Nguy cơ cao suy thoái kinh tế toàn cầu

Hoài Linh - 14:59, 31/01/2023

TheLEADERTăng trưởng toàn cầu năm 2023 giảm từ mức dự kiến 3% vào 6 tháng trước xuống còn 1,7% trong báo cáo mới nhất từ World Bank.

Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài, theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của World Bank (Ngân hàng Thế giới).

Do điều kiện kinh tế mong manh, bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào, chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang, có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 80 năm xảy ra hai cuộc suy thoái toàn cầu trong cùng một thập kỷ.

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2023, và 2,7% vào năm 2024. Tăng trưởng suy giảm mạnh dự kiến sẽ lan rộng, với dự báo điều chỉnh giảm đối với 95% nền kinh tế phát triển và gần 70% các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE) vào năm 2023.

“Các nỗ lực phát triển đang đối mặt với khủng hoảng gia tăng khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu xấu đi”, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Malpass cho biết.

Ông cho biết, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển đang phải đối mặt với giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài nhiều năm, do gánh nặng nợ nần chồng chất và đầu tư kém hiệu quả, vì lượng vốn toàn cầu sẽ chủ yếu đổ về các nền kinh tế phát triển, khi các nước này đang đối mặt với mức nợ chính phủ cực kỳ cao và lãi suất tăng mạnh.

Yếu kém trong tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh sẽ làm trầm trọng thêm những thay đổi ngược vốn đã có tác động tiêu cực trong giáo dục, y tế, nghèo đói và cơ sở hạ tầng, cũng như nhu cầu ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự đoán sẽ chậm lại, từ 2,5% vào năm 2022 xuống còn 0,5% vào năm 2023. Trong hai thập kỷ qua, sự suy giảm lớn cỡ này thường báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu.

Tại Mỹ, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023, thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó, và là mức tăng trưởng thấp nhất ngoài các đợt suy thoái chính thức kể từ năm 1970.

Trong năm 2023, tăng trưởng của khu vực đồng Euro dự kiến ở mức 0%, điều chỉnh giảm từ mức dự báo 1,9% trước đó.

Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng được dự đoán là 4,3% vào năm 2023, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với các dự báo trước.

Nếu loại trừ Trung Quốc, tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ giảm từ 3,8% năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023, phản ánh nhu cầu trên thị trường nước ngoài giảm đáng kể cộng với lạm phát cao, đồng tiền mất giá, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và các khó khăn khác ở trong nước.

Đến cuối năm 2024, GDP ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển sẽ thấp hơn khoảng 6% so với mức dự kiến trước đại dịch. Mặc dù dự kiến sẽ ở mức vừa phải, nhưng lạm phát toàn cầu sẽ vẫn cao hơn mức trước đại dịch.

Trong báo cáo, World Bank đã đưa ra đánh giá toàn diện đầu tiên về triển vọng trung hạn đối với tăng trưởng đầu tư tại các thị trường mới nổi và đang phát triển.

Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2024, tổng số vốn đầu tư vào các nền kinh tế này có khả năng tăng khoảng 3,5% mỗi năm - thấp hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong hai thập kỷ trước.

“Đầu tư chững lại là một vấn đề đáng quan ngại nghiêm trọng vì có liên quan đến năng suất và thương mại suy giảm, đồng thời làm giảm triển vọng kinh tế nói chung. Nếu không có tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ và bền vững, sẽ khó có thể có những bước tiến có ý nghĩa để đạt được các mục tiêu phát triển và khí hậu rộng hơn,” ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới cho biết.

“Các chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng đầu tư cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, nhưng luôn bắt đầu bằng việc thiết lập các khuôn khổ chính sách tài chính và tiền tệ lành mạnh, cũng như thực hiện các cải cách toàn diện trong môi trường đầu tư”, ông khuyến nghị.