Nhà sáng lập Tòhe: 'Nhìn trẻ em khuyết tật thấy mình mới chính là người khiếm khuyết'

Đặng Hoa - 11:15, 01/06/2019

TheLEADERCơ duyên được tiếp xúc với nhiều trẻ em khuyết tật từng khiến nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu 2016 Phạm Thị Ngân giật mình rung động và nhận ra được những thay đổi trong tư duy, cách nhìn về thế giới quan, về định nghĩa của sự đủ đầy và khiếm khuyết.

Nhà sáng lập Tòhe: 'Nhìn trẻ em khuyết tật thấy mình mới chính là người khiếm khuyết'
Đồng sáng lập Tòhe Phạm Thị Ngân.

Không phải ngẫu nhiên mà chị Phạm Thị Ngân, đồng sáng lập Công ty CP Tòhe lại là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách 121 lãnh đạo toàn cầu (YGL) năm 2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn.

Cậu bé Hà Đình Chí có một tên gọi thân thuộc là Nem được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ và Noonan bẩm sinh. Em gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và kiểm soát bản thân nhưng có tình yêu rất lớn với vẽ tranh. Vẽ là cách Nem thể hiện trí tưởng tượng và kể những câu chuyện của riêng mình.

Năm 2014, Tòhe đã cùng gia đình Nem cho ra mắt bộ sưu tập “Tòhe và Nem” với những nét vẽ hồn nhiên và sinh động, là câu chuyện về hành trình thám hiểm vượt đại dương và chiến đấu với những sinh vật biển hung tợn của một cậu bé.

Một cậu bé khác cũng mắc phải hội chứng tự kỷ là Văn Minh Đức theo học lớp của Tòhe khi chỉ mới 10 tuổi, sau mười năm đã trở thành điểm tựa rất lớn của gia đình, là đàn anh của nhiều thế hệ nhân viên trong Tòhe. Đã hơn 20 tuổi, vẫn hành xử như một đứa trẻ chỉ mới lên 4, lên 5 nhưng những sản phẩm được làm ra từ tình yêu với vẽ tranh đã mang lại cho em nguồn thu nhập tương đương với các bạn sinh viên đã tốt nghiệp đại học.

Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn câu chuyện ở doanh nghiệp xã hội Tòhe do vợ chồng anh Nguyễn Đình Nguyên, chị Phạm Thị Ngân và người bạn thân của mình là chị Nguyễn Thị Thanh Tú đồng sáng lập gần 15 năm về trước.

Câu chuyện Tòhe được bắt đầu từ năm 2005 khi nhóm bạn tới thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) như những tình nguyện viên. Họ đã tổ chức các hoạt động nghệ thuật và vẽ tranh cho các em nhỏ vào cuối tuần, hiểu thêm về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cũng như tinh thần hồn nhiên, yêu đời và những mong ước giản dị của các em.

Ý tưởng thành lập Tòhe được hình thành trong một lần nhóm bạn đến thăm bảo tàng Picasso (Barcelona) vào năm 2006 và đọc được câu nói nổi tiếng của danh hoạ: "Tôi mất 4 năm để có thể vẽ được như Raphael, nhưng phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”.

Có ai lại không muốn sống đời mình như những đứa trẻ? Có vẻ người lớn chưa bao giờ ngừng tìm kiếm hạnh phúc, từ những người bình thường nhất đến những triết gia lỗi lạc. Vì là người lớn nên rất chi là… kiểu người lớn mà đánh mất đi sự hồn nhiên, điều rất gần với hạnh phúc, vốn dĩ có sẵn trong mỗi người.

Đó cũng là trăn trở của những người sáng lập nên Tòhe, những người từng sẵn sàng đóng cửa công ty, bán xe… để làm một thứ gì đó khác đi và đổ tiền vào một dự án thua lỗ triền miên trong ba năm trời. 

Năm 2007, Tòhe nhập chiếc máy in áo thun kỹ thuật số đầu tiên từ Mỹ và cũng là chiếc máy in chủng loại này đầu tiên tại Việt Nam, tiến hành sản xuất thử nghiệm. Hai năm sau, Tòhe lần đầu tiên tung sản phẩm ra thị trường bán lẻ tại Charity Bazaar Hà Nội và được khách hàng đón nhận nồng nhiệt.

Đến năm 2011, công ty này nhận chi phí tài trợ đối ứng theo tỷ lệ 49-51 mua máy móc và xây dựng giáo trình dạy vẽ từ Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ). Đây cũng là năm đầu tiên những sản phẩm của trẻ em khuyết tật ở Tòhe được xuất ngoại và cập bến nước Úc, rồi đến Đức, Hàn Quốc, Nhật bản, Anh…

Tuy nhiên, ba năm liên tiếp sau đó, Tòhe rơi vào tình trạng lỗ, đến năm 2014 mới hoà vốn và thu về những đồng lãi đầu tiên.

Đồng sáng lập Tòhe: ‘Nhìn trẻ em khuyết tật, tôi thấy mình mới là người khiếm khuyết’
Chị Phạm Thị Ngân và chồng là anh Nguyễn Đình Nguyên

Từ khi được thành lập đến nay, Tòhe đã tạo ra một sân chơi cho các em khuyết tật thiệt thòi bằng cách tổ chức các lớp hướng dẫn sáng tạo ngoại khóa cho các em. 

Khi tranh của các em được chọn lọc và sử dụng in lên các dòng sản phẩm lifestyle (phong cách sống) bán ra thị trường, một phần lợi nhuận sẽ dùng để tiếp tục mở rộng các lớp học mới, đồng thời cũng giúp các em có thêm một phần lợi ích vật chất trang trải cho cuộc sống còn nhiều thiếu thốn khó khăn.

Qua các sản phẩm của Tòhe, sự hồn nhiên, trong sáng, tình yêu thương và niềm vui trong trẻo mà những người lớn thật ‘thiệt thòi’ khi cứ vô tình đánh mất đi giữa cuộc sống ngày càng trở nên căng thẳng được loan toả rộng rãi đi khắp mọi nơi trên thế giới.

Có phải một tình yêu rất lớn dành cho trẻ em là yếu tố đưa chị đến với Tòhe?

Chị Phạm Thị Ngân: Cái duyên là yếu tố đầu tiên, đó là một cái duyên rất kỳ lạ.

Khi tôi đi làm dự án của các tổ chức phi chính phủ về tìm hiểu trẻ em hoặc nâng cao nhận thức cho trẻ em về các vấn đề xã hội, kỹ năng sống, tôi có cơ hội làm việc trực tiếp với trẻ em khuyết tật, tiếp xúc với các em trong một thời gian dài thay vì qua loa và hời hợt như trước đây.

Đó cũng là lúc tôi cảm thấy rất xúc động, cảm thấy mình đã thay đổi tư duy, cách nhìn về thế giới quan, về cuộc sống. Tôi có một cách nhìn mới về sự đủ đầy và khiếm khuyết.

Tôi bắt đầu quan tâm đến việc làm thế nào để có thể tiếp tục làm việc với các em, để những nét đẹp, những giá trị hồn nhiên đó được lan toả đến cộng đồng? Làm thế nào để giúp các em phát triển, những tài năng thiên bẩm về hội hoạ? Làm thế nào để mọi người nhận thấy những khả năng đấy thật quý giá và có giá trị bằng cách chuyển hoá lên sản phẩm, bán ra thị trường và tạo thu nhập cho các em?

Quan điểm về sự đủ đầy và khiếm khuyết của chị đã thay đổi như thế nào?

Chị Phạm Thị Ngân: Một trong những cảm giác khiến tôi choáng ngợp và thậm chí bị sốc khi tiếp cận với các em là nhận ra người khiếm khuyết chính là mình chứ không phải các em ấy.

Thời điểm bắt đầu tiếp xúc với các em cũng là lúc tôi đang làm chủ công ty, có nhiều nhân viên, có nhà, có xe, có con cái và rất bận rộn. Có thể nói tôi sống một cuộc sống vật chất rất đủ đầy so với các em nhưng cứ triền miên nhiều lo lắng, ít khi để ý và có cơ hội thả lỏng hoàn toàn để được cười, để thoải mái với chính mình, với tất cả những gì mình đang có.

Dù có điều kiện tốt nhưng tôi không hề thoải mái trong khi các em chẳng có gì, không cha, không mẹ, cụt tay chân, không có mắt… nhưng vẫn chơi đùa hồn nhiên, vô tư.

Tự nhiên tôi cảm thấy rung động trong người, thấy mình thật sự thiếu thốn. Có những thứ đủ đầy mà không đủ đầy, thiếu thốn nhưng lại không hề thiếu thốn.

Đồng sáng lập Tòhe: ‘Nhìn trẻ em khuyết tật, tôi thấy mình mới là người khiếm khuyết’ 1
Sự hồn nhiên trong mỗi đứa trẻ là điều mà người lớn đang vô tình đánh mất

Nhưng vật chất dù gì vẫn rất quan trọng?

Chị Phạm Thị Ngân: Vật chất quan trọng thật nhưng nó quan trọng bao nhiêu trong cuộc sống.

Mình có nên xem vật chất là một yếu tố áp đảo toàn diện để không bao giờ biết con người mình thực sự là ai, không biết thoải mái với bản thân là gì, để luôn thấy thiếu thốn và không bao giờ biết rằng mình có đủ.

Khi vận hành một doanh nghiệp, chị xếp câu chuyện doanh thu, lợi nhuận ở vị trí nào?

Chị Phạm Thị Ngân: Theo cách nhìn nhận thông thường như trước đây, mục tiêu lợi nhuận luôn được đặt ở vị trí cao nhất.

Nhưng sau khi thay đổi nhận thức, mục tiêu của tôi lúc vận hành công ty vẫn là duy trì một cái kiềng 3 chân. Phải làm thế nào để có doanh thu, lợi nhuận tốt trên cơ sở đảm bảo sự cân bằng với tất cả các giá trị về xã hội, cuộc sống. Nếu một chân bị vấp thì sẽ không đi chân khác cao hơn.

Chị nhìn nhận như thế nào về cách người lớn vẫn đang hành xử với trẻ em hiện nay?

Chị Phạm Thị Ngân: Nếu nhìn vào mặt nổi, có thể thấy người lớn hình như đang đối xử với trẻ em theo một hướng khá lệch lạc bởi khi họ sốt ruột về cái gì thì sẽ muốn trẻ em có được cái đó. Họ muốn trẻ em lớn lên sẽ thành đạt, muốn con cái học giỏi, muốn con hơn người, lúc nào cũng đứng đầu, đạt được cái này, đạt được cái kia…

Nhưng khi nhìn vào cái gốc, ta có thể thấy được một sự thiếu thốn và mất cân bằng bên trong người lớn. Cho nên, những gì được thôi thúc ra bên ngoài sẽ bị tác động vào con cái. Nếu người lớn thực sự cân bằng, tìm thấy được giá trị cốt lõi ở thì cách tác động đến con sẽ hài hoà hơn.

Sự lệch lạc trong cách ứng xử đó không phải là lỗi của người lớn mà thực chất họ cũng chính là nạn nhân của bối cảnh xung quanh.

Ngày xưa cũng có áp lực về vật chất nhưng sẽ ít hơn so với bây giờ do thế giới chỉ gói gọn trong quy mô làng, xã. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, có nhiều thứ để nhìn vào và hướng tới hơn, áp lực đi cùng nhịp với sự phát triển của thế giới nên kỳ vọng vào trẻ em cũng sẽ nhiều hơn.

Cuộc sống vật chất trong thời đại ngày nay đã đủ đầy hơn trước nên chúng ta phải cân nhắc những giá trị khác như thế nào đó để có thể tìm thấy được sự cân bằng trong cuộc sống.

Chị có kỳ vọng gì cho thời gian sắp tới?

Chị Phạm Thị Ngân: Từ lâu tôi không kỳ vọng.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình sẽ làm tốt nhất tất cả những công việc mình đang làm, những việc sẽ đến với mình. Thực ra đó cũng là một cảm hứng dễ lan truyền cho những người khác như cách mà Tòhe đang làm.

Tôi nghĩ là không nên kỳ vọng quá để đến khi không làm được thì sẽ thất vọng.

Xin cảm ơn chị!