Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận Việt Nam và Thụy Sĩ có thao túng tiền tệ.
Ngày 16/4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có nội dung “không có quốc gia nào” đáp ứng đủ các tiêu chí của Mỹ về việc thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, có 11 quốc gia và nền kinh tế bị đưa vào danh sách giám sát vì đáp ứng 1 hoặc 2 tiêu chí, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Maylaysia, Đức, Ireland, Singapore, Thái Lan, Mexico và Ý.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam và Thụy Sĩ có thao túng tiền tệ nhưng Việt Nam, Thụy Sĩ cùng Đài Loan vẫn bị đưa vào danh sách giám sát tăng cường khi có dấu hiệu đáp ứng cả 3 tiêu chí. Dự kiến, các cuộc đàm phán song phương bàn về chính sách tiền tệ của 3 nền kinh tế này sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
Các tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra là thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương với ít nhất 2% GDP, tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng và thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất đạt 20 tỷ USD.
Thông tin trên đã được xác nhận bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục tích cực với các bộ, ngành liên quan, làm việc với Mỹ để đưa ra tiếng nói chung trên tinh thần hợp tác, đôi bên cùng có lợi, tạo môi trường thương mại công bằng, bền vững.
Bên cạnh đó, các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường vĩ mô để tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Tháng 12 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách thao túng tiền tệ. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng phản đối quyết định này, với lý do các chính sách tiền tệ của Việt Nam được sử dụng vì các mục đích vĩ mô nhưng không có ý định tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng phủ nhận việc cố ý thao túng tiền tệ.
Trước đó, vào năm 2019, Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung đang vô cùng căng thẳng.
Theo Market Watch, các chuyên gia tại phố Wall nhận xét, các quốc gia bị đưa vào danh sách giám sát sẽ không phải chịu ảnh hưởng đáng kể và kỳ vọng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là cơ sở để phân tích lập trường của chính quyền ông Joe Biden trong thương mại quốc tế.