Người lao động sẽ tham gia sâu hơn vào quản trị doanh nghiệp

Nhật Hạ - 18:45, 25/10/2022

TheLEADERTrước khi chủ doanh nghiệp quyết định, người lao động sẽ tham gia ý kiến vào việc xây dựng, sửa đổi quy chế và các quy định nội bộ khác; xây dựng, sửa đổi thang lương, bảng lương, định mức lao động; giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động… Đồng thời người lao động cũng sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của doanh nghiệp, theo dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Người lao động sẽ tham gia sâu hơn vào quản trị doanh nghiệp
Dệt may và da giày là 2 ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: ILO

“Cơ chế vận hành của doanh nghiệp tư nhân khác hoàn toàn với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư để gây dựng doanh nghiệp bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, vì vậy doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định trong việc quản trị doanh nghiệp mà không cần hỏi ý kiến người lao động”.

Đây là một trong những lý do mà 8 hiệp hội nêu ra trong văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành cách đây 2 tuần nhằm kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân khỏi đối tượng áp dụng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cụ thể, 8 hiệp hội này gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam.

Có thể thấy, doanh nghiệp thuộc các hiệp hội nêu trên đều thuộc những ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là dệt may và da giày. Theo báo cáo của hiệp hội, dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da giày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ hơn 18%.

Với tính chất của ngành, việc sử dụng nhiều lao động như vậy khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức và quản lý lao động tại cơ sở.

Trong khi đó, theo dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sắp được thông qua trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 11, người lao động sẽ được tham gia sâu hơn vào các quyết định của doanh nghiệp.

Các nội dung doanh nghiệp phải công khai

Cụ thể, theo dự thảo luật mới nhất, tổ chức có sử dụng lao động phải công khai 8 nội dung gồm tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động; nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động; các thỏa ước lao động tập thể mà tổ chức có sử dụng lao động đã ký kết, tham gia; quy chế thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động;

Cùng với đó, công khai việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động; nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Các nội dung trên phải được đăng trên trang thông tin điện tử nội bộ ít nhất là 20 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu đăng tin hoặc gửi thông tin đến người lao động. Nếu hết thời hạn công khai, người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của người lao động.

Nội dung người lao động bàn và quyết định

Những nội dung người lao động bàn và quyết định gồm nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật; việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động; việc bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; nội dung nghị quyết tại hội nghị người lao động; các nội dung tự quản khác trong nội bộ tổ chức không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Các nội dung trên được bàn và quyết định tại hội nghị người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm tài chính của tổ chức nhưng không chậm hơn 3 tháng của năm tiếp theo.

Hội nghị người lao động được tổ chức bất thường khi có đề xuất của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở, người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số người lao động của tổ chức cùng đề nghị.

Sau đó, định kỳ 6 tháng một lần, người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động; thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá đến toàn thể người lao động trong tổ chức.

Nội dung người lao động tham gia ý kiến

Ngoài ra, trước khi tổ chức có sử dụng người lao động quyết định, người lao động được tham gia ý kiến vào các nội dung gồm xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các quy định nội bộ khác liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Tổ chức có sử dụng lao động có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến người lao động về các nội dung trên; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia và thực hiện công khai nội dung giải trình, tiếp thu đến người lao động.

Nội dung người lao động kiểm tra, giám sát doanh nghiệp

Người lao động sẽ kiểm tra, giám sát các nội dung người lao động đã bàn và quyết định. Đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của tổ chức có sử dụng lao động, người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của tổ chức có sử dụng lao động.

Khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh đến người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của tổ chức có sử dụng lao động; kiến nghị, phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên, hội viên được tổ chức tại tổ chức có sử dụng lao động; phản ánh, yêu cầu Ban Thanh tra nhân dân xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.

Tổ chức có sử dụng lao động có trách nhiệm Xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời kiến nghị, phản ánh của người lao động, kiến nghị của Công đoàn, tổ chức khác đại diện cho người lao động và các tổ chức đoàn thể khác tại tổ chức; chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; đồng thời tạo điều kiện và bảo đảm để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật…

Quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân

Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động do hội nghị người lao động bầu gồm từ 3 đến 9 thành viên theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở.

Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân gồm kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; việc tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể người lao động ở tổ chức có sử dụng lao động; kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;

Cùng với đó, yêu cầu người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của tổ chức có sử dụng lao động cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc kiểm tra, giám sát; xác minh vụ việc cụ thể theo đề nghị của người lao động ở tổ chức có sử dụng lao động; kiến nghị ban lãnh đạo, điều hành tổ chức có sử dụng lao động khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc kiểm tra, giám sát; trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của người lao động.