‘Cần thực hiện dân chủ ở tất cả các doanh nghiệp để đảm bảo tính bình đẳng’

Nhật Hạ - 09:05, 24/10/2022

TheLEADERỦy ban thường vụ Quốc hội cho rằng doanh nghiệp nhà nước hiện có cơ chế quản lý, môi trường đầu tư kinh doanh, cạnh tranh ngày càng tiệm cận với với các quy chuẩn chung như doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp để bảo đảm tính bình đẳng.

‘Cần thực hiện dân chủ ở tất cả các doanh nghiệp để đảm bảo tính bình đẳng’
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được thảo luật ‘sôi nổi’ tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV. Trong đó hai vấn đề được các đại biểu tranh luận nhiều nhất gồm đối tượng áp dụng của luật có cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thứ hai là việc tổ chức thanh tra nhân dân tại cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước hiện nay không chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn do Nhà nước đầu tư, thành lập và tổ chức quản lý mà được mở rộng sang doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phẩn có quyền biểu quyết theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Do đó, nếu chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp nhà nước thì sẽ chưa thật sự đầy đủ và có thể tạo thêm áp lực, trách nhiệm cho doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, về cơ chế quản lý, môi trường đầu tư, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn chung như các doanh nghiệp khác.

Mặt khác, nếu chỉ quy định thành lập Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở như xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp như hiện nay, thì ‘vô hình chung’ sẽ tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động ở ngoài công lập.

Điều đó sẽ khiến cho người lao động ở khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình tại nơi làm việc, trong khi đây cũng là khu vực cần hỗ trợ tích cực để người lao động thực hiện được đầy đủ các quyền của mình.

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như tổ chức có sử dụng lao động nói chung để đảm bảo tính bình đẳng.

Cùng với đó, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra, ông Tùng cho biết khi thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, vấn đề này đã được khẳng định từ lâu trong văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản, quy định về thực hiện dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Việc thực hiện quy định dân chủ ở cơ sở đạt được các kết quả tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, những quy định này đều thuộc văn bản dưới luật, chưa thật sự đầy đủ và còn phân tán, chưa có tính hệ thống.

Vì vậy, ông Tùng cho rằng để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, việc thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong luật này là cần thiết.

Bên cạnh đó, luật này sẽ đảm bảo việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động, mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo luật được xây dựng với tinh thần phát huy tối đa dân chủ và thực hiện tinh thần dân chủ, toàn diện, rộng rãi để lấy ý kiến của người dân và các đối tượng chịu tác động.

Cách thiết kế của dự thảo luật đã đảm bảo được tính kế thừa, đổi mới và phát triển những cái quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành và đảm bảo không chồng chéo, không mâu thuẫn và xung đột với các văn bản luật liên quan.

Đồng thời không làm thay đổi bản chất của quan hệ lao động, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế và không ảnh hưởng đến việc thực hiện theo Luật Lao động.

Trong một diễn biến khác, cách đây gần 2 tuần, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam đã có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các hiệp hội này cho rằng việc áp dụng Luật thực hiện dân chủ cơ sở cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp.