Người Việt ít di cư, chuộng TP.HCM hơn Hà Nội

Hoài An - 16:13, 14/04/2021

TheLEADERCứ 5 người di cư nội địa thì có 1 người mong muốn di chuyển tới TP.HCM.

Theo kết quả khảo sát từ báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2020, chỉ có khoảng 6,5% số người được hỏi cho biết muốn di cư lâu dài khỏi địa phương đang cư trú.

Các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung có tỉ lệ người mong muốn rời đi nhiều nhất. Đơn cử, có tới 19% số người được hỏi ở tỉnh Đắk Nông cho biết họ muốn chuyển đi nơi khác.

Trong khi đó, tương tự với phát hiện nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác, người đang sống ở các thành phố lớn ít có nhu cầu di cư hơn. Ví dụ, số người dân Cần Thơ và TP.HCM mong muốn rời đi rất thấp.

Phân tích dữ liệu cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương không phải là yếu tố chính quyết định nhu cầu di cư của một người. Không có mối quan hệ tương quan nào giữa những tỉnh, thành phố được đánh giá khá hơn trong PAPI và mong muốn di cư của một công dân. Báo cáo nhận định rất có thể các động cơ kinh tế đóng vai trò thúc đẩy lớn hơn.

Người Việt ít di cư, chuộng TP.HCM hơn Hà Nội
Tỉnh, thành phố được người dân lựa chọn khi muốn di cư đến. Nguồn: PAPI 2020.

Trong số các địa phương người dân muốn chuyển tới khi di cư nội địa, hai địa điểm được ưa chuộng nhất là Hà Nội và TP.HCM. Có tới 22% số người trả lời chọn TP.HCM là nơi họ mong muốn chuyển đến, cao gấp đôi so với tỉ lệ mong muốn di chuyển tới Hà Nội.

Lâm Đồng là tỉnh hấp dẫn người di cư thứ ba, với tỉ lệ 5,6% số người được hỏi chọn Lâm Đồng là điểm đến. Đà Nẵng và Cần Thơ đứng thứ tư và thứ năm trên danh sách được lựa chọn, tiếp đến là hai tỉnh công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai.

Điều này cho thấy, tương tự ở nhiều quốc gia khác, phần lớn người di cư muốn chuyển tới các đô thị lớn và các vùng phụ cận trong nước.

“Địa bàn được chọn đáng ngạc nhiên là Lâm Đồng, nhưng lâu nay thành phố Đà Lạt vẫn được xem là trung tâm kinh tế của Tây Nguyên”, báo cáo phân tích.

Lý do chính khiến người dân chọn di cư là đoàn tụ gia đình, chiếm gần 50%. Có việc làm tốt hơn và môi trường tự nhiên tốt hơn là hai lý do tiếp theo được nhiều người trả lời đưa ra.

Trong khi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng thường được chọn vì lý do đoàn tụ gia đình và cơ hội việc làm, đa số mọi người chọn Lâm Đồng vì môi trường tự nhiên tốt hơn.

Người Việt ít di cư, chuộng TP.HCM hơn Hà Nội 1
Nguồn: PAPI 2020.

Thông tin do người dân tạm trú cung cấp giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về tác động của di cư trong nước đối với hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh.

Phân tích cho thấy người dân di cư có xu hướng nghèo hơn và có ít tài sản hơn và thu nhập thấp hơn so với người dân thường trú và họ thường là phụ nữ. Vì vậy, trải nghiệm của người dân di cư rất khác so với người dân thường trú trong cùng một địa bàn dân cư.

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen khuyến nghị để thu hẹp những khoảng cách này, các tỉnh tiếp nhận người di cư trong nước cần tập trung giải quyết nhu cầu về thông tin và những mong đợi của tất cả mọi người dân, cả thường trú và tạm trú.

“Nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước công dân số hóa hiện nay là những bước đi đúng hướng của Chính phủ. Một mã số nhận dạng thống nhất sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận quản trị và dịch vụ công một cách bình đẳng, bất kể nơi cư trú của họ trong phạm vi Việt Nam”, bà cho biết.

Về mong muốn di cư quốc tế, rất ít người trả lời cho biết họ sẽ di cư ra nước ngoài. Chỉ có dưới 1% cho biết họ muốn ra nước ngoài sinh sống nếu họ di cư.

Với những ai muốn di cư ra nước ngoài, ba quốc gia được lựa chọn là Mỹ, Nhật và Úc. Tỉ lệ này cũng nhất quán với nhiều nghiên cứu quốc tế cho rằng phần lớn người dân không nghĩ tới di cư quốc tế trừ khi trung gian môi giới tiếp cận và khuyến khích.