Công nghệ giúp những đồng lương của người lao động đến sớm
Thay vì phải tìm tới tín dụng đen, hay thực hiện các khoản vay lãi suất cao, giờ đây người lao động có thêm một giải pháp tài chính linh hoạt từ chính tiền lương của mình.
Cung tiền bị siết chặt, doanh nghiệp không có đơn hàng, dẫn đến người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động tự do bị giảm thu nhập, mất việc làm. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Social Life, một cuộc khủng hoảng về an sinh đang dần hiện hữu.
Đến thời điểm này, có thể tin tưởng rằng Việt Nam đã có một năm 2022 thành công về điều hành chính sách, với tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức ổn định, GDP tăng trưởng khả quan.
Tuy nhiên, những bất ổn vẫn đang dần xuất hiện. Nếu như sản xuất phục hồi mạnh mẽ giai đoạn đầu năm thì đến cuối năm lại đang giảm tốc do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu dẫn đến tình trạng thiếu đơn đặt hàng. Tình hình chuỗi cung ứng biến động bất thường ảnh hưởng đến thị trường một số loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt phải kể đến xăng dầu.
Cung tiền bị siết chặt do chính sách tiền tệ, công cụ tài khóa hữu hiệu là đầu tư công không phát huy được vai trò, doanh nghiệp đang đứng trước thách thức có lẽ lớn không kém gì khủng hoảng Covid-19.
Một cuộc khủng hoảng trầm trọng về an sinh xã hội đang hiện hữu, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Social Life. TheLEADER đã có buổi trò chuyện với ông Lộc để nhìn lại toàn cảnh bức tranh của người lao động phổ thông, lao động tự do trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Đằng sau rủi ro kinh tế, đằng sau những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, không thể không kể đến những khó khăn đặt ra đối với lực lượng lao động phổ thông, lao động tự do, những đối tượng vốn đã chật vật sinh tồn suốt 2 năm đại dịch, nay lại bị giảm thu nhập, mất việc làm.
Bối cảnh hiện tại xăng dầu khan hiếm, dòng tiền bị siết, doanh nghiệp mất đơn hàng, khiến cho một bộ phận không nhỏ người lao động phổ thông, lao động tự do bị giảm thu nhập, mất việc làm. Ông đánh giá thế nào về thực trạng hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Như đã biết, doanh nghiệp đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, trước những khó khăn này, đa phần doanh nghiệp cũng nói rằng không có kế hoạch sa thải nhân công, chỉ có khó khăn quá, phá sản thì người công nhân bị mất việc.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phải thực hiện một giải pháp mang tính kỹ thuật, đó là giảm giờ làm. Trước đây, doanh nghiệp tạo cơ chế tăng ca, tăng giờ làm để công nhân tăng thu nhập nhưng giờ đơn hàng không có, muốn tăng ca cũng chẳng có gì mà làm. Như vậy, thu nhập của người lao động bị giảm đi so với trước đây.
Trong số người lao động bị mất việc, hoặc bắt buộc phải bỏ việc, đáng lo ngại nhất là nhóm những lao động khoảng 40 tuổi. Họ chưa đến tuổi về hưu nhưng cũng đã quá tuổi còn sức trẻ nên cơ hội có lại việc làm là rất gian truân.
Chi phí trên thành phố đắt đỏ, người lao động phải lựa chọn hoặc làm công việc tự do, hoặc bỏ về quê. Nhưng nếu bỏ về quê, họ biết phải làm gì? Những người lao động đã đi làm công nhân 10 - 20 năm, phần nào quên đi cách chăm bón cho cây hay nuôi con bò, con heo. Một số sẽ chấp nhận trở về với cái “nền kinh tế vừa đủ” tức là tự cung tự cấp, rau cháo qua ngày, giải quyết được cái đói trước mắt.
Số còn lại, thấy ai làm gì là bắt chước theo thôi vì đâu ai định hướng cho họ? Ví dụ đợt này vào dịp cận tết, chắc lại đổ xô đi trồng hoa tết, rồi cung vượt cầu, hàng bán chẳng được.
Làm công việc tự do cũng rất khó khăn bởi tình trạng chung của nền kinh tế, ví dụ như lái xe thì xăng dầu đang khan hiếm, buôn bán nhỏ lẻ cũng chẳng biết bán cho ai khi thu nhập của mọi người đều bị giảm.
Khả năng ứng dụng kỹ năng nghề nghiệp vào sinh kế mới cũng khó. Tôi lấy ví dụ như công nhân may mặc, có những người may rất đẹp, có kỹ thuật tốt nhưng vì làm theo dây chuyền nên họ chỉ biết may mỗi cái cổ áo hoặc cái tay áo thôi, chứ những phần khác thì chịu. Có cô công nhân bảo với tôi là “rất yêu thích nghề may”, tuy nhiên như vậy sao đủ để ra mở tiệm may?
Một số công nhân chấp nhận tiếp tục công việc dù thu nhập bị giảm. Họ cố gắng xoay xở để tìm kiếm cơ hội trên thành phố. Đây sẽ là những “con mồi” tiềm năng của nạn tín dụng đen.
Tại vì thu nhập không đủ chi tiêu nên một số người lao động phải vay tiền để trang trải cuộc sống. Vướng tín dụng đen, có người công nhân phải đưa luôn thẻ nhận lương cho chủ nợ. Hoặc không trả được nữa thì bị “tụi nó” khống chế, bắt làm việc này việc kia.
Tất cả những điều ấy dẫn đến nguy cơ hiện hữu, đó là nguy cơ một cuộc khủng hoảng về an sinh xã hội. Cuộc khủng hoảng này thực tế không phải quá bất ngờ mà đã được dự báo từ trước.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và bất thường dẫn đến tình thế khó khăn như hiện nay, tại sao ông lại nói là đã được báo trước?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Từ khoảng hơn 30 năm trở về trước, Việt Nam không có nhiều nguồn lực, do đó đã phải lựa chọn đi theo hướng tập trung thu hút đầu tư những dự án thâm dụng lao động, thu hút những doanh nghiệp có nhu cầu lớn về lao động phổ thông và tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ.
Hình dung chuỗi giá trị toàn cầu theo “mô hình nụ cười”, chúng ta đã chọn vùng trũng ở đáy.
Chúng ta cũng dồn lực để đẩy một số khu vực kinh tế trọng điểm đi lên, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ. Qua Covid-19 có thể thấy, Việt Nam vẫn ưu tiên vaccine cho vùng này, giống như là một gia đình, có người ốm thì phải có người khỏe để làm lụng kiếm tiền.
Hình dung chuỗi giá trị toàn cầu theo “mô hình nụ cười”, chúng ta đã chọn vùng trũng ở đáy.
Mô hình phát triển như vậy không sai, nó rất phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Tuy nhiên, sau 30 năm, nó đã gây ra sự chênh lệch giữa vùng trọng điểm với vùng không trọng điểm, chênh lệch giữa công nghiệp với nông nghiệp. Ảnh hưởng bởi diễn ngôn “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, một số địa phương thậm chí còn sử dụng chỉ tiêu “mức độ dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp” để đánh giá thi đua.
Trong khi đó, nông nghiệp không được chú trọng, canh tác gặp nhiều khó khăn. Làm một bài toán nhỏ, giả dụ như lao động ở nông thôn, tự cung tự cấp, bán nông sản đi, anh nông dân kiếm thêm được khoảng 500 ngàn đồng mỗi tháng. Cũng anh nông dân đó, ra thành phố làm công nhân, lương chỉ 5 triệu thôi, ăn tiêu dè xẻn hết 3 triệu đồng, còn 2 triệu đồng gửi về quê. Như thế xét về mặt thu nhập là đã cao hơn mấy lần rồi. Vậy nên hiển nhiên người lao động sẽ lựa chọn lên thành phố, lên các khu công nghiệp thay vì ở lại quê nhà để làm nông.
Mức lương tối thiểu vùng của Việt Nam cũng đặt ra tương đối thấp để thu hút đầu tư. Với mức lương thấp, công nhân phải tăng ca thì mới đủ tiền để trang trải cuộc sống hoặc dôi dư ra chút tiết kiệm để đề phòng bất trắc.
Nhà nước đưa ra chính sách để làm tăng trách nhiệm của doanh nghiệp lên, ví dụ như bắt đóng bảo hiểm cho người lao động chẳng hạn. Người lao động càng làm lâu thì doanh nghiệp càng phải đóng nhiều. Thế là doanh nghiệp chuyển dần sang mô hình “hậu tiền lương”, tức là trả lương theo sản phẩm, đặc biệt là đối với những người lao động đã có tuổi.
Tất cả những điều ấy gây ra rất nhiều rủi ro cho người lao động. Khi doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng giảm sút, thu nhập của người lao động sẽ giảm đi đáng kể. Trong khi đó, nông nghiệp được xem như bệ đỡ cho người lao động, lại chưa được chú trọng.
Thời gian qua, nền kinh tế gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Trong đại dịch Covid-19, một trong những nỗi lo lớn nhất là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đến quý I năm nay, sản xuất phục hồi nhưng dịch vụ vẫn còn ảm đạm. Chúng ta thấy sản xuất phục hồi thì mừng mà lại quên mất rằng cần phục hồi một cách cân bằng.
Thực tế, sau khi tiêm phủ vaccine, tôi đánh giá là Việt Nam đã khá an toàn để mở cửa du lịch. Nếu mở cửa sớm, du lịch sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nhiều thu nhập. Thật ra mấy năm kinh tế khó khăn, du khách sẽ không chi tiêu quá nhiều đâu nhưng chắc chắn họ sẽ đi du lịch để giải tỏa bớt cơn “cuồng chân”. Mỗi người tiêu khoảng 200 USD thôi, nhân lên với cả triệu người, chúng ta đã có một lượng tiền lớn rồi.
Ngoài ra thì đầu tư giải ngân chậm cũng là một vấn đề. Nếu giải ngân tốt, đầu tư công cũng là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay.
Hiện tại, công tác điều hành chính sách được đánh giá là tương đối thành công. Tôi thấy hình ảnh Thủ tướng cùng các vị lãnh đạo cấp cao đi khắp nơi để đốc thúc các công việc là rất đáng quý, phản ánh nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong việc điều hành chính sách. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu chúng ta thiết kế được một nền kinh tế có khả năng tự vận hành.
Nền kinh tế dự báo là sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2023 và có thể là cả năm 2024 nữa. Theo ông, chúng ta nên làm gì để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế cho người lao động?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Về mặt vĩ mô, chúng ta cần phát triển một cách tổng thể, thay vì đi theo trọng điểm như trước đây, bởi có trọng điểm sẽ có sự mất cân bằng.
Cùng với đó, có lẽ các diễn ngôn về phát triển sẽ phải thay đổi. Không thể tiếp tục sử dụng những diễn ngôn chỉ chú trọng công nghiệp, bỏ quên đi nông nghiệp, ví dụ như “ly nông bất ly hương”. Nông nghiệp đâu có tội tình gì? Nông nghiệp nếu được duy trì tốt thì cũng mở ra rất nhiều cơ hội.
Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước suốt hàng ngàn năm nay. Nông nghiệp là thế mạnh của chúng ta, một cái thế mạnh mà chúng ta vô tình bỏ quên mất bao lâu nay. Qua đợt Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội vào quý III/2021, ta lại càng thấy được vai trò “bệ đỡ” của nông nghiệp.
Có những nghiên cứu xã hội đã chỉ ra rằng ở Việt Nam, người nông dân đang đi đầu trong những giải pháp đổi mới sáng tạo
Thực ra, khu vực nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế là người nông dân rất năng động và sáng tạo. Có những nghiên cứu xã hội đã chỉ ra rằng ở Việt Nam, người nông dân đang đi đầu trong những giải pháp đổi mới sáng tạo. Tư duy của họ đi trước các nhà quản lý, đi trước cả các nhà khoa học.
Có nơi ở miền Tây, khi canh tác trồng trọt không còn tạo ra năng suất cao, người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng trọt phục vụ du lịch, tạo ra không gian “đất rừng phương Nam” xưa, rất hấp dẫn trong mắt khách du lịch nước ngoài. Một số vị khách Tây còn ở lại đây đến 6 tháng trời.
Sau một thời gian, chính quyền bắt đầu can thiệp, áp những tiêu chuẩn ví dụ như yêu cầu phòng tắm phải có vòi sen chứ không được dùng gáo dừa múc nước; đòi xây một cây cầu dẫn ra hòn đảo thay vì đi thuyền, đi phà… Những cái đấy phá hỏng bản sắc, làm du khách chẳng còn hứng thú với nơi đó nữa.
Hay như câu chuyện nuôi tôm để thích ứng với xâm nhập mặn; phát triển canh tác dưới tán rừng… tất cả đều xuất phát từ người nông dân, sau đó được nhà khoa học quan sát và đúc kết lại.
Một thế mạnh khác của chúng ta là văn hóa cổ truyền gắn liền với nông nghiệp. Tôi nhớ ở Trà Vinh, có cặp vợ chồng người Khơ me, tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Ra trường, họ về quê lập nghiệp bằng phương pháp cổ của người Khơ me là mát xa cho hoa dừa để khai thác mật hoa dừa. Thành phẩm tạo ra là một dòng mật thơm ngon, ngọt thanh, lại bổ dưỡng, được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng.
Tuy nhiên, quay trở lại phát triển nông nghiệp không phải là nông nghiệp manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp nữa mà làm sao phải phát triển một nền nông nghiệp bền vững, thuận thiên, ứng dụng công nghệ cao.
Sắp tới, khi người lao động rời thành phố, bỏ về quê để kiếm kế sinh nhai, chúng ta sẽ có thêm một lực lượng lao động lớn để phát triển nông nghiệp. Nhân dịp này, nên có giải pháp để định hướng cho họ, đưa họ vào những mối quan hệ hợp tác mang tính bền vững, tạo ra giá trị cao hơn.
Cụ thể, người nông dân không cần phải trở thành “những con rồng” để vượt bão, để đưa nông sản ra thị trường quốc tế. Họ chỉ cần cố gắng làm sao cho ra nông sản thật ngon, thật sạch. Doanh nghiệp sẽ đảm nhận vai trò tìm kiếm, phát triển thị trường.
Tất nhiên, chúng ta vẫn thu hút đầu tư vào công nghiệp nhưng nên chú trọng công nghiệp phục vụ cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, ví dụ như khâu chế biến sau thu hoạch, thay vì những công nghiệp thâm dụng lao động như trước đây.
Tóm lại, cần phải tạo ra sinh kế bền vững cả nông nghiệp và phi nông nghiệp ở chính các vùng nông thôn. Như trước đây, tôi có dự mấy ngày hội việc làm ở một số địa phương, thấy đa số toàn là công ty xuất khẩu lao động và công ty bất động sản đi tuyển “cò đất”. Những cái đó đâu tạo ra giá trị gì bền vững đâu.
Tôi quan niệm rằng, mỗi cuộc khủng hoảng, khó khăn đều sẽ đi kèm với cơ hội. Trước nguy cơ khủng hoảng an sinh xã hội chúng ta đang phải đối diện tới đây, cũng chính là cơ hội để tạm dừng lại một nhịp, để cân nhắc tới sự phát triển hài hòa hơn, bền vững hơn.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!
Thay vì phải tìm tới tín dụng đen, hay thực hiện các khoản vay lãi suất cao, giờ đây người lao động có thêm một giải pháp tài chính linh hoạt từ chính tiền lương của mình.
Trước khi chủ doanh nghiệp quyết định, người lao động sẽ tham gia ý kiến vào việc xây dựng, sửa đổi quy chế và các quy định nội bộ khác; xây dựng, sửa đổi thang lương, bảng lương, định mức lao động; giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động… Đồng thời người lao động cũng sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của doanh nghiệp, theo dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các dự án phát triển nhà ở xã hội đang mắc kẹt giữa loạt thủ tục đầu tư gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo giám đốc World Bank tại Việt Nam, già hoá dân số, tỷ lệ việc làm phi chính thức cao và biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội
Ông Hoàng Nam Tiến tin rằng, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), nếu thế hệ sinh viên không khai phá tiềm năng sẽ dễ dàng rơi vào nhóm 90% người bình thường.
Không chỉ là thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, mỗi chai nước uống sữa trái cây mãng cầu còn là món quà ý nghĩa mà giới trẻ dành tặng nhau, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia nguồn năng lượng tích cực.
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm đan xen vào chiều 31/10. Tuy nhiên, so với đầu tháng 10, giá xăng hiện tại vẫn tăng khoảng 700 đồng.
Doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hiện diện tại Việt Nam với nhiều đóng góp cho tiến trình hướng đến phát triển bền vững.
VinFast và đối tác FGF hợp tác triển khai chương trình “Thu cũ - Đổi mới” đặc biệt kể từ ngày 1/11/2024 nhằm hỗ trợ mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi xanh.
Các dự án nhà ở vừa túi tiền vùng ven TP. HCM đang cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với cả người mua ở thực và nhà đầu tư.
Tín chỉ carbon đang được một số đơn vị bán cho nước ngoài nhưng còn nhiều vướng mắc, cần khung pháp lý để đảm bảo thông thoáng.