Nan đề cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021

An Chi - 08:00, 06/07/2021

TheLEADERTăng trưởng GDP 6,5% là một mục tiêu rất áp lực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Nan đề cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021
Nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,64% trong quý II/2021. Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 và 2019. 

Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, đạt mức 8,36%, trong khi ngành dịch vụ tăng 3,96% và nông, lâm thủy sản tăng ở mức 3,82%. Trước đó, tổng sản phẩm trong nước quý I/2021 tăng 4,48%

Mặc dù triển vọng tăng trưởng vẫn khá tích cực song theo JLL Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 5,64% của 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với mức dự báo 7,11% được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. 

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Theo Nghị quyết 01, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP 2021 tăng thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với năm 2020, lên mức 6,5% nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Nhận định của JLL cho rằng, đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, tháng 12/2020, kinh tế Việt Nam đã xuống đến đáy của tăng trưởng, nên 6 tháng đầu năm nay đã vực lại đạt mức tăng trưởng 5,64%, đây là sức bật cần phải có chứ không phải là ngoạn mục.

Trong bối cảnh dịch bệnh, với mức tăng trưởng 5,6%, kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng của Chính phủ trong cả năm 2021. 

Dẫn ra những số liệu cho thấy bức tranh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm và nửa cuối năm 2021 còn rất nhiều thách thức, JLL cho rằng, một trong những ngành có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế là du lịch thì với tác động tiêu cực của Covid-19, ngành này đang chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước tính chỉ đạt 88,2 nghìn lượt người trong 6 tháng đầu năm 2021, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn, với 1.813,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 6 tháng đầu năm 2021, FDI vào Việt Nam đạt mức 15,3 tỉ USD, chỉ bằng 97,4% so với cùng kì năm 2020. Tuy tổng vốn FDI sụt giảm so với cùng kì năm trước, vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong khảo sát mới nhất, 31,8% các doanh nghiệp chế tạo và sản xuất được hỏi cho rằng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Cùng lúc đó, chỉ có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021, chỉ số này thấp hơn nhiều so với mức 85,1% được ghi nhận ở quý trước đó.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI lại đang có xu hướng tăng mạnh, bình quân quý II/2020 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Vấn đề nan giải của tăng trưởng kinh tế

Nhìn nhận về khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang gặp hai vấn đề hết sức nan giải.

Thứ nhất, các hoạt động kinh tế trong 6 tháng cuối năm, nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong hơn một năm qua do dịch bùng phát và các giải pháp trong thời gian qua đang bị giảm hiệu lực. 

Thứ hai, khó khăn trong việc tìm được cách thức hữu hiệu và hợp lý để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đa phần các đối tượng này đang làm việc ở khu vực không chính thức và hệ thống thông tin báo cáo không rõ ràng của các doanh nghiệp.

Trong hơn một năm qua, các biện pháp chống dịch cơ bản, chi phí thấp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người và truy vết và cách ly các đối tượng có nguy cơ bị bệnh và lây nhiễm cao đã khá hiệu quả. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, tình hình đã khác trước rất nhiều. 

Ông Du cho rằng, dịch bệnh chỉ có thể được đẩy lùi hoặc có thể sống chung khi có được miễn nhiễm cộng đồng, tức số đông người dân đã được tiêm vắc xin phòng dịch. Với thực tế đang xảy ra, sẽ rất khó khăn để Việt Nam có thể đạt được điều này trong 6 tháng tới. Khi các điểm bùng phát dịch ngày càng dày đặc hơn thì hiệu quả của những giải pháp hữu hiệu trong hơn một năm qua sẽ giảm đi đáng kể. 

Điều này có nghĩa là ít nhất trong 6 tháng tới, khả năng rất cao là các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với hơn một năm qua. Đây là điều cần phải lường đoán và sẵn sàng cho tình huống khó khăn.

Bàn về giải pháp giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng tích cực trong các quý tiếp theo, bên cạnh các hoạt động chống dịch, đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong thời gian tới, Chính phủ nên xây dựng một tổ hợp tín dụng cho vay tín chấp với lãi suất thấp từ 3 - 5% mà tất cả các ngân hàng đều phải tham gia. Tổng lượng vốn của tổ hợp tín dụng này khoảng 300.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhanh chóng phôi phục lại sản xuất kinh doanh. 

Số lượng các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 hiện nay là rất lớn. Do đó, tạo điệu kiện để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoạt động trở lại sẽ rất có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và ổn định an sinh xã hội.