Khởi nghiệp
Nhà đầu tư cá mập quan tâm điều gì trong 'hồ sơ' của một startup?
Có nhiều yếu tố quan trọng giúp tạo nên một bộ hồ sơ đẹp nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư như con người, sản phẩm, thị trường… Thế nhưng thứ tự quan trọng của các yếu tố còn tuỳ vào góc nhìn của các chủ thể khác nhau trong hệ sinh thái.
Đứng từ góc độ của nhà đầu tư, ông Trí Hoàng, người đã nhiều lần khởi nghiệp tại thung lũng Sillicon (Mỹ), hiện đang điều hành Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp và thúc đẩy kinh doanh Ai20x nhận định, điều đầu tiên startup cần có là định vị giá trị, phải có ý tưởng làm gì và giải quyết vấn đề gì trong xã hội.
Sau đó mới đến bước xây dựng đội ngũ gắn bó và có đủ khả năng thực hiện ý tưởng. Tiếp đến là câu chuyện của thị trường rồi xây dựng mô hình kinh doanh. Thứ tự này, theo ông Trí, cũng là cách mà các doanh nghiệp ở Mỹ đang thực hiện.
Là một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) rất thành công về công nghệ tối ưu hóa đường đi lĩnh vực logistics đã dành chiến thắng tại cuộc thi khởi nghiệp thế giới Startup World Cup 2019, đồng sáng lập Abivin Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, ba yếu tố quan trọng nhất với doanh nghiệp này theo thứ tự là thị trường, con người, sản phẩm rồi mới đến mô hình kinh doanh. Trong đó, con người bao gồm cả đội ngũ sáng lập chính là người đã tạo sản phẩm đủ tốt, đủ giá trị mang lại cho khách hàng.
Theo Hoàng Anh, việc quan trọng nhất để một startup công nghệ như Abivin thuyết phục được nhà đầu tư là phải chứng minh được tiềm năng thị trường đủ lớn giúp mô hình hoạt động tốt và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Ông Tài Nguyễn, người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp triển khai cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu (Vietchallenge) chỉ ra một yếu tố cũng không kém quan trọng đang bị bỏ quên là tính thời điểm. Khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 là cơ hội để Uber hay Airbnb phất lên khi nhiều căn nhà bị bỏ trống mà việc chi tiêu cho du lịch của người dân bị cắt giảm.
“Một số ngành đang sắp không còn là ngành thế mạnh thì cần xem xét có nên đầu tư vào hay không. Với startup, tính thời điểm là rất quan trọng”, ông Tài nhận định tại hội thảo “Ideal Startup Profile: Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ chuyên gia, nhà đầu tư".
Tâm đắc câu nói ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoà’, vị “cá mập” chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) Trần Anh Vương cho rằng cần xác định được lợi thế về địa lý của địa phương. Có những mô hình đã thành công ở nước ngoài nhưng chưa chắc về Việt Nam áp dụng được và ngược lại, nếu bỏ qua một mô hình hấp dẫn đã được làm ở nơi khác thì có thể tuột mất cơ hội.
Một yếu tố quan trọng không kém được Shark Vương rút ra sau thất bại của một số startup là tính tập trung: “Mặc dù thời điểm, mô hình và đội ngũ tốt nhưng khi bắt đầu công việc lan man nhiều chuyện, làm nhiều thứ cùng lúc mà không tập trung sẽ chết. Thậm chí, sau khi nhận đầu tư mà không tập trung thì còn nguy hiểm hơn”.
Bạn bè làm ăn được với nhau là tốt nhưng làm ăn đừng dựa vào tình bạn
Đội ngũ sáng lập là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với bất kỳ startup nào. Với Abivin thì con số 2 thành viên là phù hợp vì nếu làm một mình thì quá áp lực, không có ai đưa ra phản biện hay thử thách để nhà sáng lập đưa ra được giải pháp phù hợp nhất. Hoặc nếu đội ngũ sáng lập quá đông thì sẽ mất rất nhiều thời gian và năng lượng để thảo luận, đưa ra ý kiến chung.
Shark Vương cũng cho rằng, 2 đồng sáng lập là một con số lý tưởng với startup. Tuy nhiên, ông Vương lưu ý, bạn bè làm ăn được với nhau thì tốt, nhưng làm ăn với nhau đừng dựa vào tình bạn.
Còn theo chia sẻ của ông Trí, số lượng nhà sáng lập của startup ở Mỹ thường được xác định dựa trên nhu cầu của startup đó, không có quy tắc cụ thể. Thông thường, các công ty công nghệ sẽ có 3 đồng sáng lập, trong đó, người lãnh đạo xác định chiến lược và ý tưởng, một người giỏi về kỹ thuật và một người mạnh về vận hành. Doanh nghiệp ở Mỹ khi làm việc với nhau có thể bàn cãi to tiếng trong cuộc họp nhưng đã ra khỏi phòng họp đều phải tuân thủ quyết định, không để khó chịu trong lòng.
Một phát hiện khá thú vị là rất nhiều nhà sáng lập của startup được đào tạo ở nước ngoài. Việc du học sẽ mang lại trải nghiệm quốc tế khá tốt, mở rộng tầm nhìn, nhìn nhận được những thiếu sót của thị trường. Tuy nhiên xét về mặt kỹ thuật, nhà sáng lập Abivin cho rằng, các lập trình viên của Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tương tự như ở thung lũng Silicon.
Nên xác định thị trường như thế nào?
Một vấn đề được đặt ra cho các startup là khi bắt đầu thì nên tư duy thị trường quốc tế hay trong nước. Ông Tài Nguyễn, người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp triển khai cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu Vietchallenge cho rằng xác định thị trường như thế nào còn phụ thuộc vào sản phẩm. Một số ứng dụng chỉ chạy được thị trường trong nước do đặc thù về văn hoá, địa lý thì nên chỉ tập trung trong nước.
Tuy nhiên ông Tài cũng cho biết, phần lớn startup tham gia Vietchallenge đều đặt mục tiêu vươn ra quốc tế và giám khảo cũng thích các dự án mang tầm thế giới vì ít nhất nếu nghĩ lớn thì vấn đề nhỏ hơn sẽ dần được xử lý. "Các startup được định giá cao phải có thị trường lớn. Nghĩ lớn thì hành động chắc chắn sẽ đi theo", ông Tài nói.
Không hoàn toàn đồng tình, ông Vương nhìn nhận, không có ngành hàng nào chỉ gói gọn ở quy mô trong nước: “Không nghĩ đến thị trường 7 tỷ dân thì phải có khát vọng nghĩ đến khu vực để các nhà đầu tư nhìn vào”.
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế cũng không hề dễ dàng. Một khó khăn có thể nhìn thấy rõ nhất đối với startup được Hoàng Anh chỉ ra với những thị trường như nước Mỹ là khoảng cách địa lý, chênh lệch múi giờ cũng như khó khăn trong việc xây dựng hệ thống từ xa hoạt động được vào ban đêm. Còn với các thị trường trong khu vực thì sẽ gặp trở ngại về ngôn ngữ do nhiều đối tác Indonesia hay Malaysia của Abivin không dùng tiếng Anh. Đồng thời, cần sự phối hợp từ các nguồn lực tại quốc gia đó để có thể nội địa hoá sản phẩm.
Với Abivin, Hoàng Anh cho biết từ ngày đầu thành lập và tạo sản phẩm đã có tầm nhìn quốc tế, có thể phát triển ở bất cứ đâu do hai nhà sáng lập đều được đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa tầm nhìn dài hạn và hành động trong ngắn hạn. Cụ thể, suy nghĩ phải đủ lớn để phấn đấu và xây nền móng cho sản phẩm nhưng mục tiêu thực sự thì ưu tiên nguồn lực ở một thị trường còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết như Việt Nam để dẫn đầu thị trường rồi mới đẩy mạnh tiến sang các thị trường trong khu vực.
Để startup Việt theo được xu hướng của nhà đầu tư về công nghệ lõi
Nhận định của các nhà đầu tư gần đây cho thấy, xu hướng sẽ nở rộ trong thời gian tới là đầu tư vào công nghệ lõi để có thể siêu cá nhân hoá trải nghiệm cho khách hàng bởi mô hình kinh doanh dù khác biệt thì vẫn có thể dễ dàng sao chép trong khi công nghệ lõi là thứ tạo sự khác biệt mang tính đột phá cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Vương cho biết, số lượng startup công nghệ đến với Shark Tank mùa thứ ba chiếm khoảng 70%; ngoài ra, 15% cũng là những startup có ứng dụng công nghệ ở mức tương đối và đưa hàm lượng công nghệ vào cuộc sống khá rõ nét.
“Họ đã biến các nhà đầu tư truyền thống thành các nhà đầu tư công nghệ. Nếu trình độ công nghệ không tốt thì không có câu chuyện đó”, shark Vương nói.
Với startup Abivin, công nghệ là lợi thế cạnh tranh khá rõ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế. Cũng không quá ngạc nhiên về điều này khi một trong hai nhà sáng lập là Phạm Nam Long có bề dày nhiều năm kinh nghiệm về phát triển thuật toán, nghiên cứu về máy học tại các nôi công nghệ của thế giới như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Bristol hay Google. Sau khi về Việt Nam đã tìm cách xây đội ngũ bài bản và truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ kỹ sư công nghệ ở Việt Nam.
Theo Hoàng Anh, để so với thế giới thì còn phải cố gắng nhiều nhưng đánh giá của nhiều khách hàng lớn là các tập đoàn đa quốc gia cho thấy kỹ sư Việt Nam có thể làm ra các giải pháp cạnh tranh ngang với các sản phẩm khác trên thế giới. Việt Nam có thể xây dựng các công ty công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.
Nhìn nhận về năng lực công nghệ của startup Việt, ông Trí cho biết khá ngạc nhiên vì trình độ công nghệ của các bạn trẻ Việt rất tốt và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm. Tuy nhiên ông Trí lưu ý, cần tập trung vào những kỹ năng thế mạnh căn bản mà Việt Nam có như thuật toán.
Khi tiếp xúc với một số startup, ông Trí còn nhận thấy có những người mất thời gian tự tạo ra những thứ công nghệ đã có sẵn ở bên ngoài hoặc có những người lấy công nghệ ở đâu đó nhưng lại cố chứng tỏ là của mình. Bên cạnh đó, khả năng thiết kế sản phẩm còn thiếu, tính kỷ luật dường như còn yếu vì theo ông Trí, trong quá trình làm việc startup thường cố làm cho nhanh để chứng minh công việc thay vì đi theo quy trình mang tính kỷ luật.
Như vậy, công nghệ có thể không mang tính sở hữu nhưng cách thức sử dụng công nghệ đó cũng như quy trình làm việc có thể được xem là sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Ông Trí cho rằng, startup cần nhìn thẳng vào vấn đề.
Trong khi đó, từ góc độ của startup, Hoàng Anh cho rằng khó khăn lớn nhất là đội ngũ kỹ sư của Việt Nam sau tốt nghiệp còn thiếu nhiều kinh nghiệm; trong khi ở Đại học Stanford (Mỹ), sinh viên vừa tốt nghiệp đã có kinh nghiệm làm dự án trực tiếp cho các công ty, ứng dụng được. Do đó, Hoàng Anh cho rằng cần có sự hỗ trợ từ các yếu tố khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam để giúp tiềm năng công nghệ có thể khai thác tốt và mang tính ứng dụng cao hơn.
Khởi nghiệp và bài toán thương hiệu 100 năm
Hai nút thắt trong khởi nghiệp
Vốn và con người được xem là những nguồn lực quan trọng nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng việc tiếp cận và phát huy hai yếu tố này vẫn còn là khó khăn lớn với đa số startup ở Việt Nam.
Giải bài toán hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, tuy nhiên khả năng hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo lại thấp hơn rất nhiều.
Có phải khởi nghiệp lúc nào cũng màu hồng?
Ngay cả khi startup gọi vốn thành công, thì quy luật của cuộc chơi cũng khác xa những gì người ta thấy và đọc về Silicon Valley - cái nôi khởi nghiệp của thế giới. Chỉ có học qua kinh nghiệm, qua những bài học thất bại, startup mới thực sự trưởng thành để vươn tới đại dương xanh.
Yếu tố cốt lõi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
Bất cứ thành tố nào cũng có thể gây tác động tích cực đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương, tuy nhiên quan trọng và cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người.
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng chuẩn bị đi vào hoạt động
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại Quảng Ninh có công suất 120.000 xe/năm, sẽ đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.
Vinhomes chỉ mua vào 67% số cổ phiếu quỹ đăng ký
Ước tính Vinhomes đã chi gần 10.500 tỷ đồng cho gần 247 triệu cổ phiếu quỹ kể trên nếu tính giá trị giao dịch mỗi phiên theo giá đóng cửa.
Hết 'room' margin, công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn
Bên cạnh việc có thêm “room” cho vay để đảm bảo mức trần quy định, hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt tăng vốn cũng giúp các công ty gia tăng nội lực tài chính.
Đường sắt tốc độ cao: Tìm lời giải bài toán vốn, công nghệ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn hợp lý cho dự án làm du lịch trong rừng
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Hanoi Melody Residences: 'Tọa độ nóng' của thị trường căn hộ nội đô
Tổ hợp căn hộ đa tiện ích Hanoi Melody Residences tại khu vực Tây Nam Linh Đàm đang đón lượng khách tăng vọt trong những ngày gần đây.
PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học
PVcomBank khuyến nghị khách hàng cập nhật giấy tờ tùy thân và đối chiếu sinh trắc học trước 1/1/2025 để đảm bảo giao dịch an toàn, liên tục.