Ngành kinh tế tỷ đô quay về chinh phục thị trường nội địa

Quỳnh Chi - 08:29, 11/06/2020

TheLEADERBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, ngành cá tra khai mở thị trường trong nước với gần 100 triệu dân sẽ đạt được mục tiêu kép, mở rộng sản xuất, giảm áp lực xuất khẩu từ đó tăng giá xuất khẩu ngược trở lại.

Ngành kinh tế tỷ đô quay về chinh phục thị trường nội địa
Ngành cá tra được nhận định là một ngành kinh tế "tỷ đô"

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay, ngành hàng cá tra Việt Namđã trở thành ngành kinh tế "tỷ đô" với việc xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. 

Uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính đã được khẳng định khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận chính thức hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ vào ngày 1/11/2019. Điều này giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó mặt hàng cá tra bị đình trệ. 

Theo thống kê năm tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra năm tháng đầu năm chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, EU giảm 47,3%, Mỹ giảm 19,8%... 

Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một lượng lớn mặt hàng ca tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được. 

Nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế. 

Đặc biệt, sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng có nguy cơ bị ảnh hưởng. 

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dự báo, từ quý III/2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. 

Trong đó, chú trọng việc củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Đạt mục tiêu kép từ thị trường nội địa

Tại sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, muốn mở rộng sản xuất và giữ ổn định giá cả cho cá tra thì bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung phát triển thị trường trong nước là yếu tố quan trọng. 

“Khai mở thị trường trong nước sẽ đạt được mục tiêu kép, giảm áp lực xuất khẩu từ đó tăng giá xuất khẩu ngược trở lại, bên cạnh đó, khai thác thị trường gần 100 triệu dân góp phần mở rộng sản lượng sản xuất. Ngoài ra, tạo thị trường sản phẩm đa dạng cho người dân lựa chọn”, ông Cường lưu ý.

Để giải quyết bài toán này, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp trọng tâm như tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng con giống; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản. 

Tìm kiếm thị trường mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính và xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra.

Ngành kinh tế "tỷ đô" quay về thị trường nội địa 1
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Để hỗ trợ tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới, các trung tâm thương mại, siêu thị... đã cam kết đồng hành đưa cá tra vào hệ thống bán lẻ trong siêu thị để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu.  

Ngoài ra, chương trình khuyến khích công chức, công nhân lao động ngành nông nghiệp tiêu dùng cá tra đã được ký kết, các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ như Masan, Nam Việt, IDI, Big C, Công ty Xuyên Việt, Công ty Hùng Cá... cũng bắt tay hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau. 

Sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” được tổ chức từ ngày 9 - 12/6/2020 tại Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa. 

Trên thực tế, sự kiện đưa cá tra đến quảng bá, tiêu thụ tại thị trường miền Bắc không phải là lần đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai. Kể từ năm 2017, hoạt động giới thiệu cá tra đã được tổ chức thành hội chợ, phiên chợ và được xem là thường niên. Tuy nhiên, người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa tiêu thụ nhiều. 

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cũng cần nghiên cứu thị hiếu, ẩm thực người miền Bắc. Bên cạnh việc tuân thủ theo quy chuẩn tiêu chuẩn, thì cần nghiên cứu để có thể nuôi được con cá tra có độ dai, độ săn chắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. 

Không chỉ là sự kết hợp giữa doanh nghiệp sản xuất và kênh phân phối mà còn phải thuyết phục được người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng, sạch, giá cả phải chăng và trở thành “gu” tiêu dùng của họ.