Năm 2021 có thể tăng trưởng âm nếu chậm mở cửa

Phạm Sơn - 08:58, 02/10/2021

TheLEADERTheo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, với lợi thế là nền tảng vĩ mô ổn định cùng sự phục hồi trên thị trường toàn cầu, nếu nền kinh tế được mở cửa, các ngành chế biến, chế tạo và thương mại sẽ phục hồi nhanh, tạo đà tăng trưởng cho quý IV/2021 và năm 2022.

Năm 2021 có thể tăng trưởng âm nếu chậm mở cửa
Ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nặng nề từ đợt Covid-19 thứ 4. Ảnh: VGP.

“Mở cửa hay là chết”

Quý III/2021, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Tính chung 9 tháng đầu năm, lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, vẫn chưa kể đến một lượng lớn doanh nghiệp đã “chết” nhưng chưa kịp làm thủ tục, giấy tờ xác nhận giải thể.

94% doanh nghiệp đang hoạt động cho biết gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỷ lệ này ở 19 tỉnh thành phía nam lên đến 98%. Tính riêng quý III, 2,4 triệu lao động mất việc làm, đằng sau đó là sinh kế, an sinh của hàng triệu gia đình.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) nhận xét, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam được xem là ngôi sao sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng top đầu thế giới nhờ khống chế thành công dịch bệnh.

Tuy nhiên, xu thế đó đã đảo chiều, khi thế giới đang có những bước phục hồi ổn định thì GDP quý III Việt Nam giảm hơn 6%, mức giảm nặng nề nhất kể từ khi công bố GDP theo quý. Điều này dẫn đến nguy cơ khiến Việt Nam lỡ nhịp so với thế giới, đánh mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng quan trọng.

Trong bối cảnh đó, ông Lộc nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước câu hỏi “mở cửa hay là chết”, bởi khi các đối thủ cạnh tranh đang từng bước mở cửa để tận dụng cơ hội thị trường, doanh nghiệp FDI cũng “không thể chờ thêm được nữa”, nếu cứ mãi đóng cửa, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng “sức cùng lực kiệt”.

Tất nhiên Việt Nam đang đưa ra câu trả lời là lựa chọn “mở cửa” thay vì “chết”. Quan điểm đó được thể hiện qua lời nói của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “không thể mãi áp dụng biện pháp phong tỏa”, cùng với kiến nghị, đề xuất phương thức nới lỏng các hoạt động từ nhiều bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải mở cửa sao cho an toàn, tránh lây lan dịch bệnh nhưng cũng phải đảm bảo các hoạt động được thông suốt, không xảy ra tình trạng “mỗi nơi làm một kiểu”.

Ông Lộc đề nghị cần ban hành ngay bộ cẩm nang hướng dẫn thích nghi an toàn với Covid-19 để thực hiện mục tiêu mở của một cách kiên định. Mặt khác, các địa phương và doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản, phương án dự phòng phù hợp với điều kiện thực tế.

Mặt khác, chủ tịch VIAC cũng đề nghị sáp nhập 2 tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế, đồng thời cho phép sự tham gia của đại diện doanh nghiệp.

“Mỗi chính sách, giải pháp về y tế đều phải tính toán đến tác động tới kinh tế và ngược lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải tính đến rủi ro y tế”, ông Lộc lý giải.

Động lực tăng trưởng nào cho quý IV/2021 và năm 2022

Bức tranh kinh tế trở nên ảm đạm khiến nhiều tổ chức và chuyên gia đưa ra những dự đôán bi quan về nền kinh tế năm 2021, đặc biệt sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP quý III giảm tới 6,17%.

Lý giải về mức giảm GDP quý III, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Fulbright cho biết, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại là 2 lĩnh vực đóng góp rất lớn vào nền kinh tế Việt Nam và đều bị đình trệ nghiêm trọng trong những tháng vừa qua.

Năm 2021 có thể tăng trưởng âm nếu chậm mở cửa
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng chứng kiến mức thiệt hại nặng, một phần do các công trình không thể thi công trong bối cảnh giãn cách, một phần do niềm tin của nhà đầu tư chưa hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm lại rất chậm chạp, dẫn đến giảm mạnh nhu cầu xây dựng.

Ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khoảng 1% trong quý III, tuy nhiên ngành thủy sản lại cũng là ngành sụt giảm nặng nề, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do phụ thuộc nhiều vào hoạt động của nhà máy chế biến cũng như hoạt động logistics.

Ngành dịch vụ và du lịch tiếp tục ảm đạm từ năm 2020. Ông Thành dự đoán, khu vực này sẽ khó có thể phục hồi trong tương lai gần, kể cả khi dịch bệnh được khống chế.

Đối với triển vọng kinh tế quý IV, theo ông Thành, khi các địa phương từng bước nới lỏng các hoạt động kinh tế, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành thương mại sẽ rất nhanh chóng phục hồi. Đây là động lực rất quan trọng để tạo ra tăng trưởng dương cho quý IV.

Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam cũng có những lợi thế rất lớn là nền tảng ổn định vĩ mô được duy trì nhiều năm, cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, giúp tăng nhu cầu xuất khẩu.

Để nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng dương trong năm 2021 cũng như lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2022, đồng tình với quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc cùng nhiều chuyên gia khác, ông Thành đề nghị cần mở cửa nền kinh tế một cách bền vững, tránh tình trạng giãn cách trên diện rộng, “mở rồi lại đóng” như thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế Fulbright nhấn mạnh quan điểm “doanh nghiệp tuân thủ, Nhà nước giám sát”, theo đó xóa bỏ các giấy phép được ban hành trong thời gian qua nhưng đã không còn tác dụng, đồng thời không quy định thêm những giấy phép mới gây khó dễ ch doanh nghiệp.

“Điển hình thực tiễn của Việt Nam là cứ xóa bỏ bớt giấy phép là môi trường kinh doanh được cải thiện. Cứ để giấy phép là tạo ra khó khăn”, ông Thành cho biết.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công cần được đẩy mạnh giải ngân, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn FDI có thể sẽ chững lại, dòng vốn tư nhân tiếp tục thể hiện sự dè dặt. Đầu tư công chính là động lực tăng trưởng quan trọng giúp duy trì nền kinh tế trong năm 2020 và cũng đặc biệt quan trọng để tạo ra lợi ích kinh tế trong dài hạn.

Về các chính sách hỗ trợ, chính sách tiền tệ và tài khóa cần tiếp tục được duy trì đến năm 2022, tuyệt đối không ngừng chính sách nào. Dựa trên thành quả ổn định vĩ mô, dư địa chính sách đủ lớn để cho phép thực hiện song song cả 2 biện pháp này, tạo ra hiệu quả bổ trợ lẫn nhau, tránh rủi ro bất ổn vĩ mô nếu chỉ sử dụng 1 chính sách.

Dự đoán về quý IV và cả năm 2021, ông Thành cho biết nếu mở cửa an toàn từ đầu tháng 10, doanh nghiệp hoạt động ổn định vào giữa tháng 10, quý IV có thể đạt được mức tăng trưởng khoảng 3,5%, cả năm tăng trưởng khoảng 2,1%. Tuy nhiên, nếu quá trình mở cửa nền kinh tế diễn ra chậm chạp, mức tăng trưởng âm cho năm 2021 hoàn toàn có thể xảy ra.