Muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp cần tư duy chứ không phải vé máy bay hay visa

Quỳnh Như - 15:50, 18/05/2018

TheLEADERTất cả doanh nghiệp đều muốn đi ra toàn cầu nhưng trước khi quyết định đi hay không đi cần trả lời được 3 câu hỏi.

Chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân - thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, đại diện cho gần 1.000 thương hiệu quốc tế tại châu Á Thái Bình Dương và là cầu nối của nhiều doanh nghiệp Việt muốn nhượng quyền ra thế giới - đã nói như vậy trong một tọa đàm về chủ đề “Thách thức và cơ hội với doanh nghiệp Vệt Nam trước xu hướng hội nhập toàn cầu” dành cho đối tượng là các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp cần tư duy chứ không phải vé máy bay hay visa
Chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân

Theo bà Vân, 3 câu hỏi mà các startup và SMEs phải trả lời được trước khi quyết định đi hay không đi gồm:

Câu hỏi đầu tiên: Tại sao phải đi ra toàn cầu? Câu hỏi thứ hai: Bản đồ toàn cầu của bạn là gì? Câu hỏi thứ ba: Bạn sẽ làm gì hôm nay để thực hiện hoá mục tiêu toàn cầu?

Một điều quan trọng nữa theo bà Vân, nếu đã quyết định tham gia cuộc chơi toàn cầu, các startup và SMEs phải ngay lập tức hành động, xem như đó là mục tiêu sống chết phải đạt được.

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất, bà Vân chia sẻ 2 ví dụ: Cách đây chưa lâu, có một quỹ đầu tư mạo hiểm Canada đến Việt Nam và nhờ bà Vân giúp họ kết nối với vài startup tiềm năng có thể đáp ứng những tiêu chuẩn sau: 3 năm đầu tiên có thể mở rộng thị trường ra 3 nước ở châu Mỹ và sau đó là toàn cầu.

Mới đây cũng có 3 startup của Hàn Quốc sang Việt Nam giao lưu, họ không giấu giếm ý định là muốn bà Vân hỗ trợ để thâm nhập thị trường Việt Nam. Trong số họ, có công ty đã có một vài phát minh đăng ký bản quyền tại Mỹ, có công ty đã bán sản phẩm tại Hàn Quốc, có công ty vẫn đang thử nghiệm. 

Thắc mắc của bà Vân “Tại sao lại tìm đến thị trường Việt Nam trước?” được trả lời như sau: “Vì chúng tôi muốn đi ra thế giới”.

“Hiện tại, các doanh nghiệp đang được sinh ra và vận hành trong một thế giới không biên giới. Quan trọng không phải chúng ta đặt công ty ở đâu hay di chuyển đến quốc gia nào mà các startup phải đặt mục tiêu đi ra khu vực và thế giới ngay từ khi bắt tay vào khởi nghiệp. Khi chúng ta đặt mục tiêu khác thì hành động cũng sẽ khác, thế nên, đi ra toàn cầu là tư duy chứ không phải chiếc vé máy bay hay những con dấu ở visa”, bà Vân khẳng định.

Lý giải về điều này, bà Vân cho biết, theo thống kê, tỷ lệ thành công của các startup có thành viên sáng lập đến từ nhiều quốc gia khác nhau cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung (khoảng 46%). Sự khác biệt trong tư duy, văn hoá, tài năng hay khả năng am hiểu nhiều thị trường khác nhau giúp các startup kiểu đa quốc gia như thế này dễ tiến bước hơn.

Đối với câu hỏi thứ hai, theo chuyên gia thương hiệu này, các startup đừng mơ hồ, hãy cụ thể và chi tiết bản đồ đi ra thế giới của mình, phải tự xây dựng bản đồ cho mình, bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Còn xây dựng bản đồ như thế nào cho hợp lý thì phải dựa vào 2 yếu tố sau: cơ hội bên ngoài và nguồn lực bên trong. Ví dụ, nếu bạn sản xuất sản phẩm cao cấp cho người có thu nhập cao thì phải đi vào quốc gia nào. Thị trường nào thu tiền mặt, thị trường nào gieo hạt mầm rồi tưới nước chăm bón.

Nhìn vào trong “ruột” để biết công ty mình đã sẵn sàng đi ra thế giới chưa, từ khâu nhân sự, tài chính, makerting, branding… Các startup không thể đi ra thế giới khi mà nhân sự có người biết tiếng Anh người không, sản phẩm không đồng đều về chất lượng, tài chính nghèo nàn…

Nếu đã sẵn sàng hoặc 3 năm nữa mới sẵn sàng, thì ngay ngày hôm nay chúng ta phải làm gì để có thể thực hiện hoá mục tiêu đó? Đối với câu hỏi thứ ba, chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp Lý Trường Chiến, Chủ tịch Công ty Trí Tri gợi ý cho các startup cách triển khai cụ thể nếu đã có chuẩn bị chín muồi cho hành trình toàn cầu. 

Chủ tịch Retail & Franchise Asia: Đi ra toàn cầu là tư duy chứ không phải tấm vé máy bay
Ông Lý Trường Chiến đang trả lời câu hỏi của các startup.

Theo ông Chiến, các startup cần biết vận dụng công nghệ 4.0 và internet để dễ dàng thâm nhập thị trường nước ngoài, đây là thời của thế giới phẳng, ngồi ở nhà vẫn có thể bán mọi thứ ra thế giới.

Khi giao thương quốc tế, các startup phải tâm niệm các điều sau: Đem lại lợi ích cho khách hàng - không xâm phạm lợi ích của người khác, thấu cảm khách hàng – hiểu khách hàng hơn chính bản thân mình, hiểu văn hoá nước bản địa để có cách thể hiện nội dung phù hợp, đừng bám víu vào các kinh nghiệm trong quá khứ - hãy nghĩ khác đi.

“Trau dồi tiếng Anh ngay hôm nay là một hành động không tồi, bạn nên viết ra mục tiêu ra toàn cầu của mình rồi dán ngay trước mắt, như một kiểu tự kỷ ám thị, ngày nào cũng nhìn để nhắc nhở bản thân về mục tiêu đó thì mới thành công được”, chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân nói.