Nâng cao tham vọng và đòi hỏi trong đàm phán khí hậu quốc tế

Hoài Vũ - 08:05, 05/10/2018

TheLEADERMặc dù đàm phán biến đổi khí hậu hiện nay đã đạt được sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế, cam kết và triển khai còn chậm chạp, gia tăng rủi ro đối với phát triển của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Pre-COP24: Cơ hội và thách thức trong việc rà soát và thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC)”, Việt Nam được nhận định cần thay đổi con đường phát triển để xóa đói giảm nghèo, xây dựng Quốc gia hưng thịnh mà không góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Quá trình rà soát và cập nhật NDC đang diễn ra là được xem là cơ hội hấp dẫn vốn đầu tư cho sự phát triển có mức phát thải thấp và sức chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam xây dựng khuôn khổ chính sách nhất quán.

Tuy vậy, việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi mô hình phát triển mà Thỏa thuận Paris khẩn thiết kêu gọi sẽ chỉ được ủng hộ đông đảo khi liên quan chặt chẽ với giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế - xã hội đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua.

Nâng cao tham vọng và đòi hỏi trong đàm phán khí hậu quốc tế
Toàn cảnh hội thảo

Các nước công nghiệp cần phải đi đầu nhưng Việt Nam, thông qua bản cập nhật NDC, cần thể hiện nhiều hơn cam kết và hành động vì khí hậu tham vọng hơn cũng như cần thực hiện ngay nhằm đảm bảo phát triển công bằng xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Việt, cán bộ của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) – Việt Nam, đại diện Nhóm Công tác Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam (CCWG) nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không đặt ra mục tiêu cắt giảm phát thải các loại khí nhà kính (GHGs) tham vọng hơn và triển khai hành động thực tế nhanh hơn nữa thì mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ trong Thỏa thuận Paris sẽ trở nên xa vời”.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian nên cần phải hành động quyết đoán, mạnh mẽ, nhanh chóng trong việc thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Paris, với mục tiêu tham vọng hơn và hiệu quả hơn, ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Việt nhấn mạnh.

Việt Nam đang cam kết mức giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đối khiêm tốn đến năm 2030. Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới vẫn chưa được đánh giá đúng mức cộng thêm quá trình ứng phó triển khai khá chậm chạp đang làm gia tăng rủi ro đối với sự phát triển của Việt Nam.

Cuối tháng 8/2018, theo dự thảo đầu tiên của Báo cáo kỹ thuật về Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày, Chính phủ Việt Nam hiện cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước so với kịch bản thông thường.

Mức phát thải CO2 trong kịch bản thông thường được nâng từ 787,4 triệu tấn lên 888,8 triệu tấn và năm cơ sở cập nhật là năm 2014 thay vì năm 2010 như trong Báo cáo ban đầu.

Ước tính, biến đổi khí hậu toàn cầu làm thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2030.

Để giảm thiểu thiệt hại và đối phó có hiệu quả với những thách thức về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất ở mức thấp hơn 2 độ C và cố gắng hơn để hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Báo cáo của German Watch chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu.

Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về 'Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững' tháng 5/2017, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã đưa ra những dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.

Cụ thể, vào cuối thế kỉ này, khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trong nước và cùng với đó, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo kịch bản, khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.