Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: 30 năm chưa xong đặc khu kinh tế do mô hình tư duy không phù hợp
An Chi
Thứ hai, 25/09/2017 - 07:19
Mô hình tư duy của Việt Nam hiện nay đang là hình kim tự tháp ngược. Tư duy trên cùng lớn nhất, chiếm quá nhiều thời gian, mà tư duy càng lâu thì đất nước sẽ ngày càng tụt hậu, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định.
Đặc khu kinh tế phải cạnh tranh bằng chi phí giao dịch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với nhiều cơ chế được đánh giá là đột phá và vượt trội. Qua đó, kỳ vọng xây dựng được ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành ba đặc khu kinh tế có môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tác động lan tỏa tới các địa phương trong cả nước.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được xây dựng trên quan điểm thiết kế các chính sách về kinh tế xã hội dành cho các đặc khu có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn với các cơ chế vượt trội hơn so với các mô hình cơ chế đặc thù hiện hành nào tại Việt Nam.
Dự thảo Luật hướng tới mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở. Các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước được đề xuất vượt trội so với quy định hiện hành và có thể cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút được nhà đầu tư chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển.
Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017 cũng cho rằng, một nguyên lý hết sức cơ bản để cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hội nhập là chi phí giao dịch. Chi phí giao dịch có tính quyết định đối với một nền kinh tế.
Mỹ là quốc gia có chi phí giao dịch về kinh tế thấp nhất thế giới trên 1 đồng GDP được tạo ra. Đó chính là lý do tại sao đất nước họ lại hùng mạnh như vậy.
"Thế giới hiện nay cạnh tranh bằng chi phí thể chế. Do đó, khi xây dựng một thế chế đặc khu kinh tế đặc biệt, Nhà nước phải làm sao cho ở đó chi phí giao dịch thấp nhất, có như vậy, chúng ta mới có thể cạnh tranh, ngoài ra không có cách nào khác".
"Đặc khu kinh tế phải là vùng đi tiên phong trong thực hiện kinh tế thị trường. Tại đó, nguyên lý kinh tế thị trường được cụ thể hóa bằng chính sách. Đó chính là cơ chế đặc thù trong thời đại mới chứ không phải cơ chế đặc thù là xin thêm ngân sách từ Trung ương", ông Bình nhấn mạnh.
"Chậm" xây dựng đặc khu do mô hình tư duy chưa phù hợp
Được đánh giá là những tư tưởng rất mới, dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp với nhiều quan điểm khác nhau.
Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, những ưu đãi của đặc khu kinh tế đặc biệt của Việt Nam chỉ là mới so với trong nước, còn trên thực tế vẫn chưa đủ cạnh tranh với nhiều đặc khu kinh tế của các nước khác và tạo đột phá trong thu hút đầu tư.
Theo đó, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những ưu đãi của Việt Nam đối với ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc chưa thực sự đạt được sự hấp dẫn về mặt kinh tế.
Để thu hút đầu tư trong đặc khu kinh tế, Việt Nam cần đưa ra các chính sách ưu đãi tới mức cao nhất của tự do hóa kinh tế và vượt xa hơn nữa so với các quy định hiện nay.
Bên cạnh đó, mong muốn về một đặc khu kinh tế đặc thù vượt trội đã 30 năm nay Chính phủ ta muốn làm chưa thực hiện được. Vậy câu hỏi đặt ra là làm như thế nào để vượt qua được những rào cản này hay tiếp tục chờ đợi, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Chia sẽ về vấn đề này tại Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Khoan cho rằng: "Để phát triển đặc khu kinh tế đặc biệt, đừng sốt ruột, hãy cứ làm. Bởi cuộc sống không đơn giản như chúng ta hình dung".
Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này là do tại Việt Nam đang có tình trạng là mô hình tư duy chưa thực sự phù hợp. Theo đó, nếu mô hình tư duy thông thường sẽ có hình kim tự tháp, tầng cao nhất là tư duy, tầng thứ hai là chính sách và tầng chân đế là hành động. Tư duy rất sắc nhưng phải ngắn, chính sách phải nhiều hơn và hành động phải gấp bội.
"Trong khi đó, mô hình tư duy của Việt Nam hiện nay đang là hình kim tự tháp ngược. Tư duy trên cùng lớn nhất, chiếm quá nhiều thời gian, chính sách bớt đi một chút và hành động càng ít. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là chúng ta phải thay đổi lại mô hình tư duy, bởi nếu tư duy càng lâu thì bản thân đất nước sẽ ngày càng tụt hậu", nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, do nhận thức, tư duy và lợi ích của các cơ quan ban hành luật pháp nên đặc khu kinh tế của Việt Nam chưa đạt đến mức cao nhất của tự do hóa kinh doanh để có thể cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Về việc phát triển đặc khu kinh tế, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho rằng, chúng ta phải quyết tâm làm, làm rồi sẽ rút kinh nghiệm, còn không làm thì không bao giờ đi đến đích được.
Theo Ban soạn thảo luật, độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đặc khu kinh tế đặc biệt tại Việt Nam "phải cạnh tranh được với các mô hình của các quốc gia trong khu vực và quốc tế".
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.