Xu hướng đầu tư công nghệ lõi để siêu cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng

Đặng Hoa - 08:10, 09/12/2019

TheLEADERTheo nhận định của các vị cá mập chương trình Shark Tank, xu hướng đầu tư sẽ bùng nổ trong thời gian tới là những startup có thể siêu cá nhân hoá trải nghiệm cho người dùng cuối thông qua công nghệ lõi.

Đồng sáng lập một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) rất thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Chủ tịch InfoRe Technology Group Lê Công Thành cho biết quyết định đầu tư vào lĩnh vực khá mới mẻ này một phần do tình yêu dành cho AI, của cả nhóm sáng lập và các nhà đầu tư nói chung.

Đầu tư công nghệ lõi để siêu cá nhân hoá trải nghiệm sẽ là xu hướng mới
Anh Lê Công Thành, Chủ tịch InfoRe Technology Group

Bỏ dở việc học Tiến sỹ ở Đại học Paris Sud (Pháp) và trở về Việt Nam lập nghiệp vào năm 2009, anh Thành cùng nhóm bạn xây dựng nên hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC – Social Media Command Center). Hệ thống này sau này đã giúp anh giành giải Công nghệ thông tin triển vọng Nhân tài đất Việt năm 2016.

Trong ba năm liền, anh Thành chủ yếu được thuê làm dự án mà không hề có khái niệm startup trong đầu. Tuy nhiên, anh buộc phải lập doanh nghiệp vào cuối năm 2011 để có thể xuất hoá đơn theo yêu cầu của khách hàng. Lúc này, anh và đội ngũ quyết định làm startup thay vì kinh doanh thông thường như bao doanh nghiệp khác.

Mô hình thông thường vận hành theo một vòng xoáy với chu kỳ tái đầu tư vốn, phải luôn giữ được vốn. Trong khi startup, theo anh Thành, là cố gắng tồn tại sau đó tạo nên những bước nhảy vọt, mỗi bước nhảy sẽ là một thay đổi về chất.

“Có khi nhà đầu tư không kiếm được đồng nào từ mấy triệu USD đổ vào startup mặc dù bị tiêu hết sạch nhưng giá trị của startup có thể tăng lên ở các vòng gọi vốn tiếp theo. Những doanh nghiệp hoạt động theo kiểu xoay vòng vốn có thể phải mất 100 năm mới đạt được con số định giá hơn trăm tỷ USD mà Uber chỉ mất 5 năm để thực hiện”, anh Thành nhận định tại sự kiện Growth hacking cho startup bằng ứng dụng truyền thông số mới do iMentor, VAG Media và Trung tâm truyền thông Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp tổ chức.

Thời điểm InfoRe được thành lập, khái niệm AI chưa nổi lên ở Việt Nam như hiện nay, đa phần dữ liệu trong máy tính đã được các doanh nghiệp nước ngoài xử lý. Anh cùng nhóm sáng lập của mình xác định tập trung xử lý nguồn dữ liệu tiếng Việt khổng lồ để phân tích hành vi và xu hướng khách hàng.

Trong 5 năm qua, InfoRe đã thu thập được 14 tỷ bản ghi dữ liệu với thông tin ở mọi lĩnh vực, từ du lịch, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, y tế đến nông nghiệp. Anh Thành cho biết, năm 2017, công ty đã được nhà đầu tư định giá 5 triệu USD. Hiện, InfoRe cũng đang là một vườn ươm cho các doanh nghiệp startup khác với khoảng 30 dự án trí tuệ nhân tạo khác nhau.

Theo nhà sáng lập InfoRe, công thức xây nên các doanh nghiệp startup của anh gồm bốn yếu tố: công nghệ lõi dựa trên các dữ liệu đủ lớn mà công ty thu thập, nhiều sinh viên xuất sắc về mặt công nghệ được chiêu mộ về để đào tạo, có các “business hacker” là những người có thể làm nên những bước nhảy vọt so với những người làm kinh doanh thông thường và cuối cùng là các nhà đầu tư có tầm nhìn.

“Một trong hai lý do chính chúng tôi thành lập công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là ‘I love AI’. I ở đây không chỉ là tôi mà là Investor (nhà đầu tư). Trước đây các nhà đầu tư đổ tiền nhiều vào website, sau đó họ đầu tư vào các ứng dụng mobile, và đến bây giờ là đầu tư vào công nghệ mới như AI”, anh Thành nhận định.

Giám đốc Vintech City Trương Lý Hoàng Phi tại diễn đàn Giải mã thất bại và mô hình khởi nghiệp thành công trong khuôn khổ Techfest 2019 đã nhìn nhận, trong giải pháp kinh doanh có ba lớp gồm: giá trị mà người dùng cuối cảm nhận, mô hình kinh doanh và phần lõi. Trong đó, một mô hình kinh doanh dù tốt đến đâu vẫn có khả năng bị sao chép, giải pháp thay thế có thể xuất hiện.

Do đó, bà Phi cho rằng khi doanh nghiệp nào cũng muốn sản phẩm của mình là độc nhất thì cần phải có các nền tảng, giá trị sâu bên trong bằng việc đầu tư vào công nghệ lõi để tham gia sâu hơn vào cuộc chiến tạo trải nghiệm mang tính độc nhất cho người dùng cuối.

Đầu tư công nghệ lõi để siêu cá nhân hoá trải nghiệm sẽ là xu hướng mới 1
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Vintech City

“Mô hình kinh doanh chỉ chạy trên nền tảng cấp trung, không đủ nguồn lực để tấn công các nền tảng thị trường quan trọng thì có thể bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. ‘Hot trend’ trong thời gian tới sẽ là đầu tư vào các doanh nghiệp deep-tech sở hữu nền tảng sâu như blockchain, big data, AI…”, bà Phi nhận định.

Vị “cá mập” mùa thứ hai trong chương trình Shark Tank cho rằng, startup cần đầu tư sâu hơn và thậm chí phải hy sinh cho quá trình phát triển và nghiên cứu (R&D). Đây là một giai đoạn rất quan trọng nhưng đầy đau thương vì không phải tất cả sản phẩm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đều có thể thương mại hoá. Đặc biệt, nếu đầu tư đúng cho phần lõi, các công ty khác sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể sao chép và lúc đó, doanh nghiệp sở hữu phần lõi đã có thể tiến rất xa.

Tương tự, shark Nguyễn Hoà Bình nhận định, từ khoá quan trọng nhất của startup công nghệ từ năm 2020 trở đi sẽ là “make money”, startup dù còn có lỗ nhưng phải chứng minh được cách kiếm tiền, các startup công nghệ có lãi từ năm sau trở đi sẽ lên ngôi.

Nói về các tiêu chí cụ thể, ông Bình chỉ ra hai xu hướng nóng sẽ nổi lên trong thời gian tới. Thứ nhất, trong cơn sốt về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số đang lên hơn bao giờ hết, các mô hình kinh doanh để chuyển đổi số cho các ngành hẹp sẽ là xu hướng. Thứ hai, làm cho dữ liệu lên tiếng, thị trường đang thiếu rất nhiều startup liên quan đến AI, phân tích dữ liệu để tối ưu hoá hoạt động doanh nghiệp.

'Đừng nói mang Việt Nam ra thế giới, thế giới đã vào Việt Nam rồi'

Trong thế giới phẳng, các nguồn lực từ con người đến tiền và thông tin đang dịch chuyển trên khắp thế giới và chắc chắn Việt Nam phải mở cửa cho các công ty nước ngoài. Lúc này, thách thức với các startup Việt rất lớn.

Shark Bình cho biết khá lo ngại khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt mảng công nghệ sẽ tăng thì thách thức là nếu dòng tiền đó đổ vào startup của nước ngoài thay vì đầu tư vào startup Việt thì thị trường Việt Nam có thể bị xâm chiếm. Như vậy, các startup Việt không những không được lợi ích gì mà ngược lại, phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt.

Đơn cử như câu chuyện của Lazada hay Shopee vào Việt Nam với số vốn khổng lồ sẵn sàng đè bẹp các doanh nghiệp Việt. Hay câu chuyện cạnh tranh về nguồn lực công nghệ. Trước đây, startup Việt đã phải cạnh tranh với các doanh nghiệp gia công cho nước ngoài thì nay phải đau đầu vì sự xuất hiện của các “ông lớn” nước ngoài đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam với mức lương “khủng”.

Dù thừa nhận thách thức sẽ rất nhiều với startup Việt Nhưng bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, những thách thức đó sẽ mang lại nhiều cơ hội. Đã đến lúc doanh nghiệp cần bớt chủ quan để nắm lấy cơ hội, cụ thể, nếu làm tốt sẽ có thể dễ dàng bắt tay với những “tai to mặt lớn”.

“Bạn tôi trước đây chưa biết đến Việt Nam nhưng nay đã đánh giá Việt Nam là một thị trường đang lên và tiềm năng vì có quá nhiều vấn đề phải giải quyết bằng công nghệ”, bà Phi nói và cho rằng đã đến lúc phải đầu tư đúng mực hơn cho con người và cho công tác R&D hơn là chỉ biết nhìn vào những mô hình đã thành công.

Theo bà Phi, startup phải tập trung sâu hơn và tính toán cẩn thận hơn để có các mô hình kinh doanh mang tính đặc trưng của thị trường, từ đó khiến các “ông to” phải dè chừng hoặc là hợp tác.

“Ngày xưa mang chuông đi đánh xứ người, giờ đừng nói mang Việt Nam ra thế giới, bây giờ thế giới đã vào Việt Nam rồi, hãy nghĩ đến câu chuyện mang thế giới vào Việt Nam và bắt tay thay vì sợ họ vào chiếm lấy thị trường”, bà Phi đưa ra lời khuyên.

Đồng tình với quan điểm này, Shark Nguyễn Thanh Việt khẳng định, các startup Việt hiểu rất rõ văn hoá, truyền thống và con người Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài muốn thành công trên nước Việt thì phải kết hợp với doanh nghiệp Việt.