Người Việt mạnh tay mua trà sữa, đồ ăn nhanh dù phải thắt chặt chi tiêu

Việt Hưng - 16:27, 19/04/2023

TheLEADERTrong khi hầu hết người dùng đang cố gắng giữ chặt túi tiền, thì ở ngành F&B, sức mua với các mặt hàng như đồ ăn nhanh, trà sữa vẫn tồn tại, tạo ra dòng chảy của thị trường và là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng Việt Nam.

PwC Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023. Báo cáo nêu rõ những sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt giữa cuộc khủng hoảng giá cả toàn cầu và lạm phát vẫn đang tiếp tục lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới.

Người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu của mình. Khảo sát của PwC cho thấy 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu.

Sự cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%).

Điều tương tự cũng được ghi nhận trong báo cáo của Công ty thanh toán Payoo trong quý 1/2023, khi nhóm hàng hóa dịch vụ không thiết yếu chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều tụt giảm 30-50% doanh thu so với quý trước.

Người Việt mạnh tay mua trà sữa, đồ ăn nhanh dù phải thắt chặt chi tiêu
Người Việt mạnh tay mua trà sữa, đồ ăn nhanh dù phải thắt chặt chi tiêu

Hàng hoá dịch vụ thiết yếu cũng không ngoại lệ. Mức giảm được ghi nhận qua nền tảng Payoo là 5-10% doanh thu với nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 10% đối với các trung tâm thương mại - nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, nội thất.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết người dùng đang cố gắng giữ chặt túi tiền, thì ở ngành F&B, sức mua vẫn tồn tại, tạo ra dòng chảy của thị trường và là yếu tố thúc đẩy khó khăn kinh tế không trầm trọng hơn.

Ngành hàng ăn uống của các nhà hàng tầm trung, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (mức chi tiêu 150.000 đồng – 300.000 đồng/người) lại có mức tăng trưởng 30% so với quý trước.

Đáng chú ý, nhóm mặt hàng trà sữa, cà phê, với đơn giá trung bình 40.000 đồng - 70.000 đồng/phần có sự tăng nhẹ gần 5% so với quý trước.

Thống kê ngành F&B trong nền tảng thanh toán Payoo, những nhà hàng tiêu chuẩn fine-dining (cao cấp) với mức chi tiêu tầm 1 triệu đồng/người cho mỗi bữa ăn vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn, thậm chí hút khách hơn dù giá trị trung bình mỗi đơn hàng ở quý này đã tăng 7% so với quý trước.

Nhận định về thị trường tiêu dùng, bán lẻ trong quý 2/2023, báo cáo của Payoo cho rằng sẽ còn nhiều thách thức nhưng vẫn có cái nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế tích cực trong trung và dài hạn.

"Chúng tôi đánh giá những giai đoạn thách thức này giúp tạo ra một thế hệ doanh nghiệp và người lao động có sức chống chịu tốt hơn để vượt qua khó khăn, hướng đến sự tăng trưởng bền vững", đại diện Payoo nhấn mạnh.