Nền kinh tế có dấu hiệu tích cực trở lại

Hoàng Đông - 08:04, 05/06/2023

TheLEADERNhiều địa phương cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 nhìn chung bắt đầu có những tiến triển tương đối khả quan so với 4 tháng đầu năm.

Nền kinh tế có dấu hiệu tích cực trở lại
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi (ảnh minh họa). Ảnh: Hoàng Anh/TL

Sau kết quả tăng trưởng GRDP quý I/2023 đầy thất vọng, đến quý II/2023, TP.HCM ước tính sẽ tăng trưởng khoảng 5,87% so với cùng kỳ.

Lý giải cho sự phục hồi của đà tăng trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố ghi nhận mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhanh so với giai đoạn đầu năm, sản xuất công nghiệp cũng thoát khỏi đà sụt giảm.

Những nút thắt đang dần được Chính phủ và địa phương phối hợp tháo gỡ, đặc biệt là về thị trường bất động sản. Theo đó, tính đến hiện tại, các bộ, ngành và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ được 18/30 vướng mắc của thị trường bất động sản, chính quyền TP.HCM triển khai giải quyết 16/36 nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền.

Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh, phục hồi đà tăng trưởng của thành phố cho thấy hiệu quả của chính sách vĩ mô, có dấu ấn của sự quyết liệt của Thủ tướng, đi cùng với đó là nỗ lực của chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng đưa ra bức tranh tương đối tươi sáng khi đón được hơn 4 triệu lượt khách du lịch từ đầu năm đến nay, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lich quốc tế đạt trên 200 nghìn lượt, gấp 8 lần cùng kỳ 2022.

Mặt khác, sản xuất công nghiệp tại Ninh Bình cũng bắt nhịp phục hồi trở lại trong tháng 5 vừa qua, tăng 5,2% so với tháng 4. Dự kiến, 2 quý đầu năm, Ninh Bình tăng trưởng đạt hơn 7,5%.

Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất lọt vào nhóm 5 địa phương tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước trong quý I/2023. Đến quý II/2023, kinh tế Hải Phòng tiếp tục khởi sắc, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 10%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) dự kiến tăng 12% so với cùng kỳ.

Một trong những điểm sáng của Hải Phòng phải kể đến là công tác xây dựng nhà ở xã hội. Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, Hải Phòng vừa khởi công 4 dự án nhà ở xã hội với số lượng 1,5 nghìn căn hộ, tương đương 50% chỉ tiêu Thủ tướng giao tới năm 2025. Về nhà ở cho công nhân, Hải Phòng đã xây dựng được 10 nghìn căn, gần đạt được chỉ tiêu tới năm 2026.

Nói về kinh nghiệm để duy trì đà tăng trưởng, ông tùng nhấn mạnh quan điểm “doanh nghiệp không tìm mình mà mình tìm doanh nghiệp để giải quyết khó khăn”. Trong thúc đẩy đầu tư công, lãnh đạo Hải Phòng cũng thể hiện sự quyết liệt thông qua công tác giải phóng mặt bằng do chủ tịch các cấp trực tiếp chỉ đạo chứ không giao cấp phó.

Bến Tre là địa phương thuộc top dẫn đầu về đầu tư công, với tổng vốn đã giải ngân đạt 34% kế hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Đào Ngọc Tam cho biết, đến nay, tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc giải phóng mặt bằng cho cầu Rạch Miễu, đồng thời khởi động thực hiện tuyến đường bộ ven biển. Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng, đặc biệt là ở các dự án trọng điểm để duy trì tốc độ giải ngân.

Một trong những khó khăn chính của nền kinh tế hiện nay là nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, dẫn đến doanh nghiệp giảm xuất khẩu, mất đơn hàng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, hiệu suất thông quan xuất khẩu qua biên giới tỉnh đã có phần phục hồi trở lại so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, với hơn 20 nghìn tấn hàng hóa mỗi ngày.

Áp dụng công nghệ số, hoạt động thông quan tại Lạng Sơn diễn ra tương đối thuận lợi, trung bình mỗi xe hàng chỉ 45 giây tại cửa khẩu Hữu Nghị. Cửa khẩu Tân Thanh do còn nhiều hàng hóa không chính ngạch nên tốc độ chậm hơn một chút, khoảng 1,5 phút cho mỗi xe hàng.

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 5, nhiều tín hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực như xuất nhập khẩu tăng, vốn FDI tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang dần được ổn định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, trước diễn biến khó lường của kinh tế, chính trị thế giới, khó khăn vẫn sẽ tiếp tục đặt ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Vì vậy, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục duy trì các giải pháp chỉ đạo, điều hành chính sách quyết liệt, chủ động, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, từ đó tranh thủ nguồn lực, cơ hội để phục hồi kinh tế, đồng thời thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.