Cộng đồng nông nghiệp ‘thuận thiên’ của Abavina

Phạm Sơn - 13:46, 09/11/2022

TheLEADERTrong hành trình 5 năm đồng hành và tạo sinh kế bền vững cho bà con nông dân miền Tây, bà Nguyễn Thị Kim Thoa và đội ngũ Abivina luôn tâm niệm “vấn đề của cộng đồng phải để cộng đồng cùng nhau giải quyết”.

Cộng đồng nông nghiệp ‘thuận thiên’ của Abavina
Đối với Abavina, "thuận thiên" là chìa khóa để giải quyết vấn đề sinh kế cho bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2009, khi vào Hậu Giang để thực hiện một dự án phát triển cộng đồng, chị Nguyễn Thị Kim Thoa phát hiện ra một thực trạng đáng để suy ngẫm.

Đó là so với miền Trung, quê hương chị, miền Tây được thiên nhiên ưu đãi với đất đai trù phú, khí hậu thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, những thanh niên ở miền Tây vẫn lựa chọn “tha phương cầu thực”, đi lên Bình Dương, lên TP. HCM để tìm kiếm kế sinh nhai, bỏ lại quê nhà chỉ còn cha mẹ già và con nhỏ.

Thực tế, vấn đề này đã được nhiều chuyên gia khái quát lại thành một “vòng xoáy đi xuống” cho Đồng bằng sông Cửu Long. Thiếu cơ hội kinh tế, thiếu lao động trẻ dẫn đến khó thu hút đầu tư, miền Tây vướng vào một vòng luẩn quẩn kìm hãm sự phát triển.

Mang theo nỗi trăn trở ấy, sau một thời gian theo học về nông nghiệp hữu cơ và phát triển nông thôn, đến năm 2017, bà Thoa quyết định thành lập Công ty Abavina, với mục tiêu sử dụng chính nông nghiệp, tức là tận dụng thế mạnh về tài nguyên, thổ nhưỡng, khí hậu của miền Tây, để giải quyết câu chuyện sinh kế cho chính miền Tây.

Tuy nhiên, nông nghiệp ấy không phải lối canh tác kiểu cũ mà là nền nông nghiệp hữu cơ, thuận thiên, tạo ra những hạt gạo, những trái cây không chỉ thơm, ngon mà còn sạch, an toàn với người tiêu dùng, không gây tổn hại tới môi trường.

“Cộng đồng phải cùng nhau giải quyết vấn đề”

Cộng đồng nông nghiệp ‘thuận thiên’ của Abavina
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty Abavina. Ảnh: VNF

Abavina là doanh nghiệp hoạt động với mô hình phát triển cộng đồng, dựa trên triết lý “vấn đề của cộng đồng thì cộng đồng phải cùng nhau giải quyết”. Tuy nhiên, làm sao để cộng đồng chịu “cùng nhau giải quyết” là một bài toán hóc búa.

Giải pháp được bà Thoa cùng đội ngũ Abavina đề ra là thiết kế những mô hình tùy chỉnh dựa trên đặc điểm của từng nông hộ, mỗi nông hộ khác nhau sẽ có phương án phát triển nông nghiệp thuận thiên, kinh doanh nông sản khác nhau. Dần dần, hàng loạt giải pháp được Abavina đưa ra như sử dụng phân bón từ chuối, cá, ốc bươu vàng; thuốc cải tạo đất chế từ tỏi, ớt, bột bình bát; lựa chọn cây trồng phát triển đa tầng…

Áp dụng phương thức canh tác hữu cơ, năng suất mỗi vụ của bà con bị giảm đi từ khoảng 30 – 50% nhưng bù lại là giá bán ra có khi cao hơn gấp 2 – 3 lần, lại được tiêu thụ một cách ổn định, không còn phụ thuộc vào thương lái. Nông sản của các nông hộ thuộc mô hình Abavina được lựa chọn làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà hàng chay, nhà hàng thực dưỡng, một số còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan...

Dần dần, thông qua sự hướng dẫn của Abavina, kết hợp với những kinh nghiệm canh tác lâu đời, bà con hiểu được rằng nông nghiệp muốn bền vững phải là nông nghiệp “thuận thiên”: thuận theo điều kiện tự nhiên, thuận theo nguồn lực và tài nguyên; thuận theo thời tiết, mùa vụ canh tác. Nhờ đó, nông dân tạo ra những nông sản ngon – lành, lại vẫn giữ được môi trường không bị tổn hại.

Thiết kế xong phương án, mô hình phù hợp, Abavina lại tiếp tục đồng hành với các nông hộ để xây dựng cho bà con tư duy làm chủ. Theo bà Thoa, nếu không có tư duy làm chủ, dù phương án sinh kế có được thiết kế tốt đến đâu, bà con nông dân cũng khó có thể tự mình khai thác.

Từ đó, mỗi nông hộ tham gia vào chương trình của Abavina được đào tạo, hướng dẫn không chỉ trồng cây, làm đất sao cho thuận tự nhiên mà cả những cách thức kinh doanh, tính toán sổ sách. Quá trình đó giúp bà con vốn chỉ quen “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nay trở nên tự hào về công việc mình đang làm, về giá trị mình đang tạo ra cho xã hội.

Hoạt động tiếp theo đó của Abavina, theo bà Thoa, là “mở rộng sân chơi”. Bà con nông dân được tham gia vào các hoạt động như tiếp các đoàn khách từ chính quyền, đoàn đại sứ, tổ chức phi chính phủ cho đến đoàn chuyên gia, nhà khoa học và cả những người nông dân vùng khác đến học hỏi kinh nghiệm.

Quen lao động chân tay, theo giám đốc Abavina, ban đầu bà con nông dân tỏ ra tương đối e ngại khi tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, sau mỗi đợt tiếp khách, được mở rộng giao tiếp, lại có thêm đơn hàng, bà con ngày càng trở nên tự tin và sẵn sàng kết nối.

Cũng chính từ những lần tiếp xúc đó, nhóm nông hộ tham gia vào mô hình của Abavina còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và lan tỏa triết lý canh tác nông nghiệp thuận thiên. Không phải là những tiêu chuẩn khô cứng, những nguyên lý khoa học khó hiểu, “thuận thiên” được kể lại thông qua chính câu chuyện về sự thay đổi và giá trị đem lại từ sự thay đổi ấy của bà con nông dân.

Nhờ đó, sau 5 năm hình thành và phát triển, từ 5 nông hộ ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, đến nay đã có gần 30 nông hộ tham gia vào mô hình của Abavina, với diện tích canh tác lên đến hơn 30 héc-ta. Nhờ công nghệ 4.0, hình ảnh của Abavina và những nông hộ cũng được quảng bá đi khắp mọi nơi.

Bà Thoa và đội ngũ Abavina luôn tin tưởng, với hiệu quả bước đầu ấy, cộng thêm những chính sách từ phía Nhà nước đang định hướng cho Đồng bằng sông Cửu Long, triết lý “thuận thiên” sẽ ngày càng phổ biến và trở thành chìa khóa giải quyết hiệu quả vấn đề sinh kế cho bà con vùng đất Chín Rồng.