mặt khác, thị trường chứng khoán vào thời điểm đầu năm 2016 chỉ đạt 500 điểm nhưng đã sớm đạt kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với 1.200 điểm vào tháng 4 năm 2018. Dưới tác động của Covid-19 và suy thoái của kinh tế toàn cầu, chỉ số VN-Index vẫn duy trì ở mức trên dưới 950 điểm. 

Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 100% GDP, trong đó riêng thị trường cổ phiếu xấp xỉ 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng 115 tỷ đô-la vào tài sản quốc gia so với cách đây 4 năm. 

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang nỗ lực để tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (dưới 4%) và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô đã dày công tạo dựng. 

Tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những, căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới, có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào, Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Về giải pháp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, theo Thủ tướng Chính phủ, trước hết, nền kinh tế phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này.

Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ.

Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế. Thứ tư, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, trong lúc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta phải giữ được kinh tế vĩ mô ổn định.

Để thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng và giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Hiện, Việt Nam đã xuất siêu gần 20 tỷ USD.

Theo đó, Việt Nam phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc.